Ông trưởng thôn bảo khoảng 100 người trong làng có từ 15 tỉ trở lên, bởi thế mà có lắm chuyện xung quanh thế giới của những người siêu giàu sau khi chết…
Chuyện của trưởng thôn làng Mẹo
Làng Mẹo xưa kia vốn dân cư đông đúc nên về sau mới tách ra làm 4 thôn gồm Phương La 1, 2, 3, 4 thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Kể từ khi người sống trong làng tách ra làm 4 thôn thì người chết cũng tách ra làm 4 nghĩa trang mới, mỗi cái rộng chừng 1ha bởi nghĩa trang cũ tuy rộng cỡ 4ha đã trở nên quá chật chội.
Ông Trần Văn Toán – Trưởng thôn Phương La 2 – nơi nổi tiếng với nghề dệt, nơi tập trung nhiều tỉ phú nhất tỉnh bảo, trước kia không có quản trang nên ai thích hướng nào thì đào chôn hướng ấy. Các gia đình có điều kiện, có cơ hội đều ra nhận hàng sào đất rồi quây lại thành nghĩa trang riêng, xây to nhỏ tùy ý.
Bởi thế, rút kinh nghiệm dù nghĩa trang mới vẫn còn rộng rãi nhưng thôn cũng đã ra quy định hung táng mỗi “cụ” chỉ được diện tích cỡ 3m2, cát táng chỉ 2m2, xây cao không quá 1,5m từ mặt ruộng tính lên, ai làm quá là gọi an ninh ra tháo dỡ.
Làng có khoảng 300 hộ, ngót 1.000 khẩu với các dòng họ to như Trần, Đinh, Nguyễn, Đỗ, Vũ, Phạm, Lê… Riêng họ Trần lại chia ra làm 13 chi, thuộc vào hạng đông đầu đinh nhất. Có những gia đình xây riêng nghĩa trang của mình bằng cách tậu thêm ruộng như họ Vũ với diện tích cỡ vài sào chưa kể lưu không, họ Đinh nhỏ hơn chút ít, các dòng họ khác thì vài ba miếng.
Chỗ khu mộ tổ dòng họ Trần của ông Trần Văn Sen, người gọi là lăng mộ người gọi là đền thờ nhưng hơn 50 năm trước chỉ là mảnh đất hoang có ngôi đền Nhà Ông ba gian chật hẹp.
Cũng chẳng biết có ngôi mộ nào ở đó hay không nhưng về sau người ta nhận rằng có mộ của ông tên là Trần Hoằng Nghị người sinh ra thái sư Trần Thủ Độ. Các giáo sư sử học cũng về đây nghiên cứu nhưng cũng chưa thống nhất về chuyện này.
Khoảng 18 – 20 năm trước, ông Sen mua ruộng của dân, đầu tiên chỉ có 7 triệu/sào, sau cao nhất lên đến 12 triệu/sào. Nhà tôi cũng bán hơn 1 sào cho ông ấy. Khi đền được xây lên lấy tên là đền thờ tổ họ Trần Việt Nam, hàng năm tổ chức hai đại lễ mời họ Trần khắp cả nước đến dâng hương…
Bà con lúc bán ruộng kinh tế còn khó khăn, chỉ biết ký giấy rồi nhận tiền, sau mới bảo nhau bán đến năm 2013 tức hết thời hạn sử dụng theo Luật đất đai cũ.
Bởi thế mà hầu hết diện tích của đền vẫn đang có đơn từ vì sổ đỏ của 62 gia đình đều đã được cấp lại sau năm 2013. Trong khi đó 13 doanh nghiệp cũng mua ruộng cùng thời điểm với ông Sen, hết năm 2013 khi dân có đơn đề nghị tỉnh, huyện thì họ đã trả tiếp tiền, mua đứt bán đoạn, thu lại luôn sổ đỏ. Giờ đồng làng tôi đã quy hoạch thành chợ đầu mối, khu dân cư, khu đô thị, giá trị đất phải mấy trăm triệu/sào…
Vào lăng mộ vĩ đại rồi ra nghĩa địa của người giàu
Ông Trần Bình Trọng tự giới thiệu mình là công nhân của công ty Hương Sen được chuyển về đền thờ tổ họ Trần Việt Nam để làm trưởng ban, trực 24/24h, ngoài ra còn 12 người làm thường trực, thay phiên nhau cách nhật.
Ông kể, đền có cả ngàn năm nay với mộ của cụ Trần Hoằng Nghị nằm ngay hậu cung. Hồi phong trào phá đình, phá chùa, ông tộc trưởng phải chuyển đền về nhà thờ còn ngôi mộ được rào lại (Tuy nhiên theo một số người già ở làng kể thì thời ấy khu vực đền có một cái hố, nghi là huyệt chôn người với những đồ tùy táng quý nên đã xuống xem nhưng không hề thấy bất cứ một cái gì – PV).
Trên khuôn đất mua của dân rộng khoảng 50.000m2, công trình được dựng lên với mặt bằng cỡ 750 – 800m2, 4 tầng, cao 41,5m, rất bề thế và vững chắc. Trên là đền dưới là lăng, riêng tầng hầm để các cụ trong họ hội họp tượng trưng cho hội nghị Diên Hồng năm xưa.
Một số người đồn đền còn để sẵn chỗ để sau này táng thêm người khác nữa? Tôi hỏi. Ông Trọng lắc đầu, trả lời với vẻ mặt rất nghiêm rằng: Chỉ có cụ Trần Hoằng Nghị thôi, ngoài ra không thể mang ai khác vào thờ… Bất giác, tôi nhìn ra khoảng không bát ngát trước đền, nơi ấy là khu dược mạ của làng giờ đã bị bỏ hoang vì thủy lợi bị chia cắt khiến chỉ toàn là nước tù, đọng.
Ông trưởng thôn bảo, từ khi làng tách thành 4 thôn với 4 nghĩa trang mới được thành lập, nhiều người không táng thân nhân ở nghĩa trang Phương La 2 mà lại chạy sang nghĩa trang Phương La 3 vì cho rằng đất bên ấy mới phát nên chẳng mấy chốc hóa ra đông nghẹt.
Trong làng người sống xây nhà, cái sau phải cao hơn cái trước thì ở ngoài nghĩa trang cũng vậy, mộ sau phải cao hơn mộ trước. Đất trong làng, chỗ mặt đường to giá 9 – 10 triệu/m2 còn sâu trong ngõ 3 – 4 triệu/m2 nhưng đất ngoài nghĩa trang thì không phải mua, chỉ có điều với đã chuyển khẩu đi thì phải đóng 5 triệu cho 1 ô rộng 2m2.
Những người giàu thường không muốn mình sau khi chết lại nằm trong khuôn khổ ấy nên mới lập ra các nghĩa trang riêng của gia đình bằng cách mua lại ruộng của dân. Cái rộng nhất tới vài sào Bắc bộ bên trong có đến 20 – 30 ngôi đang chờ, chưa kể phần đất dùng để trồng cây hay tạo tiểu cảnh, cái vừa cũng cỡ cả sào, trang hoàng đủ cả rồng phượng chìm nổi.
Tuy nhiên có một cái chung mà dù không muốn nhưng những người giàu cũng không thể tránh được đó là dòng nước đen sì, hôi thối từ nghề dệt nhuộm chảy quanh làng, tràn ra đồng, bao vây cả các nghĩa trang như một vành khăn tang thít chặt.
Ruộng đất ấy, dù có cấy lúa cũng không thể trỗ nổi, bông cứ bị nghẹn lại nên 30 mẫu đất của thôn Phương La 2 phải bỏ hoang đến cỡ nửa. Mồ mả ấy, dù có đốt hương trầm vẫn cứ sực nức mùi xú uế đẩy đưa theo gió suốt bốn mùa.
Tôi sẽ cho xã 1 – 2 tỉ nếu được 100 – 150m2 đất nghĩa trang
Anh Mai Quý Kỉnh – cán bộ địa chính xã Đông La, huyện Đông Hưng cho biết đất ở cho người sống 80ha, đất ở cho người chết 6ha, ngoài ra còn quy hoạch thêm 1 nghĩa trang kiểu mẫu 2ha nữa nhưng với dân số gần 11.000 thì cũng không thể cho xây phóng tay được.
Như cái nghĩa trang trung tâm, khu cũ có nhiều ngôi mộ lớn, xây cao thấp nhấp nhô như những tòa tháp là chuyện lịch sử để lại còn khu mới mộ tương đối đều, rộng không quá 3m2, có hàng, có lối, đặt theo kiểu cuốn chiếu chứ không có chuyện xí phần.
Trong khi một số nơi dân phải mua suất ngoài nghĩa trang thì Đông La do vẫn còn nhiều đất công nên dân không phải đóng góp.
“Có nhiều đại gia về quê đặt vấn đề sẽ ủng hộ địa phương 1 – 2 tỉ để làm đường, xây trường với điều kiện dành cho họ 1 miếng đất cỡ 100 – 150m2 ngoài nghĩa trang nhưng chúng tôi đều trả lời rằng: “Việc ông ủng hộ địa phương là điều tốt nhưng đừng ra điều kiện, đánh đổi bởi chúng tôi không thể đáp ứng”. Chỉ cần một tiền lệ như thế là vỡ hết luật, là tạo ra tiền lệ giống như bên làng Mẹo ngay”, anh Kỉnh kể.
Còn một người dân xin được giấu tên ở một xã thuộc huyện Đông Hưng cho biết: “Khoảng 60 năm trước quê tôi mới có nghĩa trang, chia đất cho từng chi bằng cách bốc thăm chứ xưa cứ chôn rải rác ngoài cánh đồng, thậm chí ngay trong ruộng nhà mình.
Mộ thì nhỏ lắm, to nhất có mộ cụ quan giáo chỉ cỡ 5 – 7m2, xây bằng gạch cao chừng hơn 1m. 10 năm trở lại đây người ta đua nhau xây mộ to do “con gà tức nhau tiếng gáy”. Người giàu đã thế, người bình thường cũng cố học đòi, xong việc bổ đầu chia tiền rồi anh em lại cãi nhau chí chóe.
Dân cần đất rộng để xây mộ to nên phải quỵ lụy, “đi đêm” với quản trang rồi quản trang lại “đi đêm” với cán bộ thôn, xã. Vợ chồng ông quản trang làng tôi hầu như suốt ngày chỉ ở nhà, thỉnh thoảng mới đi bốc mả, xây mộ thôi mà có tiền làm một cơ ngơi ba tầng nhờ vào việc bán đất nghĩa địa.
Một mảnh rộng cỡ 20m2 ngoài ấy giờ phải cỡ 60 – 70 triệu, đắt còn hơn cả đất cho người sống trong làng thế mà còn không có để mua. Mới rồi tôi hỏi, ông quản trang giới thiệu cho một mảnh rộng chừng 40 – 50m2 gần nhà tiếp linh rồi thét giá tới 200 triệu. Lương hưu thấp như tôi làm sao lo liệu đủ?”…
Có một ngôi làng 7 năm nay 100% người chết đều được đi hỏa táng mà ca đầu tiên vận động thành công lại chính là bà nội của ông Phó Chủ tịch huyện khi ấy và hiện là Phó Chủ tịch tỉnh. Muốn biết cụ thể thế nào, mời độc giả theo dõi tiếp bài sau.
Bạn đang đọc bài viết II. Thế giới người chết ở ngôi làng có 100 tỉ phú tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/ii-the-gioi-nguoi-chet-o-ngoi-lang-co-100-ti-phu-d278540.html