Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp người dân nhận thức rõ bản chất, hành vi, thủ đoạn của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.
Ngày 31/10, tin từ Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Trị cho hay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nên hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện nhóm sinh hoạt tập trung theo “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.
Tỉnh Quảng Trị kiên quyết xoá bỏ hoạt động không hợp pháp của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Ảnh minh họa: Trang thông tin Ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Lắk.
Trước năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 4 nhóm với 22 người tổ chức sinh hoạt theo “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Ngay khi phát hiện, các ngành chức năng đã kịp thời xử lý. Kết quả, cơ quan chức năng buộc 3 người ngoài địa phương trở về địa phương cư trú, xóa bỏ các điểm sinh hoạt tập trung và triển khai biện pháp nghiệp vụ quản lý chặt chẽ, không để các trường hợp này tập hợp lực lượng, phát triển tổ chức.
Năm 2024, các đối tượng sử dụng mạng xã hội, tạo lập nhóm kín để sinh hoạt, không tụ tập tại các địa điểm vì sợ bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Tuy vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác nắm bắt tình hình, quản lý hoạt động “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, ngăn chặn kịp thời.
Nhờ vậy, thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa phát hiện nhóm sinh hoạt tập trung theo “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Tuy nhiên, vẫn còn 3 trường hợp tham gia “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” với phương thức hoạt động rao giảng online thông qua ứng dụng Zoom vào tối thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần.
Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Trị cho hay, các đối tượng cầm đầu “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” thường lựa chọn những địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp, đời sống cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn, bất trắc trong cuộc sống, thiếu hiểu biết về pháp luật để lôi kéo, rao giảng, lấy giáo lý cơ bản từ Kinh thánh nhưng biến tướng ảnh hưởng đến phong tục, tập quán của địa phương, sai lệch với quan điểm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hoạt động “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” ngày càng tinh vi, núp bóng dưới các hình thức kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, sinh hoạt với các phương thức rao giảng online thông qua ứng dụng Zoom, sử dụng ứng dụng bảo mật cao gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt, phát hiện tình hình.
Không chỉ Quảng Trị, nhiều địa phương trên cả nước cũng thực hiện tốt việc phát hiện, xoá bỏ hoạt động “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Ảnh: T.H
Thời gian tới, để chủ động trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục toàn thể nhân dân nhận thức rõ bản chất, hành vi, thủ đoạn và phương thức hoạt động “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” để cảnh giác, không bị lôi kéo, kích động, tin theo hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây phức tạp về tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xóa bỏ, xử lý các vấn đề liên quan đến các hội, nhóm “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.
Được biết, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” có tên chính thức và đầy đủ là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành thế giới”, sáng lập năm 1964 tại Hàn Quốc, hiện do bà Jang Gil Ja điều hành. Trong sinh hoạt tôn giáo, điểm dễ nhận biết là tín đồ không sử dụng thánh giá, tượng chúa, nữ thì trùm khăn ren trắng.
“Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2001, thông qua nhập cảnh của người Hàn Quốc tới Việt Nam và một số người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước. Đến khoảng năm 2005 – 2006, hình thành điểm, nhóm đầu tiên tại TP.HCM. Ban đầu, những người theo “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” hoạt động ôn hoà.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số người cầm đầu đã chủ trương phát triển “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” một cách cực đoan, bất chấp quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, bộc lộ những tác hại tiêu cực, trái với truyền thống, đạo đức của người Việt như cưỡng ép, xúi giục người theo từ bỏ phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, bất hiếu với cha mẹ, dùng mê tín, thần quyền o ép tín đồ… Những hành vi này gây ra những bất ổn về an ninh, trật tự, gây bức xúc trong nhân dân, cần lên án, xoá bỏ.
Theo: danviet.vn