Năm 2022, trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Đền Trần – Chùa Tháp nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị các cấp thẩm quyền xét công nhận Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ là Bảo vật quốc gia. Ngày 30-1-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg về việc công nhận Bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022 cho 27 hiện vật, nhóm hiện vật trên cả nước; trong đó có Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ.
Bảo vật Quốc gia – Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ đang được bảo quản, thờ tự tại Chùa Tháp Phổ Minh thuộc Khu Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Trần – Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Trong ảnh: Tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Tam Tổ thiền phái Trúc Lâm
Theo lịch sử Phật giáo, Trúc Lâm Tam Tổ là 3 vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm gồm: Tổ Đệ nhất – Đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), Tổ Đệ nhị – Pháp Loa Thiền sư (1284-1330) và Tổ Đệ tam Huyền Quang Thiền sư (1254-1334). Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền tông của Việt Nam do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết học siêu nhiên Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo. Thiền phái này không phân biệt tu sĩ ở chùa và cư sĩ tại gia, việc tu tập nhằm khơi tính Phật trong tâm.
Trúc Lâm cũng là hiệu của Vua Trần Nhân Tông và của Thiền sư Đạo Viên – vị tiền bối của Vua Trần Nhân Tông. Vị tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa. Tương truyền, mẹ của Pháp Loa đêm nằm mộng gặp dị nhân trao cho kiếm thần rồi mang thai. Bởi trước đó, bà đã sinh được 8 người con gái nên lần mang thai này, tưởng rằng vẫn sẽ là gái nên bà đã uống thuốc phá thai. Phá tới 4 lần mà thai không hư nên khi sinh ra, bà đặt tên cho đứa trẻ là Kiên Cương (nghĩa là cứng rắn).
Năm 1304, Thượng hoàng Trần Nhân Tông lúc đó hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng đi khắp nơi tìm người kế thừa Phật pháp. Khi nghinh giá đến thôn, Kiên Cương đảnh lễ xin xuất gia. Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận thấy đứa bé này có đạo nhãn, sau này sẽ có pháp khí. Từ đó, Kiên Cương theo Thượng hoàng Nhân Tông về thụ giới Sadi đạo Phật. Năm 1306, Thượng hoàng Nhân Tông cử Pháp Loa làm chủ giảng tại Chùa Báo Ân (Bắc Ninh) – một trong 3 giới đàn do Thượng hoàng Trần Nhân Tông lập ra.
Tại đây ông gặp người đệ tử thứ 2 – Huyền Quang. Sách “Tam Tổ thực lục” ghi chép: Mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến Chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì đã 30 tuổi mà chưa có con. Năm ấy, Lê Thị hạ sinh Huyền Quang. Khi lớn lên, Huyền Quang dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm. Tại Chùa Báo Ân, khi nghe Pháp Loa giảng kinh, ông xin xuất gia thụ giáo. Sau được cử làm Thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và trở thành vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Pháp Loa viên tịch, Huyền Quang đã lãnh trách nhiệm kế thừa, nhưng vì tuổi cao nên ông giao phó lại cho Quốc sư An Tâm.
Những giá trị độc đáo của Bảo vật quốc gia
Tượng Tổ Đệ nhị, Pháp Loa Thiền sư trong Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ. |
Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ của Chùa Tháp Phổ Minh được công nhận Bảo vật quốc gia bởi đảm bảo các yếu tố: tính độc bản, hình thức độc đáo, mang giá trị lịch sử, thẩm mỹ và tư tưởng… Bộ tượng hiện đang được lưu giữ, bảo quản, thờ phụng tại Thượng điện Chùa Tháp (Chùa Phổ Minh) thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần – Chùa Tháp, thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).
Theo hồ sơ di sản, Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ có niên đại từ thế kỷ XVII, hiện trạng còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng lộng lẫy; mỗi pho tượng có trọng lượng khoảng 150kg. Tượng Tổ Đệ nhất – Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt chính giữa, tượng Tổ Đệ nhị – Pháp Loa đặt bên trái và tượng Tổ Đệ tam Huyền Quang đặt bên phải.
Ngoài Chùa Tháp, ở Việt Nam hiện có 2 địa phương khác cũng đang lưu giữ được Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ cổ, hiện còn nguyên vẹn là Chùa Hoa Yên (Quảng Ninh) và Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Tuy nhiên, Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ tại Chùa Tháp mang những đặc điểm hoàn toàn khác biệt về chất liệu, tư thế.
Tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạo tác theo tư thế nằm, mô tả khoảnh khắc ngài nhập niết bàn. Theo mô típ chung, tượng Phật nhập niết bàn thường nằm gối đầu lên tay phải, đầu quay về hướng bắc, mặt ngoảnh về hướng tây, tay trái duỗi thẳng đặt lên người.
Tuy nhiên, tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Chùa Tháp lại được tạc trong tư thế ngược lại, đầu hướng về phía đông – nơi có Đền Trần thờ 14 vị Vua triều Trần, với ý nghĩa hướng về nguồn cội, tổ tiên. Tượng được đặt trong một khám thờ hình chữ nhật, kích thước dài 1,85m, rộng 1,03m, cao 1,31m.
Thân hình tượng thon thả, tay phải đặt trên gối, tay trái chống đầu chênh chếch, 2 cổ tay đeo vòng kép; 2 bàn chân trần, chân trái duỗi xuôi, chân phải co cao đặt lên ống chân trái; áo cà sa rộng nhiều lớp phủ chéo từ vai trái xuống trùm kín thân, vai phải để trần có thêm dải lụa mềm vắt qua vai. Khuôn mặt tượng tròn cân xứng, tai dài, mũi nhỏ cao, mắt hơi nhắm, cằm tròn, tóc xoắn ốc, đỉnh đầu nổi cao có chấm tròn lớn màu vàng.
Tượng Tổ Đệ nhị Pháp Loa được tạc mang dáng vẻ của một nhà sư, dáng người thon cao, ngồi trong tư thế thiền, 2 chân xếp bằng, 2 tay đặt trước lòng, mặc cáo cà sa cổ hình chữ V. Khác với tư thế ngồi thiền của tượng Tổ Đệ nhị, tượng Tổ Đệ tam Huyền Quang được tạc trong tư thế ngồi ngay ngắn trên bệ, 2 chân chống xuống đất, 2 tay đặt trên đầu gối, 2 bàn tay thiết ấn. Tượng Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông cùng với 2 bức tượng mô tả tư thế ngồi khác nhau của Đệ nhị Tổ Pháp Loa Thiền sư và Đệ tam Tổ Huyền Quang Thiền sư đã tạo thành Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ độc đáo, hoàn mỹ.
Tượng Tổ Đệ tam, Huyền Quang Thiền sư trong Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ. |
Theo các chuyên gia nghiên cứu, bức tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là tác phẩm có giá trị cao cả về mỹ thuật, sử học lẫn tư tưởng. Bức tượng đã khắc họa chân dung của một giáo chủ bình thản, suy tư, gần gũi; biểu hiện sự thanh thản của một vị Hoàng đế đã làm tròn nhiệm vụ với non sông, đất nước, cởi bỏ hoàng bào để xuất gia, tu hành, hóa Phật, để lại cho muôn đời sau một giáo phái độc lập, một ý thức hệ tư tưởng tự lập, tự cường, đầy tính nhân văn, dân chủ.
Ngoài giá trị hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ còn gắn với lịch sử hình thành, tồn tại của Chùa Tháp – ngôi cổ tự linh thiêng nằm trong khu vực Hành cung Thiên Trường, công trình văn hóa, kiến trúc nổi tiếng của Trấn Sơn Nam Hạ xưa. Chùa được xây dựng từ thời Lý, mở rộng vào thời Trần, có mối liên hệ mật thiết với Đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa Tháp là một trong những nơi Vua Trần Nhân Tông tu hành khi mới xuất gia; là nơi Vua Trần Nhân Tông dạy học, giảng kinh giới thí và là giới đàn, cơ sở của giáo phái sau khi thiền phái Trúc Lâm được lập ra. Tương truyền, sau khi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, thân xác ngài được hỏa táng và để lại hàng nghìn hạt xá lị. Tháp Phổ Minh là một trong những nơi lưu giữ những hạt xá lị của ngài.
Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ được công nhận là Bảo vật quốc gia có ý nghĩa to lớn, đã khẳng định giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học của hiện vật được lưu giữ, bảo quản, thờ tự tại di tích Chùa Tháp; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của quê hương.
Nghiên cứu Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ ở Chùa Tháp đã góp phần làm sáng tỏ hơn thân thế, sự nghiệp, vai trò của Đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông với Vương triều Trần và thiền phái Trúc Lâm. Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ là Bảo vật quốc gia thứ 5 của tỉnh được Chính phủ công nhận./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Theo: baonamdinh.vn