Nuôi cá cảnh, nuôi quốc ngư Nhật Bản, cả làng ở Nam Định tấp nập người đến xem

Nuôi thứ cá chỉ để cho thiên hạ chơi, nhà nào ở làng này của Nam Định hễ nuôi là tấp nập người ra vào

Trong tiết trời se lạnh ngày đầu Xuân năm mới, trên những ao nuôi cá cảnh vuông vắn, bờ ao phủ cỏ xanh mướt của người dân xã Minh Thuận (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), những đàn cá cảnh với sắc màu sặc sỡ đang tranh nhau đớp mồi; người mua, người bán tấp nập.

Từ nhiều năm nay, người dân trong xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản (Nam Định) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi thứ cá chỉ để cho thiên hạ chơi, nhà nào ở làng này của Nam Định hễ nuôi là tấp nập người ra vào - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Lập, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định chăm sóc đàn cá cảnh.

Hiện nay, trên địa bàn xã Minh Thuận có trên 50 hộ nuôi cá cảnh. Có nhiều hộ nuôi có tiếng như Trần Trung Hoàng, Nguyễn Văn Sửu, Phạm Văn Thành, Đào Văn Kiên…

Ông Nguyễn Văn Sửu trước kia nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, chép, trôi…, tuy nhiên do hiệu quả kinh tế không cao nên ông đã tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2014, khi tình cờ được tham quan cơ sở nuôi cá Koi giống, ông đã bị thu hút bởi màu sắc và hình dáng của đàn cá. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển, ông đã quyết tâm chuyển đổi sang nuôi cá Koi.

Thời gian đầu nuôi thử nghiệm, do chưa có kinh nghiệm nên cá chết nhiều, màu sắc và trọng lượng không đạt yêu cầu. Qua tìm hiểu, ông Sửu nhận thấy nguồn nước và nhiệt độ tại ao nuôi có sự chênh lệch khiến cá bị sốc, nên xây dựng vào nhiều bể lọc nước khác nhau, điều chỉnh nhiệt độ của nước từ từ để cá thích nghi rồi mới đưa ra ngoài ao nuôi.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá Koi, ông Sửu cho biết: Đối với cá Koi, giá cả được quyết định vào vân hoa và màu sắc, nên để nuôi được cá có vẻ đẹp tự nhiên, tuổi thọ cao thì thức ăn, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống là những yếu tố có ý nghĩa quyết định. Ao nuôi cá phải rộng, độ sâu từ 0,8 đến 1,5m, nước trong, sạch, rong không quá nhiều.

Thức ăn cho cá phải là loại thức ăn riêng biệt, được mua tại các cơ sở uy tín, có độ đạm cao. Trong quá trình nuôi, cần sử dụng riêng biệt các dụng cụ cho các ao nuôi khác nhau, tránh gây sốc cá, không nuôi chung với các loài cá khác có khả năng mang mầm bệnh và phải chú ý vệ sinh môi trường nuôi thường xuyên bằng vôi bột tùy theo độ pH của nước ao…

Sau nhiều năm, từ những bài học từ thực tế và nhờ chịu khó tìm hiểu thông tin trên sách báo, các trang mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, ông Sửu đã làm chủ được quy trình kỹ thuật nuôi cá Koi và có thị trường tiêu thụ ổn định ở trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa…

Với hơn 4 mẫu nuôi cá Koi, trung bình mỗi năm ông Sửu thu lãi hàng trăm triệu đồng. Anh Trần Trung Hoàng ở làng Bịch có thâm niên hơn 10 năm trong nghề nuôi và sản xuất giống cá chép Koi. Bên cạnh chú trọng kỹ thuật chăm sóc đàn cá và sản xuất cá giống, anh Hoàng cũng luôn quan tâm tìm hiểu, phát triển thị trường nên việc tiêu thụ sản phẩm của anh rất ổn định.

Anh còn cấp cá giống và thức ăn cho các bạn hàng tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…sau đó thu mua lại cá cảnh thương phẩm để xuất khẩu, chủ yếu sang Lào và Căm-pu-chia.

Ngày nào cũng luôn chân luôn tay cùng đàn cá, mỗi tháng, trừ chi phí, anh thu được khoảng 70 triệu đồng.

Anh Hoàng cho biết: “Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi luôn chú trọng trong việc phòng bệnh cho đàn cá, kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như bảo đảm nguồn nước phải luôn sạch; đặc biệt phải luôn chú ý vệ sinh cho cá và bể cá rồi mới cho cá đẻ. Phải tạo được môi trường trong lành, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để sắp xếp thời gian phù hợp cho cá đẻ. Khi môi trường nước đảm bảo và thời tiết thuận lợi sẽ có nhiều ô-xy để cá có thể nở tốt và đạt tỷ lệ sống cao”.

Thường cuối năm là dịp anh đạt thu nhập cao nhất vì nhu cầu chơi cá cảnh của khách hàng cũng tăng cao.

Số lượng cá khi đó xuất đi nhiều gấp 4 lần ngày thường, anh phải thuê thêm 4, 5 người làm. Ông Ngô Văn Lập cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá Koi. Theo ông, từ ngày chuyển sang nuôi cá Koi, thu nhập của gia đình ông tăng gấp 7-8 lần so với trồng lúa.

Ông Lập cho biết: “Theo tính toán của tôi, mỗi gia đình nếu làm 1 mẫu ao nuôi cá cảnh mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng; trừ chi phí giống, điện nước, thức ăn, thuốc phòng bệnh… còn gần 70 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này giúp các hộ gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành, sửa chữa nhà cửa. Con cá cảnh đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của làng, của xã”.

Nghề nuôi cá Koi không còn quá mới lạ ở các địa phương trong tỉnh mà đã trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của nhiều gia đình nông dân. Trên những vùng đất chuyển đổi ở xã Minh Thuận (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), nhiều ao nuôi vẫn đang phát triển, mang lại nguồn thu nhập chính cao, ổn định, đồng thời góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Thanh Hoa (Báo Nam Định)

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *