Có ruộng lúa mà nông dân phải mua gạo ăn từng bữa, nghịch lý này kéo dài suốt 20 năm qua ở xã Ninh Bình, tỉnh Khánh Hòa.
Ở tuổi ngoài 60, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Chiến (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn phải mua gạo để ăn qua ngày. Ở quê mà phải mua gạo trong khi gia đình vẫn có ruộng lúa, vợ chồng bà Chiến đã quen với nghịch lý ấy suốt gần 20 năm qua. Lý do không gì khác là đất ruộng mà gia đình bà được giao theo Nghị định 64 đã bị bỏ hoang do ngập úng.
Thửa ruộng nhà bà Chiến nằm trên cánh đồng rộng 15 ha – nguồn sống của nhiều gia đình trong xã Ninh Bình, lại là nơi của nước ngập úng, bèo lục bình, cỏ và rác…
Đã lâu lắm rồi, không ai bước chân xuống ruộng bởi có xuống ruộng thì cũng chẳng để làm gì. Trồng lúa không được, người dân trong vùng chuyển sang trồng sen nhưng rồi cũng chẳng có ăn. Nước ngập úng khiến cho chẳng ai tìm ra cây trồng nào phù hợp, vậy là các gia đình đành bỏ đất hoang trong tiếc nuối.
Điều đáng nói, ngay cả mùa nắng, cánh đồng cũng không thoát khỏi cảnh ngập úng. Những đường thoát nước ở đây hoặc bị những công trình xây dựng che chắn hoặc bị bồi lấp…
Để giải quyết tình trạng ngập úng, chấm dứt cảnh đất bỏ hoang thì phải đầu tư kênh mương thoát nước nhưng số tiền đầu tư lại nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương.
Nhiều ý kiến đề xuất xung quanh tình trạng ruộng lúa bị bỏ hoang do ngập úng ở xã Ninh Bình. Có người cho rằng phải tìm cách thoát úng để người dân canh tác. Có người thì lại cho rằng nên chuyển đổi mục đích sử dụng đất bởi đất bị ngập úng trầm trọng. Tất nhiên, phương án nào cũng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhưng, điều mấu chốt là phải sớm lựa chọn và triển khai phương án khả thi để chấm dứt tình trạng ruộng lúa bị bỏ hoang, gây lãng phí quỹ đất.