Gửi 52 tỷ ngân hàng, Đại gia Hà Nội đến rút tiền thì bị bảo vệ kéo ra ngoài, ngân hàng bị phong tỏa

Không được rút 52 tỷ gửi ngân hàng: Tiền không mất, nhưng…

Người dân có còn tin tưởng mang tiền đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng nữa không khi mà vụ việc “biến đại gia thành dân oan” đang gây hoang mang dư luận.

Bất đắc dĩ, cuối tháng 12.2020, ông Toàn mặc áo in chữ tố PVcomBank chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm đến trụ sở ngân hàng này thì bị bảo vệ trấn áp, cấm cửa từ nay không được đến…

Ông Đặng Nghĩa Toàn (46 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) vừa gửi đơn đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra dấu hiệu chiếm giữ tài sản trái pháp luật của Ngân hàng (NH) thương mại CP Đại chúng VN (PVcomBank) tại phố Ngô Quyền, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội sau gần 2 năm bị NH này chối bỏ trách nhiệm.

Theo hồ sơ do ông Toàn cung cấp, tháng 10.2018, ông Toàn và vợ là bà Tạ Thị Thu Trang gửi tiết kiệm tổng số tiền 52 tỉ đồng, chia làm 3 sổ tiết kiệm tại PVcomBank, một sổ trị giá 12 tỉ đồng đứng tên ông Toàn, 2 sổ còn lại trị giá 40 tỉ đồng đứng tên bà Trang. Đến cuối năm 2018, vợ chồng ông Toàn phát hiện cả 3 sổ tiết kiệm của mình bị phong tỏa do cầm cố để bảo lãnh cho Công ty TNHH cơ điện và xây dựng Jeongho Landmark VN (Công ty Jeongho) vay vốn tại PVcomBank.

Tuy nhiên, ông Toàn khẳng định không biết Công ty Jeongho và chưa bao giờ ký vào các văn bản bảo lãnh vay vốn cho công ty này vay vốn. Tá hỏa vì sự việc này, ông Toàn gửi đơn tố cáo đến Công an TP.Hà Nội và các cơ quan liên quan để giải quyết. Đồng thời, ông Toàn có văn bản kiến nghị Công an TP.Hà Nội làm rõ. Ngày 20.3.2019, Công an TP.Hà Nội có thông báo kết luận giám định trả lời ông Toàn cho biết chữ ký, chữ viết trong hợp đồng vay vốn là giả mạo. Ngân hàng đã nhiều lần cam kết trả lại tiền gửi tiết kiệm cho ông nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng.

Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Hà Nội đã phát hiện vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng khi một số cán bộ NH cấu kết với người bên ngoài giả mạo hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của 3 NH, trong đó có PVcomBank.

Đến nay, các cơ quan tố tụng TP.Hà Nội đã ban hành kết luận điều tra, truy tố 17 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ngụ Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và đồng phạm đã cấu kết với một số cán bộ NH giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 432 tỉ đồng của 3 NH, trong đó tại PVcomBank là 49,4 tỉ đồng. Trong số này có 12 bị can là cán bộ các NH, có 2 cán bộ PVcomBank là Đỗ Minh Đức, Giám đốc Trung tâm phát triển khách hàng doanh nghiệp phía bắc, và Bùi Văn Tuấn – nhân viên.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 8.1.2021, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH thuộc NH Nhà nước có văn bản hướng dẫn ông Đặng Nghĩa Toàn về hướng giải quyết. Theo văn bản do ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra, giám sát NH ký, cho biết ông Toàn có thể liên hệ các NH để được xem xét, hướng dẫn, giải quyết. Nếu không đồng ý với việc giải quyết của các NH, ông Toàn có thể gửi đơn đến TAND có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Văn bản do ông Trần Đăng Phi ký cũng cho rằng việc gửi tiền của ông Toàn tại NH là giao dịch dân sự có liên quan đến vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội”, nên đề nghị ông Toàn gửi đơn đến cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết việc gửi, rút tiền tiết kiệm của ông đồng thời cùng vụ án hình sự nêu trên.

Ông Đặng Nghĩa Toàn bức xúc cho rằng các hướng dẫn của NH Nhà nước đẩy “quả bóng” trách nhiệm và tiếp tục tạo điều kiện cho PVcomBank chiếm dụng tài sản của vợ chồng ông: “Khi chúng tôi đưa tiền đi gửi thì được hứa hẹn chăm sóc đủ thứ về quyền lợi, xảy ra chuyện thì bảo ra tòa mà đòi thì khác gì đánh đố nhau”.

Cũng theo phản ánh của ông Đặng Nghĩa Toàn, sau khi các cơ quan tố tụng Hà Nội kết luận vợ chồng ông không liên quan đến vụ án, khoản tiền gửi tiết kiệm của vợ chồng ông không phải là vật chứng trong vụ án, ông đã nhiều lần có văn bản đề nghị được gặp, làm việc trực tiếp với lãnh đạo PVcomBank yêu cầu hoàn trả tiền tiết kiệm nhưng luôn bị trốn tránh. Bất đắc dĩ, cuối tháng 12.2020, ông Toàn mặc áo in chữ tố PVcomBank chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm đến trụ sở NH này thì bị bảo vệ trấn áp, cấm cửa từ nay không được đến.

“Tiền tiết kiệm là mồ hôi nước mắt của vợ chồng tôi, gửi hợp pháp theo đúng quy định của NH và được coi như VIP, nhưng hơn 2 năm qua chúng tôi gửi đơn từ kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng mà không thể nào đòi lại được tài sản của mình. Ngoài thiệt hại lớn về kinh tế còn uy tín, danh dự của bản thân, gia đình, không ai có thể đo đếm được”, ông Toàn bức xúc nói.

Đối với sự việc này Thạc Sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội) có quan điểm như sau:

Quyền lợi của vợ chồng ông Toàn đối với số tiền gửi ngân hàng?

Khi vợ chồng ông Toàn thực hiện các thủ tục gửi tiền tiết kiệm của mình tại Ngân hàng VPCombank theo đúng quy định của pháp luật và được ghi tên trên sổ tiết kiệm thì ông bà vẫn hoàn toàn có đầy đủ các quyền của mình đối với khoản tiền đó như quyền sở hữu, quyền định đoạt, quyền sử dụng. Đồng nghĩa với việc, khi vợ chồng ông Toàn có yêu cầu rút lại khoản tiền tiết kiệm thì ngân hàng phải có nghĩa vụ trả lại số tiền mà ông bà đã gửi theo đúng quy định.

Ngân hàng VPCombank phong tỏa tài khoản tiết kiệm của ông Toàn có đúng hay không?

Theo Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng  tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì ngân hàng chỉ được phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong 1 số trường hợp. Cụ thể, Khoản 1 Điều 17 nêu rõ 3 trường hợp sau:

  • Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
  • Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

 Đồng thời Điều này cũng quy định rõ: Ngay sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo (bằng văn bản hoặc theo hình thức thông báo đã thỏa thuận tại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng mở tài khoản thanh toán) cho chủ tài khoản hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán; số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán phải được bảo toàn và kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trường hợp tài khoản bị phong tỏa một phần thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.”

Theo đó, trường hợp khi có quyết định phong tỏa tài khoản của khách ngân hàng cần có thông báo cho phía khách hàng nắm bắt. Nếu không thuộc 1 trong các trường hợp được quy định thì Ngân hàng không có quyền phong tỏa tài khoản của khách hàng. Như vậy, khi đã có kết luận giám định chữ kỹ xác định chữ kỹ của vợ ông Toàn trong hồ sơ vay vốn là giả mạo và kết luận điều tra vụ án khẳng định vợ chồng ông Toàn và 3 sổ tiết kiệm không liên quan đến vụ án nêu trên thì Ngân hàng phải có quyết định hủy bỏ lệnh phong tỏa đối với khoản tiền trên.

Như vậy, đối với vụ việc này Luật sư Hùng nhận định rằng: Ngân hàng đã không làm tốt trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, Luật sư Hùng cho rằng, Ngân hàng cũng là một bị hại của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, không thể tránh khỏi tình trạng gặp bối rối khi không biết khi nào có thể đòi lại khoản tiền cho vay đồng thời cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của mình.

Phương án giải quyết

Trước hết hai bên cần ngồi lại đàm phán về vấn đề hủy bỏ lệnh phong tỏa khoản tiền tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn. Trường hợp Ngân hàng không đồng ý hợp tác làm việc thì phía khách hàng có thể yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc. Khách hàng có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Ngân hàng trả lại số tiền 52 tỷ đồng đã gửi tiết kiệm.

Cần lưu ý, khi thực hiện thủ tục khởi kiện ra Tòa, người khởi kiện cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu giấy tờ liên quan đến vụ việc và có đơn khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật.

Để tránh mất tiền oan khi gửi tiền tiết kiệm cần chú ý những điều này

Theo Luật sư Hùng ngoài việc thực hiện các thủ tục gửi tiền theo quy định của pháp luật thì người gửi cần lưu ý các điều sau:

– Phải gửi tiền trực tiếp tại quầy

Đây là quy chế về tiền gửi, được quy định rõ tại các ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP, thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định.

Cụ thể, khách hàng VIP được vào phòng VIP hoặc phòng Giám đốc để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi cũng như ký các giấy tờ có liên quan. Việc này vô cùng nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đẩy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch thì nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ.

Khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

– Tuyệt đối không nên ký sẵn chứng từ trống

Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng

Tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách. Với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.

– Phải kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kì

Việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hàng tháng nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết.

Nếu không chú ý việc này, khách hàng khó có thể thu hồi được số tiền của mình. Bởi lúc đó, cơ quan chức năng và ngân hàng phải tốn nhiều thời gian trong việc điều tra, truy tố, xét xử, kể cả thi hành án cũng rất nhiêu khê, đặc biệt là khi người lấy cắp tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng.

Việc kiểm tra số dư này có thể được thực hiện nhanh chóng qua tài khoản Internet Banking hoặc Mobile Banking đã được đăng ký với ngân hàng.

– Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận

Bên cạnh mẫu chữ ký và giấy tờ tùy thân thì sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng.

Trong vòng 24 giờ sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu không, lại bị kẻ gian giả mạo chữ ký và các giấy tờ tuỳ thân thì khách hàng có thể sẽ chịu thiệt về số tiền gửi của mình.

Ngoài ra, khách hàng không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm của mình, vì trong nhiều trường hợp họ có thể giả chữ ký, giấy chứng minh nhân dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản khách hàng.

Song song đó, người gửi tiền cũng không nên cho các nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm sau khi đã mở tài khoản vào tiền gửi. Vì khi đó, nhân viên ngân hàng có thể đã không gửi tiền vào tài khoản của khách mà gửi tiền vào tài khoản của họ hoặc người thân.

– Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi

Khi nhận sổ tiết kiệm, bạn cần kiểm tra các thông tin về: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của Trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền)…

– Cố gắng duy trì một chữ ký cố định

Việc thay đổi chữ ký liên tục lại là sai lầm rất phổ biến và gây phiền toái nhiều nhất cho không ít khách hàng. Khi giao dịch với ngân hàng, từng nét chữ, bút tích bạn để lại đều có giá trị. Bạn không nên thấy làm quá phiền lòng khi bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại chữ ký nhiều lần để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.

Do vậy, việc duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng là điều cần thiết nhằm giúp khách hàng thuận tiện và nhanh chóng khi gửi hay rút, chuyển tiền từ tài khoản của mình.

– Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến

Khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại.

Ngoài ra, bạn nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *