Nam Định – Chùa Đại Bi (ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của xứ Sơn Nam xưa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính thời Hậu Lê và thời Nguyễn (thế kỷ 17 – 19).
Chùa Đại Bi là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của xứ Sơn Nam xưa. Đây là một di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh.
Với lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chùa Đại Bi có tới 60 gian phần lớn làm bằng gỗ lim. Toàn bộ di tích được bố cục cân đối chắc khỏe.
Nhìn trên mặt bằng tổng thể, chùa gồm các thành phần kiến trúc như tam quan, chùa chính, hai dãy hành lang, gác chuông, nhà Tổ. Toàn bộ công trình được bố cục cân đối, hài hòa.
Phía bên trong cung Thánh, hầu hết làm bằng gỗ lim.
Bộ cửa gỗ của tòa bái đường được chạm khắc tinh xảo.
Kiến trúc của chùa Đại Bi còn để lại ấn tượng với gác chuông hai tầng tám mái, mang ý nghĩa dịch học, biểu hiện tư tưởng vũ trụ luận của người phương Đông. Đây là một trong những đơn nguyên kiến trúc có giá trị nhất của chùa.
Kiến trúc của chùa có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật của hai thời Lê – Nguyễn.
Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Đáng chú ý nhất là 10 tấm bia và 10 đạo sắc phong thần, trong đó tấm bia cổ nhất khắc vào đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679), đạo sắc sớm nhất vào ngày 8.8 niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767).
Ông Cao Thanh Nghị – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực) cho biết, với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, chùa Đại Bi đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1964; Lễ hội Chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ngày 22.1.2020.
Theo: laodong.vn