Được sự cho phép của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) và UBND tỉnh Ninh Bình, Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp tổ chức giải chạy “Cuc Phuong Jungle Paths 2022” vào ngày 3/4 tới.
Giải chạy “Cuc Phuong Jungle Paths 2022” được Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp tổ chức để chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822 – 2022) và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (01/4/1992 – 01/4/2022), chào mừng huyện Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới.
Thông qua sự kiện này, Vườn Quốc gia Cúc Phương muốn xây dựng giải trở thành một sản phẩm du lịch sinh thái thường niên, ấn tượng nhằm lan tỏa thông điệp bảo tồn và phát triển bền vững, xứng đáng với Giải thưởng “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á” ba năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) do Tổ chức World Travel Awards bình chọn.
Đồng thời quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, sức hấp dẫn của hệ giá trị thiên nhiên, lịch sử, văn hóa gắn với Vườn quốc gia Cúc Phương, thực hiện chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Với chủ đề: “Đường đua xanh vì bảo tồn và phát triển bền vững”, giải chạy “Cuc Phuong Jungle Paths 2022” được tổ chức vào ngày 03/4/2022 với 4 cự ly chạy xuyên rừng trên địa hình rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi, gồm: Cự ly 10km, cự ly 25km, cự ly 42km, cự ly 70km (có kết hợp với chèo SUP trên sông Bưởi).
Là giải chạy đường dài quốc tế thường niên, Cuc Phương Jungle Paths có sự tham gia ghi danh của khoảng 2.500 vận động viên.
Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương nhấn mạnh: “Chúng tôi coi đây là một hoạt động chuyên môn thực thụ, gắn với việc đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và phát triển du lịch sinh thái nhằm giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên của Vườn. Đây cũng là sản phẩm thiết thực nhất, chào mừng Cúc Phương 60 năm xây dựng và phát triển”.
Với diện tích 22.408 ha, Vườn Quốc gia Cúc Phương được ví như một kho báu từ “thở hồng hoang”, với hệ giá trị tổng hòa giữa thiên nhiên, lịch sử và văn hóa.
Thảm xanh bạt ngàn hàng triệu năm tuổi mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi ôm chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá với việc, tính đến nay ở Vườn Quốc gia Cúc Phương đã ghi nhận 2.234 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và 15 loài vật đặc hữu.
Cúc Phương có một khu hệ động vật phong phú, đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: Thú 138, chim 337, bò sát 80, lưỡng cư 48, cá 66 loài; trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 3 loài đặc hữu…
Ngay từ khi mới thành lập, Cúc Phương đã là nơi nhen nhóm hoạt động du lịch sinh thái, phục vụ đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Nhiều người vẫn ví Cúc Phương là “Thủ đô” Bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Một trong những nền tảng làm nên bề dày thành tựu trong công tác giáo dục thiên nhiên của Cúc Phương chính là thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái.
Cánh rừng được nhìn nhận như một “bảo tàng sống”, một “ngôi trường” lớn, nơi các thế hệ học sinh, sinh viên đến vừa tham quan, tìm hiểu, học tập.
Những năm gần đây, Cúc Phương hướng tới nghiên cứu, phát triển và vận hành những sản phẩm sáng tạo, táo bạo và độc đáo.
Tour “Về Nhà” – nơi cho phép du khách tham gia tìm hiểu, trải nghiệm tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về tự nhiên; Hành Trình Hồi Sinh – nơi huy động nguồn lực xã hội hóa cùng với Cúc Phương trong nỗ lực cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã; Hội xuân “Thêm Xanh Cho Cánh Rừng Già” – nơi tôn vinh các giá trị văn hóa, thiên nhiên và lịch sử gắn với Cúc Phương; Bộ sản phẩm Giáo dục Trải nghiêm Thiên nhiên “Made in Cuc Phuong” – nơi học sinh phổ thông các cấp được vừa học vừa chơi để tiếp nhận những kiến thức bổ ích về mẹ thiên nhiên,… đã làm nên một Cúc Phương mới trên bản đồ du lịch sinh thái Việt Nam.
Nguồn: danviet.vn