‘Vé máy bay khứ hồi gần 30 triệu đồng cho cả nhà về quê ăn Tết, cũng không thể cứ thế về tay không, tôi chỉ thấy chua và cay’.
“Nhiều người nói cố mà về quê ăn Tết, bố mẹ không cần tiền, chỉ cần được đoàn tụ, quây quần bên con cháu là vui rồi. Nhưng thực tế có đơn giản như vậy? Cứ hình dung cả gia đình trên thành phố mua vé máy bay Tết khứ hồi mất gần 30 triệu đồng để về quê thăm nhà. Nhưng cũng chỉ về được vài bữa đến một tuần; tiền ăn uống, sinh hoạt bố mẹ lo hết; rồi về tay không, chẳng quà cáp, lì xì bố mẹ, anh chị em, con cháu, họ hàng được gì (vì tất cả tiền đã dồn để mua vé cả rồi).
Thử hỏi bao nhiêu người ở đây làm được vậy, hay chúng ta lại nghĩ về như thế thì còn mặt mũi nào? Rồi người ta sẽ nói gì về bạn trong hoàn cảnh đấy. Có khi mất gần 30 triệu đồng cho gia đình bốn người ‘lết’ về ăn Tết, nhưng bạn vẫn mang tiếng: ‘Tết nào cả nhà nó chẳng dẫn xác về ăn chực của bố mẹ, không quà cáp, không một xu biếu bố mẹ, anh em, con cháu, họ hàng. Tiền xì xì, tiền đóng góp cúng, tiệc… cũng không có’.
Nói chung là nếu về quê ăn Tết thì cũng không chỉ có tiền vé thôi đâu. Muốn đầy đủ, hài lòng mọi người, vui lòng cha mẹ thì còn các loại tiền khác nhân đôi lên nữa. Con số thực tế phải chi còn lớn hơn nhiều tiền vé tàu, xe, máy bay. Bạn giàu không nói, nhưng nếu bạn chỉ gọi là đủ sống, thì mỗi lần về Tết là một lần chua và cay”.
Đó là chia sẻ của độc giả Thutrangedv về những trăn trở xung quanh câu chuyện về quê ăn Tết. Báo cáo mới đây của Cục Hàng không cũng cho thấy, dù các hãng đã tăng 472 chuyến bay với hơn 92.000 ghế trong dịp Tết Nguyên đán 2024, vé máy bay Tết trên nhiều đường bay đã được mua gần hết. Khó mua vé, giá lại tăng cao vì dịp cao điểm, nhiều người rơi vào tình trạng vô cùng áp lực, băn khoăn giữa việc về quê hay ở lại, nhất là sau một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Lựa chọn không về quê ăn Tết vì chi phí đắt đỏ, bạn đọc Phát Phú bình luận: “Tôi đã từ chối mua vé máy bay dịp Tết này vì quá đắt đỏ. Thay vì bỏ ra một số tiền lớn để về dịp này, tôi sẽ sắp xếp cho cả nhà về quê dịp khác trong năm, khi giá vé máy bay rẻ hơn. Tiền chênh lệch khi mua vé dịp Tết và ngày thường, tôi sẽ dành để biếu bố mẹ ăn Tết, như vậy ý nghĩa hơn nhiều là phải cố về bằng được”.
>> Tự làm khổ mình vì suy nghĩ ‘năm nào cũng phải về quê ăn Tết’
Đồng quan điểm, độc giả Quockhanh cho rằng nên giảm bớt gánh nặng về quê ăn Tết: “Vẫn biết Tết là dịp để đoàn tụ gia đình sau một năm xa cách. Nhưng thực sự chi phí cho mấy ngày Tết, đặc biệt là vé tàu, vé máy bay quá đắt đỏ, nhất là với những người lao động làm công ăn lương. Mấy ngày Tết mà tốn 3-4 tháng lương thì có xứng đáng không? Với người có điều kiện thì không nói, nhưng với người thu nhập thấp, lại đang trong thời kỳ kinh tế suy thoái, đây sẽ là một điều cần phải cân nhắc.
Thay vì về Tết, chúng ta có thể sắp xếp về về quê dịp hè cũng được mà. Lúc đó chi phí đi lại rẻ, đường cũng thông thoáng hơn và các chi phí dịch vụ đi kèm khác cũng thấp hơn nhiều so với cao điểm Tết Nguyên đán. Theo tôi, nếu điều kiện kinh tế hạn hẹp thì bạn nên chọn về quê dịp khác thay vì Tết, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Đừng vì mấy ngày Tết để rồi sau đó phải nai lưng ra làm lụng cả năm, chuẩn bị cho mùa Tết năm sau với những mối lo tương tự”.
“Tất nhiên, mỗi người một quan điểm, mỗi nhà một hoàn cảnh khác nhau, nhưng quan trọng là bạn dám sống cho chính mình chứ không phải sống vì thiên hạ. Những ai lập nghiệp xa quê đều thấu hiểu nỗi lòng người con xa xứ vào các dịp lễ Tết. Đi làm ăn xa cả năm nên cứ đến Tết Nguyên đán là ai cũng muốn về nhà đoàn tụ.
Tuy nhiên, cũng phải tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình mà lo liệu tính toán sao cho phù hợp, vui vẻ cả đôi bên. Kinh tế và thời gian chưa cho phép thì tốt nhất nên về nhà thăm cha mẹ vào các dịp khác phù hợp hơn trong năm, không nhất thiết phải đúng vào ngày Tết. Còn họ hàng và hàng xóm có cuộc sống riêng của họ, không ai sống cho bạn cả, nên cũng không phải chiều lòng tất cả làm gì”, bạn đọc Toanthang kết lại.
Theo: vnexpress.net