Cố tình rải đinh gây TN giao thông chết người có thể bị phạt tới 10 năm tù?

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, hành vi rải đinh trên đường hay còn gọi là “đinh tặc” gây hư hỏng các phương tiện và có thể gây ra tai nạn giao thông làm chết người sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Gần đây, đinh nhọn hình thoi và đinh nhỏ xuất hiện trên đoạn đường từ hầm cầu vượt Linh Xuân, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức đi về hướng cầu vượt Sóng Thần tạo nỗi lo cho người tham gia giao thông, gây ra nhiều bức xúc.

Cố tình rải đinh gây tai nạn giao thông chết người có thể bị phạt tới 10 năm tù?- Ảnh 1.

Trong vòng 5 phút, có hàng trăm đinh nhọn hình thoi được hút bằng xe hút đinh tự chế ở khu vực cầu vượt Linh Xuân. Ảnh: PLTPHCM

Theo phản ánh của người dân, có nhiều hôm xe hút đinh vừa hút xong thì sáng hôm sau lại xuất hiện nhiều đinh khiến nhiều người tham gia giao thông bị thủng săm. Rất nhiều người dân tham gia giao thông qua tuyến đường này cảm thấy bức xúc vì vấn nạn “đinh tặc” lại xuất hiện.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, thực trạng rải đinh của một số cá nhân kinh doanh lĩnh vực vá săm xe đã xảy ra từ nhiều năm nay. Mục đích của những người rải đinh thường được gọi là “đinh tặc” nhằm gây thủng săm xe, buộc người điều khiển phương tiện phải vá với giá “cắt cổ”.

Tuy nhiên, bên cạnh việc gây thiệt hại đến phương tiện và buộc người tham gia giao thông phải dừng lại để sửa chữa thì hành vi này có có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông gây chết người, thương tích hoặc thiệt hại lớn về tài sản cho người tham gia giao thông.

Cũng theo luật sư Hoàng Anh Sơn, “đinh tặc”  có thể bị xử phạt hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, Khoản 10, Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định cá nhân thực hiện các hành vi như ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng.

Ngoài ra, người có hành vi rải đinh buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc các vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi của mình gây ra.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, “đinh tặc” có thể bị xử lý hình sự về các tội Cản trở giao thông đường bộ (Điều 261) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178) thuộc Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Cụ thể, Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ:

Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cụ thể như:

 Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

 Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Cố tình rải đinh gây tai nạn giao thông chết người có thể bị phạt tới 10 năm tù?- Ảnh 3.

Đội hình hút đinh của phường Linh Xuân ra quân tại khu vực cầu vượt Linh Xuân. Ảnh: CAP Linh Xuân

Đối với tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tùy thuộc giá trị tài sản thiệt hại cùng các tình tiết định khung khác, khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4, Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 là: phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, dù pháp luật đã có những quy định xử phạt cả hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự rất nghiêm với “đinh tặc” nhưng suốt thời gian qua vấn nạn này vẫn chưa thể chấm dứt.

Nguyên nhân là vẫn có những đối tượng vì lợi nhuận mà bất chấp cả pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý để làm liều. Bên cạnh đó cũng có những người thiếu hiểu biết, được thuê, xúi giục trở thành “đinh tặc” nên cần tăng cường tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu biết hành vi nguy hiểm này. Đồng thời, cơ quan chức năng cần vào cuộc, lắp đặt camera để có đủ bằng chứng xử lý vấn nạn “đinh tặc”, hạn chế nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông.

Theo: danviet.vn

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *