Lịch sử hình thành và hình ảnh đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên)

Cổ Ngư là tên cũ của đường Thanh Niên hiện nay, dài chỉ 1km, ngắn nhất Hà Nội, nhưng cũng là con đường thơ mộng nhất Hà Nội.

Đường Cổ Ngư ban đầu vốn là dốc Cổ Ngự, xuất hiện sớm nhất từ thời Lý, khi Thăng Long mới được chọn làm kinh đô. Do những người vẽ bản đồ và kẻ biển tên phố Hà Nội thời thuộc Pháp thường dùng chữ Việt không dấu nên ghi thành Rue Kô-Ngü, lâu dần người dân đọc chệch thành đường Cổ Ngư. Lúc đó, Cổ Ngư chỉ là con đường đất đi từ đầu cửa ô Yên Hoa (nay là Yên Phụ) ở phía bắc xuống đến cửa ô Thụy Chương ở phía nam ngăn đôi hai hồ lớn của Hà Nội là hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Khi nói về sự hình thành của đường Cổ Ngư, Đại Việt sử ký chép: “Năm 1427 Bình Định Vương Lê Lợi sai đắp đường từ Yên Hoa xuống Cửa Bắc thành Đông Quan để tấn công quân Minh bị vây trong thành”.

Thời xưa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch nguyên chỉ là một, là một nhánh của sông Hồng, nhưng sau đó sông bị đổi dòng lấp mất lối ra, tạo thành hồ. Sau đó, người dân quanh vùng đắp con bờ nhỏ từ Yên Hoa (nay là Yên Phụ) xuống Yên Ninh cho khỏi đi vòng. Rồi sóng vỗ, thời gian xô lở con đường nhỏ, nên năm nào cũng phải đắp lại cho vững, thành ra con đường có tên đê Cố Ngự (nghĩa là giữ cho vững).

Góc hồ này, nguyên có một hành cung của chúa Trịnh Doanh, cung đó sau thành nơi an trí những cung nữ có tội hoặc về già. Họ trồng dâu chăn tằm và tự dệt lụa, thứ lụa trắng ngà, mềm, mỏng, cực đẹp, gọi là lụa Làng Trúc, và cái tên Trúc Bạch ra đời, mảnh hồ Tây ngăn ra cũng mang luôn tên ấy: hồ Trúc Bạch.

Từ mấy trăm năm trước, đường Cổ Ngư đã là nơi để nhiều người tới thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ Tây. Thời xưa hồ Tây có nhiều sương mù bay là đà trên mặt nước, nên cũng được mang tên khác là hồ Dâm Đàm (mù sương).

Dọc đường Thanh Niên (Cổ Ngư) ngày nay vẫn còn những ngôi đền chùa cổ, đó là đền Trấn Vũ uy nghi với 4 cột trụ có bậc đi xuống hồ và cổng tam quan có gác chuông, bên trong sân vườn rợp bóng những cây muỗm cổ thụ hàng trăm năm cành lá sum xuê.

Quãng giữa đường Cổ Ngư có một con đường đất nhỏ và dài đi vào một bán đảo nhỏ nằm ngập trong bóng cây cổ thụ và giữa một biển sen lá xanh lá đỏ lay động trong gió hè đưa hương, đó là chùa Trấn Quốc có kiến trúc cổ kính.

Lên đến gần đường đê Yên Phụ thì còn mấy di tích lịch sử khác: ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi có từ thời vua Lý Thái Tổ, ban đầu ở cạnh núi Nùng trong Hoàng thành, khi xây thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau, những người coi đền và người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ “Thủy Trung Tiên” (bà tiên dưới nước”.

đầu Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch

Ở bên phía tây ngay cạnh đường chỗ lên dốc, có đền Yên Thọ, thờ Bách Linh, và đình Nghĩa Dũng thờ Tứ vị Hồng Nương, tức là thần đền Cờn trong Nghệ An.

Thời cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, đường Cổ Ngư dần trở nên hoang vắng, đền Trấn Quốc và chùa Trấn Quốc cũng chịu cảnh tiêu điều, cỏ dại bao phủ. Bà huyện Thanh Quan đã tả chùa Trấn Quốc thời điểm đó như sau:

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu

Khách đi qua đó chạnh lòng đau

Cuối thế kỷ 19, Pháp chiếm thành Hà Nội, mở mang đường sá, tuy nhiên lúc này trung tâm thành phố là ở khu vực Đông Nam hồ Hoàn Kiếm, nên hồ Tây là đất ngoại thành ít được chú ý.

Cho tới khoảng 100 năm trước, đường Cổ Ngư vẫn chỉ là một con đường hẹp, vắng người qua lại vì không phải là tuyến đường chính, nhưng lúc này đã có hàng phượng dọc hai bên đường, chính quyền cho lắp hàng đèn đốt bằng khí đất đèn thắp sáng vào ban đêm.

Tối tối, người của Sở Lục lộ đi mở van dẫn khí từ dưới chân cột lên đèn rồi châm lửa. Ánh sáng khiến hồ Tây và Trúc Bạch lung linh và huyền ảo hơn. Thời gian trước đó, khi màn đêm buông xuống thì thành phố bị bóng đen bao phủ.

Lúc đó, Hà Nội chỉ có 2 con đường để dạo mát bằng xe ngựa là Đường Thành (Digue Parreau, nay là Hoàng Hoa Thám) và đường Cổ Ngư. Sau thế chiến thứ nhất, Hà Nội bắt đầu có nhiều xe ô tô cá nhân, khi chiều hè oi bức, người Tây đưa nhau đi xe đến Cổ Ngư hóng gió hồ, xe đỗ dọc đường làm cản trở giao thông, vì vậy chính quyền cho đắp rộng quãng ngang của chùa Trấn Quốc để làm chỗ dừng ô tô. Chỗ đó sau này mở ra một hàng giải khát, có món bánh tôm được nhiều người ưa thích, vì tôm tươi mới bắt được ở hồ lên được làm bánh ngay.

Cũng trong thời kỳ này, đầu đường Cổ Ngư ở mé bên Yên Phụ, người Pháp xây câu lạc bộ thể thao dưới nước (Société nautique de Hanoi) để chơi các môn thể thao chèo thuyền và bơi ở trên hồ Tây dành riêng cho người Pháp.

Năm 1921, tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách có mô tả cảnh đôi tình nhân tới đường Cổ Ngư ngắm trăng tự tình, nhưng lúc đó vẫn rất hiếm người Việt tới đây ngắm cảnh hóng mát. Phải tới những năm sau thời điểm 1935, khi xe đạp đã trở nên phổ biến, và do phong trào “vui vẻ trẻ trung”, người Hà Nội mới bắt đầu kéo nhau lên chơi đường Cổ Ngư như người Tây. Một người tên là Lê Tiến có sáng kiến thành lập một nơi dành riêng cho người Việt chơi thuyền trên hồ Tây, đặt tên là Tiểu Đồ Sơn (Petit Do Son).

Cũng từ đó, hồ Tây thường xảy ra tai nạn chìm thuyền đuối nước, vì mặt hồ rộng mênh mông, thỉnh thoảng đang im lặng đẹp trời thì bất chợt nổi gió xoáy làm sóng nổi cao. Trong chùa Trấn Quốc có chỗ nhà hậu có nhiều bia đá do gia đình nạn nhân ký tại chùa cầu siêu sinh tịnh độ.

Từ sau năm 1935, đường Cổ Ngư trở thành nơi gặp gỡ của dân Hà Nội thèm thoáng mát, bởi nhà Hà Nội xưa thường chật, nóng bức vào mùa hè, họ ra đường xa trung tâm dạo mát để tránh phố xá đông đúc, nhất là đối với những người trẻ thích vui chơi. Thời đó tên Pháp của con đường này là Lyoutey, nhưng người Hà Nội vẫn quen gọi tên cũ là Cổ Ngư.

Cho tới thời điểm đó, đường Cổ Ngư đã trải qua nhiều đợt cải tạo, nhưng vẫn chỉ là một con đường hẹp nằm giữa hai hàng cây cao. Phải tới năm 1957, hưởng ứng phong trào của ngày Lao động, hàng vạn học sinh, thanh niên Hà Nội cùng nhau Lao động công ích vận chuyển được hàng nghìn mét khối đất từ sông Hồng về để bồi đắp, lấn 2 bên hồ Tây và hố Trúc Bạch để con đường này trở nên to rộng hơn. Năm 1959, con đường Cổ Ngư chính thức hoàn thành, vì để ghi nhớ sự kiện thanh niên chung sức mở rộng con đường nên đường Cổ Ngư đổi tên thành đường Thanh Niên từ lúc đó.

Thời bao cấp, đường Thanh Niên tiếp tục là nơi gặp gỡ và tâm sự của giới trẻ. Thập niên 70, 80, dù mùa đông lạnh giá, gió hồ thổi thấu tim, thì những đôi tình nhân vẫn ở đây bên nhau. Nhưng đông nhất là mùa hè, hai bên hồ đông kín, xe đạp để sát nhau khóa lại rồi tâm sự. Khi đó, thanh niên yêu nhau chỉ có hai nơi công cộng để bày tỏ tình cảm là công viên Thống Nhất và vườn Bách Thảo, tuy nhiên những đôi trai gái vẫn thích đưa nhau ra đường Thanh Niên nhất.

Năm 1993, cách đây tròn 30 năm, ca khúc Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa của nhạc sĩ Trương Quý Hải nhiều tuần liền lọt vào top ten của Làn Sóng Xanh rất được giới trẻ yêu thích, trong đó có câu hát: “đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về…” Bài hát được phổ từ một bài thơ của nhà thơ trẻ Bùi Thanh Tuấn, và ít người biết rằng khi sáng tác bài thơ này, Bùi Thanh Tuấn chưa từng đặt chân tới Hà Nội. Những hình ảnh đường Cổ Ngư, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, hoa sữa, quán cóc… đều chỉ đến với anh qua lời kể của bạn bè.

Trong một lần gặp gỡ tại hội quán sinh viên ở Sài Gòn, nhạc sĩ người Hà Nội nghe Bùi Thanh Tuấn đọc bài thơ chưa kịp đặt tên, ngay lập tức ông bắt gặp ngay cái tứ nhạc của bài thơ và phổ thành nhạc chỉ trong 30 phút. Từ sau đó, nhắc tới nhạc sĩ Trương Quý Hải hoặc nhà thơ Bùi Thanh Tuấn, người ta chỉ nhắc tới Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa, mặc dù họ còn nhiều tác phẩm hay khác.

Chuyenxua.net biên soạn

Tư liệu: Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ XX (Nguyễn Văn Uẩn)

Nguồn: https://chuyenxua.net/lich-su-hinh-thanh-va-hinh-anh-duong-co-ngu-xua-nay-la-duong-thanh-nien/?fbclid=IwAR1A1YcsQbmaemGA_3k__6H7zzkxSAJb8MLdAM6Cxj6m8K-khAng6RXfcYE

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *