Ai đó có dịp ghé thăm bãi biển Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên, khi thấy dưới chân đê biển thuộc Khu 23 Thị trấn Thịnh Long còn vẹn nguyên dấu tích của một ngôi làng chài với những nếp nhà đổ nát, mái ngói xập xệ, tường rêu loang lổ và không có dấu hiệu của cuộc sống con người.
Cách đây 17 năm, vào ngày 27.9.2005 sau nhiều ngày càn quét trên biển, bão Damrey vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi tiến thẳng vào khu vực đất liền của nước ta. Với sức gió được dự báo từ cấp 10, 11 (tương đương sức gió từ 103 đến 133 km/giờ) có nơi giật trên cấp 12. Damrey là một trong những cơn bão mạnh nhất năm ấy. Cùng với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng… Nam Định cũng nín thở chờ bão.
Từng là người dân sinh sống tại Khu 23 thị trấn Thịnh Long của 17 năm trước, ông Đinh Quang Công (48 tuổi) hồi tưởng: “Trước bão, báo đài đưa tin dồn dập lắm, người đi biển vừa mới ra khơi cũng lục tục kéo nhau trở về. Không khí khẩn trương quá nên chúng tôi đều lo lắng, bảo nhau chủ động chằng chống nhà cửa. Trước bão một hôm, cả xóm nhận được lệnh di dời, tạm thời trú bão tại Trường THPT Hải Hậu nằm sâu trong đất liền. Nhà cửa, hoa màu, đồ đạc và tất cả những gì không mang theo được đành phải bỏ lại”.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ – một người dân khác – kể lại: “Khoảng 11h30’, chúng tôi được thông báo bão về. Ở tại nơi trú ẩn chỉ nghe thấy tiếng gió rít ầm ầm, mưa đổ xối xả. Vốn là dân biển nên chúng tôi nghĩ, gió giật đủ 4 phương, 8 hướng rồi bão sẽ đi”.
Thế nhưng, có lẽ những người dân của Khu 23 như anh Đinh Quang Công, bà Nguyễn Thị Thuỷ không lường được rằng đoạn đê biển bảo vệ khu vực dân cư Khu 23 khi ấy có nguy cơ sắp vỡ. Lực lượng dân quân cùng với con đê đang phải oằn mình trước gió trời và sóng biển.
Cho tới đầu giờ chiều 27.9.2005, tất thảy mọi người ai nấy đều nháo nhác khi nghe tiếng nước đổ ầm ầm, sì soạp như tiếng hút nước của một chiếc máy bơm khổng lồ. Chẳng cần tới một thông báo nào cả, chỉ bằng kinh nghiệm của những người sống bám biển thôi cũng đủ biết, đê đã bị vỡ!
Anh Công kể lại: Lúc chắc chắn là sóng biển đã đánh bật cả một đoạn đê dài, đàn ông chúng tôi chỉ biết im lặng, đàn bà xót của thì len lén tiếng thở dài. “Chính xác là khi ấy chúng tôi bất lực vì biết làm sao được. Chả riêng gì chúng tôi, nếu đê vỡ thì cả vùng này đều mênh mông sóng nước, thôi thì nhà cửa ngâm muối” – anh Công ngậm ngùi.
Sáng hôm sau đưa nhau trở về, rất nhiều hộ dân sinh sống tại Khu 23 không khỏi bàng hoàng khi mặt đường nhựa cũng bị bão bóc lên hoàn toàn. Rặng phi lao chắn cát sát mặt biển không chịu nổi sóng quật, có cây còn dạt vào cả trong xóm. Nhà cửa trước đây chỉ còn trơ lại nền móng. Không một ngôi nhà nào có thể giữ được hình hài như lúc ban đầu. Từ mấy trăm nóc nhà của 60 hộ gia đình, sau bão nơi đây chỉ còn chưa đầy ba chục căn có thể đứng vững.
Trong hoàn cảnh sẽ phải làm lại từ đầu, già trẻ gái trai của Khu 23 đã tình nguyện cùng nhau di dời, xây dựng cuộc sống mới tại Khu 18 Thị trấn Thịnh Long, cách quê cũ chừng 5 cây số.
Những con đường đi, những khoảnh sân nhà khi xưa hôm nay đã trở thành những mảnh ruộng hoa màu xanh tốt… Con đê bị sóng đánh trôi trước đây cũng được xây dựng lại vững chãi, an toàn.
Thế nhưng, hơn ba chục nóc nhà còn sót lại vẫn như một chứng tích chân thực nhất về sức mạnh của thiên nhiên và sự nhỏ bé của con người khi đứng trước biển cả…
Hiện nay, người dân Khu 23 thị trấn Thịnh Long vẫn tiếp tục bám biển sinh nhai như từ trước đến giờ.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/nam-dinh-co-mot-ngoi-lang-bi-xoa-so-sau-con-bao-khung-1075605.ldo