Nổi tiếng là đất học có nhiều người đỗ đạt, dù trong giai đoạn lịch sử nào thì làng Hành Thiện cũng xuất hiện những người con ưu tú, kiệt suất, làm rạng danh đất nước.
Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vốn có tên là Hành Cung Trang được vua Minh Mạng đổi tên vào năm 1823 với ngụ ý rằng ngôi làng luôn nghĩ và làm điều thiện. Không chỉ là ngôi làng văn hóa có nhiều tập tục đẹp mà nơi đây còn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài. Đặc biệt, truyền thống Khoa Bảng nơi đây ít có vùng đất nào sánh kịp. Bia đá vinh danh những con người Hành Thiện đỗ đạt nối dài liên tục như một dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử thời gian, càng ngày càng phát triển rực rỡ.
Nổi tiếng là đất học có nhiều người đỗ đạt, dù trong giai đoạn lịch sử nào thì làng Hành Thiện cũng xuất hiện những người con ưu tú, kiệt suất, làm rạng danh quê hương, đất nước. Thời kỳ Nho học, làng có 7 vị đại khoa, trong đó có 3 tiến sĩ và 4 phó bảng 90 cử nhân. Thời Pháp thuộc, trong hoàn cảnh Khoa Bảng không được coi trọng như xưa, làng Hành Thiện vẫn có 51 vị đỗ Tú Tài đến Cử nhân. Sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, Hành Thiện vẫn là ngôi làng nổi tiếng học giỏi, có người đỗ đạt nhiều nhất. Bia đá Khoa Bảng của làng hiện đã có 211 giáo sư, tiến sĩ được vinh danh. Đặc biệt, 15 cán bộ Đảng Nhà nước cũng xuất thân từ ngôi làng Hành Thiện này.
Lí giải cho sự vinh hiển Khoa Bảng liên tục nhiều đời nối tiếp của những thế hệ người con Hành Thiện, dân gian đã cho rằng Hành Thiện là vùng đất Phát. Để minh chứng cho vùng đất phát địa linh sinh nhân kiệt, dân gian cho rằng phong thủy làng Hành Thiện rất đẹp, địa thế làng như một chú cá chép đang trong tư thế vươn mình ra biển Đông. Thực tế, hiếm có nơi nào lại có hình thù độc đáo đến như vậy. Ngụ ý của tư thế đặc biệt này là: Học trò Hành Thiện như cá gặp nước, thỏa sức vẫy vùng trong biển học. Khi cá chép vượt Vũ Môn, cá sẽ hóa thành rồng.
Địa thế làng Hành Thiện như một con cá chép đang trong tư thế vươn mình ra biển Đông.
Một giai thoại khác do dân gian kể lại về ông Tả Ao lại ghi chép lại như thế này:
“Vào thời Lê Sơ, nhà địa lý Tả Ao đi qua phủ Xuân Trường, đến làng Giao Thủy (tên cũ của làng Hành Thiện). Người dân nơi đây tiếp cụ Tả Ao vô cùng chu đáo, vì vậy khi dân làng ngỏ ý muốn cụ xem cho thế đất của làng thì cụ đồng ý ngay. Tả Ao rất thích thế đất của làng và cho là rất đẹp, chẳng khác nào con cá đang quẫy đuôi, tung mình ra biển. Nhờ vậy, dân làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật, ốm yếu.
Thế nhưng ngài phán hiểm nỗi là con cá này không có mắt nên đến giờ làng vẫn không thể phát khoa danh. Dân làng nghe vậy liền khẩn khoản xin cụ điểm mắt cá chép. Cụ Tả Ao liền tìm đúng vị trí huyệt mạch rồi bảo dân làng đào một cái giếng để làm mắt cá. Nước giếng sẽ rất thiêng, cần giữ sạch, sau này làng sẽ có nhiều người làm quan“.
GIếng làng Hành Thiện được đặt ở vị trí huyệt mạch.
Tính xác thực của câu chuyện trên tuy chỉ là giai thoại nhưng sự đại phát khoa danh của làng Hành Thiện thì không thể bàn cãi. Yếu tố âm phù trong ngôi làng đỗ đạt này có thể là một trong những nguyên nhân về mặt tinh thần mà nhân gian đã lí giải và ngưỡng vọng. Thế nhưng, với những người con Hành Thiện thì hơn ai hết, họ hiểu rằng chính nhờ vào sự nỗ lực, quyết tâm học hành, coi trọng chữ nghĩa từ trong mỗi gia đình, dòng họ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ, là yếu tố nhân – quả cho những thành tựu khoa bảng rực rỡ của mỗi thế hệ người dân làng Hành Thiện.
Nguồn: https://vtv.vn/doi-song/giai-ma-cuoc-song-li-giai-ngoi-lang-doi-nao-cung-co-hien-tai-o-viet-nam-20230208140512155.htm