Ảnh hưởng của dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao khiến các hộ dân nuôi thủy sản tại xã Thái Đô (H.Thái Thụy, Thái Bình) đang hết sức khó khăn trong việc mua thức ăn nuôi cá cũng như khi bán sản phẩm.
Gian nan tìm mồi cho cá
Ông Trần Hồng Quân (60 tuổi, thôn Nam Duyên, xã Thái Đô), người có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi thủy hải sản, lắc đầu ngao ngán khi nói đến việc mấy tháng nay phải chạy vạy tìm mua thức ăn cho mấy tấn cá vược, cá song, cá thủ trong ao nhà mình. Đây là những loại cá chỉ ăn cá con, không ăn thức khác nên ngày nào ông cũng phải đánh xe ra cảng cá Tân Sơn (TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy) để mua cá mồi. Tuy nhiên, do giá dầu tăng cao, từ tết Nguyên đán 2022 đến nay, ngư dân hầu như không đi biển nữa nên cá mồi trở nên khan hiếm.
Ông Trần Hồng Quân (phải) và ông Nguyễn Văn Thiện trao đổi về nghề nuôi cá |
Trước đây, giá cá mồi chỉ 6.000/kg, nay đã tăng lên 13.000/kg nhưng cũng không có để mua. “Ngư dân không ra khơi, chúng tôi cũng không xoay đâu ra cá mồi. Mấy hôm vừa rồi, một số thương lái chở cá mồi đông lạnh từ Quảng Trị về bán, giá lên đến 14.000 – 15.000/kg nhưng nhiều gia đình vẫn phải cắn răng mua. Nhà không may còn mua phải thùng cá cấp đông không đảm bảo, cá đã ươn thối thì đổ đi chứ cho cá nuôi ăn chỉ thối ruột mà chết”, ông Quân nói.
Ông Tạ Văn Nhưỡng (50 tuổi, cũng ở thôn Nam Duyên) có hơn 20 năm nuôi thủy sản. Trên khu đầm gần 2 ha của gia đình, ông đã thả 7 – 8 tấn giống cá vược, cá song, cá thủ. Ông Nhưỡng chia sẻ: “Khi cá còn nhỏ, 8 tấn cá giống mỗi ngày ăn hết 1,5 – 1,7 tạ cá mồi. Càng lớn, cá nuôi càng cần nhiều thức ăn. Một con cá giống từ khi bắt đầu nuôi đến khi được 1 kg sẽ ăn hết 10 – 12 kg cá mồi. Nếu bán cá ở giai đoạn này thì chủ đầm chỉ hòa vốn. Muốn có lãi phải đợi cá nặng 2 – 3 kg/con, sau khi nuôi 2 – 3 năm và sẽ cần rất nhiều thức ăn. Tuy nhiên, bây giờ thì việc mua cá mồi khó khăn quá”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Theo các hộ dân ở Thái Đô, nghề nuôi thủy sản rất vất vả. “Nhất nước, nhì môi, ba mồi, tứ quản” là câu cửa miệng của người dân xã này. Mấy loại cá như kể trên cần được chăm sóc như chăm con. Chẳng hạn, chỉ vài giờ quên không bật máy cấp ô xy thì khối tài sản vài trăm triệu đồng sẽ bằng không. Nếu mưa bão, cá theo cống thoát ra ngoài có khi cũng không còn con nào. Đặc biệt, nếu không có thức ăn cá cũng sẽ ăn thịt lẫn nhau, nhiều khi thả xuống 10 con may ra còn lại 5 con.
Điêu đứng tìm đầu ra
“Phải tranh nhau để mua mồi, nhưng khi bán ra lại ảm đạm vô cùng” là lời chia sẻ của ông Trần Hồng Quân. Theo ông Quân, những năm đầu tiên nuôi cá (khoảng 15 năm trước) có lẽ là thời hoàng kim của các hộ dân nơi đây. Lúc này, cá song loại 3 – 4 kg có giá 310.000 – 320.000 đồng/kg. Sau này, nhiều hộ nuôi nên giá cá cũng giảm dần.
Cá mồi khan hiếm khiến nghề nuôi thủy sản Thái Đô gặp khó |
Khi dịch Covid-19 chưa hoành hành, xăng dầu chưa tăng giá, cá mồi có sẵn, giá rẻ, giao thông thuận lợi, du lịch phát triển nên việc nuôi cá cũng vẫn hiệu quả. “Cứ thả cá xuống là chắc chắn có lãi, thậm chí lãi lớn. Đến mùa thu hoạch, vừa bắt cá lên là thương lái đã tranh nhau mua để đưa đi bán khắp các tỉnh, thành trên cả nước”, ông Quân nói.
Hai năm trở lại đây, đại dịch bùng phát, khó khăn bủa vây, cá vược trọng lượng 3 – 4 kg/con chỉ có giá 60.000 đồng/kg, cá song kích cỡ tương tự giá 100.000 đồng/kg, cá thủ 90.000 đồng/kg. Cá nhỏ hơn giá sẽ thấp hơn nữa. Thương lái không cất hàng nữa nên chủ đầm phải bán lẻ, mỗi lần thuê người quây lưới bắt cá lại một lần mất thêm chi phí nên thua lỗ càng thêm thua lỗ. Cá rớt giá nhưng việc bán ra cũng rất cầm chừng vì dung lượng thị trường giảm mạnh do dịch bệnh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Thái Đô, cho biết xã Thái Đô có 1.020 hộ chăn nuôi thủy hải sản, chiếm khoảng 50% tổng số hộ trên địa bàn. Năm 2002, một dự án nuôi tôm của Bộ NN-PTNT được quy hoạch tại địa phương với diện tích 400 ha. Tuy nhiên, do nuôi cá hiệu quả hơn nên người dân chuyển sang nuôi cá từ hơn 10 năm nay. Dù đã mất một số diện tích ao đầm cho việc làm đường, nhưng nghề nuôi thủy sản vẫn là nguồn thu quan trọng của người dân, chính vì vậy, khó khăn như kể trên ảnh hưởng rất lớn tới địa phương.
Cũng theo ông Thiện, trước đây, việc nuôi thủy hải sản của người dân ở đây tương đối thuận lợi, nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ ăn uống bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ thủy sản. Đến đầu năm nay, khi dịch bệnh vừa tạm được kiểm soát thì xăng dầu tăng giá nên khó khăn lại chồng chất trên vai người dân.
“Dưới góc độ là người quản lý, phụ trách lĩnh vực này, chúng tôi đã hỗ trợ người dân hết khả năng, chẳng hạn mỗi tuần chúng tôi thường thông báo chi tiết lịch con nước, thông tin về dịch bệnh, phối hợp với ngành thủy sản lấy mẫu dịch đi kiểm nghiệm và có biện pháp khoanh vùng khi có dịch bệnh”, ông Thiện nói.
“Hợp tác xã không có ngân sách để hỗ trợ người dân, nhưng chúng tôi luôn động viên, thăm hỏi và chia sẻ khó khăn với họ. Chúng tôi hy vọng những ngày tới các địa phương sẽ tiếp tục mở cửa sau dịch Covid-19, giá xăng dầu sẽ giảm để ngư dân tiếp tục bám biển, xã viên chúng tôi sẽ mua được mồi nuôi cá, việc lưu thông sản phẩm cũng thuận lợi. Từ đó, người nuôi trồng thủy hải sản chúng tôi mới có thể ổn định công việc cũng như cuộc sống”, ông Thiện nói.
Nguồn: thanhnien.vn