Những nhân vật bất hủ như Chí Phèo, lão Hạc, Bá Kiến đã được Nam Cao sáng tạo từ những nguyên mẫu gần gũi, gắn bó trong cuộc sống làng xã ở miền quê Đại Hoàng của nhà văn. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, những nhân vật ấy vẫn đang sống sinh động trong con mắt dân làng.
Nguyên mẫu hình tượng Bá Kiến
Nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo không khác nhiều về thân thế so với nguyên mẫu Nghị Bính ngoài đời thực. Nghị Bính (còn gọi là Bá Bính) tên thật là Trần Duy Bính, con trai cụ Trần Duy Thực; trong gia tộc Trần Duy, ông là đời thứ sáu làm lý trưởng. Trần Duy Bính dần dần chen lên được chức Chánh tổng Cao Đà (huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), chánh huyện hào (thuộc hàng 10 chánh tổng trong huyện), rồi làm đến chức nghị viên Bắc Kỳ. Nghị Bính có 5 vợ, bà ba là Trần Thị Yêm, con nhà quyền quý, xinh đẹp đúng như chân dung bà ba trong Chí Phèo.
Sống trong xã hội đó nên việc Bá Bính lộng quyền, lợi dụng quyền chức để trục lợi cũng không phải là khó hiểu. Ngôi nhà Bá Kiến nằm trong quần thể di tích ở Hòa Hậu hôm nay thực tế là do Bá Bính thừa cơ “đục nước béo cò” để siết nợ, ngôi nhà ấy vốn thuộc về gia đình ông Trần Duy Hanh, song đến đời thứ ba thì làm ăn sa sút nên phải gán nợ cho nhà Nghị Bính. Ngôi nhà ấy đã qua bảy, tám lần chủ, đến nay thuộc quyền quản lý của Sở Văn hóa Hà Nam. Từ khi truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao nổi đình nổi đám, dân làng đều nhận ra Bá Kiến nham hiểm độc ác trong truyện ngắn chính là Bá Bính. Khi truyện ngắn được chuyển thể thành phim Làng Vũ Đại ngày ấy thì hình ảnh một Bá Kiến độc ác có nhiều nợ máu với nhân dân hiện lên cụ thể, khiến người dân Đại Hoàng càng tin những ác cảm với Bá Bính ngày xưa là đúng đắn. Thực tế thì nhân vật Bá Kiến đã được Nam Cao xây dựng với nhiều tình tiết hư cấu, trở thành nhân vật điển hình cho tầng lớp cường hào nông thôn trước cách mạng với nhiều cái ác được thể hiện sắc sảo và sống động khác với nguyên mẫu. Tuy nhiên, để làm cho người dân và hậu duệ của Bá Bính hiểu và tin điều đó không hề đơn giản. Vì thế, sự thành công của nhân vật Bá Kiến đã đem lại cho hậu duệ của nguyên mẫu Bá Bính một mặc cảm về cái ác của ông cha. Phần lớn người Đại Hoàng hôm nay nhìn Bá Bính như là Bá Kiến, để rồi cả đại gia đình ông Trần Duy Dĩ bị mặc cảm về cái ác được hư cấu, điển hình hóa trong văn học đeo bám, ám ảnh.
Gia đình ba thế hệ của ông Trần Duy Dĩ – cháu đích tôn cụ Bá Bính.
|
Ranh giới giữa văn chương và hiện thực
Tìm đến nhà người cháu đích tôn của cụ Bá Bính, ông Trần Duy Dĩ, chúng tôi đã rất khó khăn trong việc tiếp cận với những câu chuyện của gia đình, cho dù chỉ là những câu chuyện thời hiện tại của thế hệ ông Dĩ và các con cháu của ông. Bà vợ ông Dĩ gắt gỏng không muốn tiếp chuyện: “Chúng tôi không biết gì hết, cái nào của thời trước thì trả lại cho thời ấy”. Chỉ đến khi chúng tôi nêu thiện ý rằng muốn xóa sự nhầm lẫn giữa văn chương và hiện thực thì không khí mới dịu lại được đôi phần.
Hóa ra là Bá Bính ngoài đời không ác như Bá Kiến trong truyện, trong phim. Theo ông Trần Bá Huấn – giáo viên nghỉ hưu, người đã có công cứu ngôi nhà Bá Bính khi giặc Pháp đốt làng thì Bá Bính ngoài đời thực không có nhiều nợ máu với dân như nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo và phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Cụ Trần Thế Lễ, người xưa kia đã phải vào làm cỗ cho nhà Bá Bính nhớ lại: Ngày ấy ông khoảng ba mươi tuổi, cùng làng xã nhưng chỉ được nhìn Bá Bính từ xa chứ không được tiếp xúc nhiều. “Ông ấy (Bá Bính) cao lớn, da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng, hay cưỡi con ngựa nâu, có người cắp tráp theo hầu, làm to thế nhưng ông ấy không đáng sợ và ác như trong phim đâu”. Và gia đình Bá Bính cũng có nhiều người tham gia cách mạng.
Ông Trần Duy Dĩ là con trai lớn của ông Trần Duy Tảo – con cả của bà vợ thứ nhất nhà Bá Bính. Đời ông Tảo rơi vào rượu chè nên sớm tán gia bại sản, ngôi nhà phải bán đi để trả nợ. Ông Trần Duy Dĩ năm nay đã ngoài 80 tuổi, từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Trung đoàn 54, Sư đoàn 351 và bị thương; sau ông Dĩ chuyển công tác về Tổng cục Vật tư, từng làm thủ kho xi măng Nam Định, hiện ông Dĩ là chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh xóm 11 thôn Đại Hoàng, xã Hòa Hậu. Ông Thiệp, em trai ông cũng về hưu với hàm trung tá. Ông Nghị Bính có 5 bà vợ, 12 người con, 3 trai, 9 gái; đáng nói nhất là ông Bính có được ba người con rể tham gia cách mạng từ rất sớm: ông Ký Ban làm Bí thư Đảng bộ xã; ông Trần Đức Phấn là cán bộ lão thành cách mạng, ông Trần Huy Tặng còn được đón nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng vào năm 1997…
Những người như ông Huấn, ông Lễ không còn nhiều và cũng nhớ nhớ quên quên để nhắc lại những câu chuyện liên quan tới ông Trần Duy Bính ngoài đời thực. Và cũng không thể “chiêu tuyết” cho nguyên mẫu bằng cách thanh minh thủ công nhỏ lẻ như vậy. Có lẽ chúng ta cần phải có những giải pháp có tính học thuật và có tầm xã hội để giúp cho dân làng Đại Hoàng nói riêng và xã hội nói chung phân biệt được nguyên mẫu và nhân vật để có một cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn với những nguyên mẫu đã được nhà văn dựa theo để xây dựng những nhân vật xấu, ác để đời.
Huy Viên
Theo: suckhoedoisong.vn