Đã lên chức ông bà ngoại, cặp đôi U50 vẫn sinh thêm hai “công chúa” cho vui cửa vui nhà
Gia đình vợ chồng anh Hoàng Văn Thịnh, chị Nguyễn Thị Sâm (cùng sinh năm 1972) nổi tiếng nhất xóm Phú Vinh, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Sau 28 năm chung chăn gối, hai vợ chồng anh có đến 15 người con. Kể từ năm 1991, nhà anh chị chưa bao giờ vắng đi tiếng nói cười trẻ thơ.
Anh Thịnh, chị Sâm theo đạo Thiên chúa, họ ghi khắc lời chúc phúc của Chúa dành cho con người: “sinh sôi nảy nở như sao trên trời, như cát dưới biển”. Khi về chung một nhà, hai anh chị thống nhất không dùng các biện pháp tránh thai, kế hoạch gia đình mà để mọi chuyện diễn ra tự nhiên, cứ mang thai là sinh nở.
Gia đình đông con, cháu của anh Thịnh, chị Sâm.
Con lớn nhất của anh chị sinh năm 1991. Đến năm 1993, 1996, 1998, 1999, các con lần lượt chào đời, gia đình đủ nếp đủ tẻ. Nhưng với anh chị, 5 con vẫn không phải là trở ngại lớn. Những năm sau đó, cứ cách từ 1 đến 2 năm, vợ chồng anh Thịnh chị Sâm lại đón thêm một thành viên mới.
Lần sinh cuối cùng của chị Sâm là năm 2017. Thời điểm đó, anh Thịnh làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị Sâm vào thăm chồng và đưa gia đình đi du lịch tại đây. Sau đó, chị đã sinh đôi hai “công chúa” tại bệnh viện Từ Dũ.
Cặp sinh đôi “út ít” của gia đình giờ đã được gần 6 tuổi.
Anh Thịnh, chị Sâm tiết lộ, nhiều người nghĩ rằng họ cố sinh nhiều để “săn” con trai theo quan niệm cũ của các cụ, nhưng thực ra, họ chỉ đơn giản là muốn gia đình có đông thành viên nên chấp nhận. Trong 15 người con, anh chị có 9 gái, 6 trai.
“Vợ chồng tôi cứ hai năm sinh thêm một cháu. Dù đông con hơn các cụ xưa nhưng tôi không quá bận tâm vì vẫn đủ điều kiện nuôi con lớn khôn. Bản thân tôi là một người rất yêu thương trẻ con nên được ban bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Nếu bà xã tiếp tục mang thai, tôi sẽ vui lòng đón nhận”, anh Thịnh cho biết.
Còn chị Sâm cũng không ngại chuyện dành cả thanh xuân để sinh nở và nuôi con nhỏ. Chị ví von: “Mình giống như cái cây, cứ đến mùa thì ra trái, không có ai bứng ngọn”. Hiện tại, “quân số” gia đình đã tăng trưởng thêm, khi 5 người con đầu tiên của anh Thịnh, chị Sâm đã lập gia đình, có người đã sinh cháu. Cháu ngoại của anh chị chỉ kém hai dì út vài tuổi.
Đàn con chính là động lực để cha mẹ nỗ lực làm kinh tế
Không chỉ nổi tiếng vì lực lượng hùng mạnh, gia đình đông con nhất Nghệ An còn được ngưỡng mộ bởi sự chăm chỉ, nỗ lực làm kinh tế. Với anh Thịnh chị Sâm, các con chính là động lực lớn để họ làm việc không ngừng.
Thời trước, cuộc sống còn khó khăn, nhà chỉ có mấy sào ruộng nhưng anh chị vẫn lo lắng chu toàn. Sau này, anh Thịnh vay vốn ngân hàng, kinh doanh trang trại lợn nên cuộc sống trở nên khá giả, đủ sức chăm lo cho đàn con đông.
Cuối năm 2022, trại lợn cả nghìn con gặp biến cố, thiệt hại hàng chục tỷ, nhưng anh chị vẫn lạc quan, chung tay vượt qua khó khăn và vực dậy công việc kinh doanh, tất cả để lo cho các con có cuộc sống ổn định.
Các con là động lực để anh chị phấn đấu làm kinh tế.
Anh Thịnh từng tiết lộ, riêng tiền ăn cho các con đã hết khoảng 15 triệu/tháng, chỉ tính tiền sữa và thức ăn hàng ngày, không kể các chi phí khác trong gia đình.
“Mỗi bữa cơm, tôi nấu khoảng gần 2kg gạo, gà 2 con, sữa thì mua mấy thùng một lúc. Do các con chỉ cách nhau một vài tuổi nên quần áo, sách vở hay đồ dùng học tập bọn trẻ thường sử dụng lại của nhau. Được cái các con tự lập sớm, đứa chị biết chăm sóc đứa em nên vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả”, chị Sâm chia sẻ.
Đông con, nên việc chăm sóc, dạy bảo của gia đình 15 con ở Nghệ An cũng hơi khác biệt. Thay vì phải vào từng phòng gọi, nhắc nhở các con thức dậy mỗi sáng, chị Sâm sẽ rung chuông để đánh thức cả nhà.
Chiếc chuông nhỏ cũng được lắc mỗi khi đến bữa ăn. Nghe tiếng chuông, các con sẽ vào bếp, sắp xếp chỗ ngồi và tự giác ăn. Có chuyện vui là vì nhà đông con quá, đến bữa thiếu một nhóc mà không ai biết. Đến khi cả nhà ăn xong, đứa trẻ mải chơi mới lò dò về nhà, lúc này cả nhà mới phát hiện, cười ầm lên.
Các con của anh Thịnh, chị Sâm đều tự giác học tập, yêu thương, hỗ trợ nhau.
Những người con trong gia đình tự bảo ban, chia sẻ công việc với nhau. Xong bữa, công việc dọn dẹp, rửa bát hay các việc nhà khác cũng được bọn trẻ phân chia nhau tự làm. Bọn trẻ thỉnh thoảng cũng có bất đồng nhưng hiếm khi xảy ra tranh cãi nên bố mẹ chưa từng phải làm trọng tài để phân xử bao giờ.
Buổi tối, bọn trẻ sẽ tự chơi với nhau rồi tự ngủ. Các em bé thì được ngủ cùng bố mẹ, còn lại các anh em trai tự ngủ trong một phòng, các chị em gái thì ngủ phòng khác.
Chuyện học hành, bố mẹ cũng không phải nhắc nhở, đôn đốc mà trao quyền tự học cho các con, bố mẹ chỉ hỗ trợ ở mức tốt nhất. Hàng ngày, những anh chị lớn sẽ kiểm tra bài vở và kèm học cho các em.
Anh Thịnh, chị Sâm cảm thấy may mắn vì các con đều có nếp học tập tốt. 5 người con lớn của anh chị đã học xong đại học, trong đó có 2 người con được bố mẹ cho đi du học. Các em nhỏ cũng nhìn vào các anh chị mà làm gương, tự giác thu xếp, cố gắng học hành.