Từ những thửa đất ruộng cỏ mọc, anh Phạm Văn Dũng (xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) thuê lại, làm hồ sơ xin chuyển đổi sang trồng măng tây. Nhờ trồng giống “rau vua”, ăn bổ dưỡng đã giúp cho anh Dũng thu nhập ổn định.
Thuê đất 150 hộ dân để trồng “rau vua”
Dẫn phóng viên Dân Việt đi tham quan mô hình trồng cây măng tây, anh Phạm Văn Dũng (sinh 1981, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn) chỉ tay về phía diện tích hơn 2 ha mà gia đình thuê được từ 150 hộ dân để trồng rau vua.
Anh Phạm Văn Dũng (xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ về thu hoạch mầm măng tây-một loại rau ăn bổ dưỡng ví như “rau vua”.
Anh Phạm Văn Dũng tâm sự: “Trước đây, diện tích chúng ta đang đứng là phần chân mạ được Hợp tác xã Vân Long chia cho các xã viên để gieo mạ. Cũng vì mỗi hộ chỉ có vài chục m2, nên sau khi nhổ mạ, hầu như không sản xuất gì thêm. Dần dần, phương pháp gieo mạ truyền thống thay đổi thành gieo sạ, gieo dày nên diện tích này để cỏ mọc hoang”.
Anh Phạm Văn Dũng (xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) chỉ tay về diện tích hơn 2 ha mà gia đình đang trồng cây măng tây. Ảnh: Vũ Thượng
“Nhìn các xứ đồng như: Sài Bạc, chân Mạ mầu…thuận lợi về nguồn nước, giao thông đi lại…mà để hoang cho cỏ mọc tôi thấy xót xa. Chính vì thế tôi nảy ra ý tưởng phải khởi nghiệp từ làm nông nghiệp trên chính mảnh đất này”, anh Dũng chia sẻ thêm.
Để tiến hành trồng cây măng tây, anh Dũng tìm hiểu cẩn thận thị trường tiêu thụ, đồng thời trực tiếp đến tham quan các mô hình trồng cây măng tây trên địa bàn trong tỉnh Ninh Bình, và ngoài tỉnh để nắm vững kỹ thuật chăm sóc.
Anh Dũng cho biết: “Sau khi được 150 hộ đồng ý cho thuê đất, tôi đầu tư khoảng 2 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ, nói không với phân bón hóa học”.
Theo quan sát của phóng viên, trên diện tích hơn 2 ha cây măng tây, anh Dũng đang tiến hành thu gom cây chết để trồng vụ mới. Được biết, giống măng anh Dũng trồng là giống Grande F1 (xuất xứ Mỹ), dòng cho mầm măng mập, năng suất cao nhất, tính kháng bệnh tốt nhất.
Kỹ thuật chăm sóc cây măng tây
Anh Phạm Văn Dũng (sinh 1981, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn) bật mí: “Cây măng tây không khó trồng nhưng đòi hỏi phải được chăm sóc kỹ càng. Cây này thường gặp các loại bệnh nấm và thối rễ, đốm tím, rỉ sắt…làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây”.
Để cây măng tây phát triển tốt, anh Dũng không ngừng tham khảo các tài liệu qua sách, báo, mạng internet, vừa trực tiếp đến tham quan và nhờ các chủ vườn lớn tư vấn thêm kỹ năng chăm sóc cây để ứng dụng.
Ngoài ra, anh Dũng tự chế các loại thuốc vi sinh hữu cơ đặc trị làm từ các sản phẩm tự nhiên như: Cá, phân trùn quế…nhờ đó, cây măng tây kháng được nhiều loại sâu bệnh, phát triển tốt, nhiều nhánh khỏe cho năng suất cao.
Anh Dũng tính: “Mỗi sào cây măng tây chăm sóc tốt cho thu hoạch từ 3-4 kg mầm, giá thị trường giao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, thời gian thu hoạch măng sẽ diễn ra trong 6 tháng. Qua đó, hiệu quả kinh tế mà cây măng tây mang lại cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống khác”.
Từ những lợi thế sẵn có về nguồn đất, giá bán mầm măng tây ổn định…anh Dũng đã và đang vận động thêm các xã viên trên địa bàn xã Gia Tân (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) xúc tiến thành lập hợp tác xã trồng, chế biến măng tây, đồng thời xây dựng sản phẩm Ocop cho loại rau vua này.
Nguồn: https://danviet.vn/anh-nong-dan-ninh-binh-trong-mang-tay-vi-nhu-rau-vua-an-bo-duong-cat-ban-dat-nhu-tom-tuoi-2023010810451884.htm?fbclid=IwAR0cYP8u0RUxol9wmsuoMNWFwfyjLGsdwUKIpF4Yhy-M7KM5tZEimYWcKM4