3 cây cầu cổ dưới đây đều là công trình gắn với người dân Thành Nam xưa. Đó không chỉ đơn giản là công trình hỗ trợ việc đi lại mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử kiến trúc nhiều thời kỳ.
Tại Việt Nam, hiện nay còn rất ít những cây cầu được xây dựng theo kiến trúc xưa. Dù chỉ là một phương tiện giúp nhân dân đi lại qua sông nhưng mỗi cây cầu lại có nét kiến trúc và vẻ đẹp riêng. Cùng nằm tại Nam Định, có 3 cây cầu cổ đã gắn bó với đời sống người dân từ lâu đời
1. Cầu ngói chùa Lương
Cầu ngói chùa Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, bắc qua sông Hoành. Đây là công trình kiến trúc nổi tiếng có giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử. Cầu ngói chùa Lương chính là một trong 3 cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam, cùng với chùa Cầu ở Hội An và cầu ngói Thanh Toàn ở Huế.
Nhìn từ xa cây cầu có dáng hình mềm mại, uốn lượn như đầu rồng vươn lên trời cao. Kết cấu cầu chắc chắn, đơn giản với nguyên liệu hoàn toàn bằng gỗ. Được xây dựng vào năm 1511, cầu ngói chùa Lương cũng có lối kiến trúc thượng gia hạ kiều đặc trưng.
Công trình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.
2. Cầu ngói chợ Thượng
Cầu ngói chợ Thượng có địa chỉ tại thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực. Cầu được xây dựng thời Hậu Lê, gắn liền với công đức của người con gái làng Thượng Nông, cũng chính là cung phi của chúa Trịnh, sau được người dân suy tôn làm bá chúa – bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân.
Cây cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng, thôn Thượng Nông. Cầu có kiến trúc kiểu “thượng gia hạ kiều” tức là trên là nhà, dưới là cầu; được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim. Công trình dài khoảng 17.35m; Trong lòng nhà cầu được chia thành 11 gian, mỗi gian từ 1.4 đến 1.6m.
3. Cầu lợp làng Kênh
Cầu lợp làng Kênh là cây cầu rất cổ, đã hơn 1000 năm tuổi. Cầu có địa chỉ tại làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Vào thời Lý, khi triều đình cho xây dựng con kênh, việc đi lại trong làng gặp nhiều khó khăn nên cầu đã được xây dựng. Đặc biệt, đây là cây cầu mái lá duy nhất còn sót lại tại Việt Nam.
Cây cầu có mái được lợp bằng lá chứ không phải bằng ngói như các cây cầu cổ khác, cụ thể là cây cói do nhẹ hơn, xốp hơn và chịu được gió bão. Khi nào lớp lá cói mục, nhân dân mới thay lớp lá mới. Ngày nay, cây cầu được thay thế lợp bằng lá cọ.
Đây cũng là địa điểm yêu thích của những người dân làng Kênh ra nghỉ mát, hóng gió và trò chuyện cùng nhau.Trên cầu hiện nay còn nguyên bàn cờ được khắc trên lan can nghỉ di người xưa khắc lên để tiện chơi cờ giải trí.
Nguồn: https://travelmag.vn/chiem-nguong-3-cay-cau-co-tai-nam-dinh-d6086.html