Cô gái hằng ngày nhịn đói lên giảng đường, nuôi ước mơ có tấm bằng đại học

Sáng nào Nguyễn Thanh Huyền – cô bé xứ Nghệ, tân sinh viên Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải – cũng nhịn đói lên giảng đường. Hôm nào tiết học kéo dài đến 12h, chiếc bụng đói cồn cào cứ kêu ọc ạch.

Nguyễn Thanh Huyền (phải) cùng chị gái bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vừa hoàn thành chương trình và đang chờ nhận bằng tốt nghiệp đại học

Nguyễn Thanh Huyền (phải) cùng chị gái bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vừa hoàn thành chương trình và đang chờ nhận bằng tốt nghiệp đại học

Quá trưa, Huyền chạy về ký túc xá húp vội bát mì hoặc xuống căng tin mua suất cơm sinh viên giá rẻ. Huyền bảo chỉ dám ăn 15.000 đồng, bữa nào đói quá mới mua suất cơm 20.000 đồng, tối cũng ăn như vậy.

Gần một tháng giữa thủ đô cái gì cũng đắt đỏ, số tiền dằn túi cứ vơi dần, chỉ còn vỏn vẹn 300.000 đồng.

Bụng đói lên giảng đường

Gương mặt sáng, chiếc răng khểnh khá duyên nhưng hiếm hoi mới thấy Huyền cười. Dáng người nhỏ nên khá dễ nhận ra cô bé Huyền lọt thỏm giữa các bạn đồng trang lứa.

Gần một tháng ở Hà Nội, nỗi nhớ mẹ chẳng lúc nào vơi. Ngày nào cũng mì gói hoặc cơm căng tin sinh viên giá rẻ làm Huyền nhớ bữa cơm nhà quay quắt. Những lúc như thế, Huyền lại rơi nước mắt.

Bố qua đời sớm vì bạo bệnh. Một mình mẹ tảo tần gánh vác mọi việc trong ngoài nuôi hai chị em Huyền, cho các con được đến trường bằng bạn bằng bè. Mai – chị gái của Huyền – bị nhiễm chất độc da cam/dioxin từ lúc mới lọt lòng.

Dẫu đi lại khá khó khăn nhưng “cô gái tí hon” ấy đã nỗ lực vượt lên chính mình, vừa hoàn thành xong chương trình đại học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Chị gái đang chờ nhận bằng tốt nghiệp, nay đến lượt Huyền nối gót chị vào giảng đường.

Niềm vui đỗ đại học đến nhanh mà cũng qua nhanh lắm khi câu hỏi bật ra “Tiền đâu để Huyền bước tiếp bốn năm học với chi phí đắt đỏ nơi thủ đô?”.

8 triệu đồng tiền nhập học ban đầu cùng với khoản tiền đóng ký túc xá, mẹ Huyền phải chạy vạy khắp nơi mới vay đủ.

Huyền nhẩm tính mỗi tháng mẹ cố gắng làm lụng cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với chi phí ở thủ đô. Còn cả chặng đường dài phía trước, một mình mẹ không thể gánh vác nổi, ai sẽ là người trợ sức cho Huyền bước tiếp? Những câu hỏi cứ thế nối tiếp nhau nảy ra, như một thách thức của số phận.

Huyền tự nhận mình dễ khóc. Gặp chuyện buồn, tủi thân lại khóc. Có khi chỉ là xem bộ phim cảm động, nhìn hình ảnh về các em nhỏ vùng cao khó khăn cũng bật khóc. Nhưng mỗi lần khóc xong lại tự dặn bản thân phải luôn cố gắng hết sức, càng phải mạnh mẽ hơn.

Nợ cũ chưa trả, đã tính nợ mới

Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhoài, bà Ngô Thị Hải (46 tuổi, mẹ của Huyền) tranh thủ gọi điện hỏi han hai cô con gái đang ở thủ đô. Hàng xóm láng giềng ai nấy đều khâm phục người phụ nữ chồng mất sớm, tảo tần sớm hôm ấy. Hai sào ruộng chẳng đủ nuôi gia đình nên bà phải chạy vạy khắp nơi, ai thuê gì làm nấy để có tiền lo cho con học hành.

Làm nhiều việc cùng lúc, có những hôm đôi vai như oằn xuống, khắp người đau ê ẩm, đêm về cựa mình tới sáng chẳng ngủ được. Bà Hải tâm sự nuôi hai con rất vất vả. Cô chị Mai bị tật bẩm sinh không làm được việc nặng nhọc, còn cô em Huyền sức khỏe cũng yếu lắm. Điều may mắn cũng là phước phần của đời bà khi cả hai chị em rất chăm ngoan, biết nghe lời.

Bốn năm trước, bà Hải đã cố gắng chạy vạy lo cho con gái đầu đi học đại học. Còn chưa kịp có lúc nào tạm nghỉ ngơi, nay lại tiếp tục xoay trở để lo cho bé Huyền vào giảng đường. Số nợ cũ lo cho Mai chưa trả hết, nay chị đã tính vay thêm nợ mới để lo cho Huyền.

“Thôi thì chỉ biết cố gắng, vay mượn được chừng nào hay chừng đó, đi tiếp được đến đâu hay đến đó. Làm mẹ, mình chỉ mong sao các con cố gắng chăm ngoan, học giỏi rồi cùng mẹ tháo gỡ dần dần khó khăn”, người mẹ trải lòng.

Được thầy cô giới thiệu, Huyền gấp rút hoàn thành hồ sơ đăng ký ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ và thầm mong sẽ được duyệt để có thể tháo gỡ phần nào khó khăn ban đầu.

“Số tiền đó có thể với nhiều người là nhỏ nhưng giúp đỡ được em rất nhiều trong việc học cũng như trong cuộc sống hằng ngày, giúp em có động lực bước tiếp trên con đường học sắp tới. Sau này khi có điều kiện tốt hơn, em sẽ quay lại giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn như em bây giờ”, tân sinh viên Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ trong hồ sơ gửi đến chương trình.

Dồn sức năm đầu, rồi đi làm thêm

Ngay những ngày đầu tiên bước chân đến giảng đường, cô gái xứ Nghệ ấy đã hạ quyết tâm cố gắng học thật tốt, tập trung tối đa cho năm học đầu tiên để giành điểm A, A+ cho các môn học. Kế hoạch tiếp theo sẽ là xin đi làm thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí, đỡ đần cho mẹ.

Huyền quyết tâm có vất vả thế nào cũng phải tìm cách để đến được giảng đường - Ảnh: H.T.

Huyền quyết tâm có vất vả thế nào cũng phải tìm cách để đến được giảng đường – Ảnh: H.T.

Nói về cô học trò cũ, thầy Nguyễn Xuân Trung (Trường THPT 1-5, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) chia sẻ Huyền là tấm gương nỗ lực vượt khó vươn lên và rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của trường. “Tôi thật sự mong các nhà hảo tâm cùng sẻ chia, tạo điều kiện giúp Huyền thực hiện ước mơ vì gia cảnh bạn ấy thực sự rất khó khăn”, thầy Trung nói.

Học bổng đến với tân sinh viên Bắc Trung Bộ

Sáng nay (5-10), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Nghệ An cho 86 tân sinh viên khó khăn của bốn tỉnh Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,3 tỉ đồng, mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt 50 triệu đồng/4 năm cho hai tân sinh viên đặc biệt khó khăn do Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền) tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng ba lô cho tân sinh viên. Bốn tân sinh viên khó khăn còn thiếu thiết bị học tập sẽ được tặng laptop. Trong đó, Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) hỗ trợ ba laptop và Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT hỗ trợ một laptop.

Theo: tuoitre.vn

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *