Nam Định: Chàng trai từ cậu bé lang thang đánh giầy trở thành Giám đốc tổ chức cứu trợ trẻ em

Cậu bé Đỗ Duy Vị sinh ra trong gia đình nghèo đông con ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cũng giống như những gia đình khó khăn khác, tuổi thơ của cậu đã phải chịu thiệt thòi khi cơm không đủ ăn, áo chẳng có mà mặc, nhiều lúc đến trường mà phải khất tiền học phí mãi. Thế nhưng, số phận của cậu bé đã thay đổi khi có cơ hội gặp gỡ anh Michael Brosowski – một chàng trai người Úc.

 Đỗ Duy Vị sinh ra trong gia đình khó khăn. (Ảnh: Dân Trí)
Đỗ Duy Vị sinh ra trong gia đình khó khăn. (Ảnh: Dân Trí)

Dân Trí đưa tin, cuộc sống quá nghèo, bố mẹ làm lụng mãi cũng chẳng đủ ăn nên lên lớp 9 Vị đành nghỉ học, một mình lên Hà Nội kiếm sống. Cuối cùng với 30 nghìn đồng tiết kiệm trong túi, cậu bé bỏ ra 18 nghìn mua bộ đồ đánh giày để mưu sinh. Thời điểm đó, Vị chỉ dám thuê phòng trọ giá 2 nghìn đồng/ngày, sống chung với nhiều người khác, chỉ có 1 góc nhỏ để ngủ. Cứ như vậy, cậu kiếm được 2 nghìn đồng cho mỗi đôi giày và thu nhập 1 ngày rơi vào khoảng từ 20 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng. Mỗi tháng kiếm được từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng, cậu gửi về hết cho bố mẹ ở quê còn bản thân chỉ dám giữ 1 ít.

 Từ khi rất nhỏ, Đỗ Duy Vị đã có quyết tâm hơn người. (Ảnh: Vietnamnet)
Từ khi rất nhỏ, Đỗ Duy Vị đã có quyết tâm hơn người. (Ảnh: Vietnamnet)

Công việc đánh giày rất vất vả, còn nhỏ tuổi mà đã phải bươn chải nơi tha hương là điều không hề dễ dàng. Không ít lần cậu có suy nghĩ về quê nhưng lại chẳng có can đảm vì bao nỗi lo còn ở trước mắt. Không ít lần thấy những đứa trẻ bằng tuổi mình được tới trường, hạnh phúc trong vòng tay của bố mẹ, cậu không khỏi xót xa và thầm nghĩ: “Không, mình không thể chấp nhận cuộc sống như thế này mãi được.” Tuy nhiên, với nam thanh niên chỉ mới 15 tuổi, không người quen, không tiền bạc thì chẳng còn lựa chọn nào khác. Cuộc đời Vị rẽ sang hướng khác khi gặp Michael Brosowski – người sáng lập Tổ chức vì trẻ em Rồng Xanh.

Thời điểm gặp Vị, anh Michael Brosowski là chàng trai người Úc mới sang Việt Nam để làm giảng viên đại học. Lúc này, Michael và bạn đang thực hiện dự án câu lạc bộ dành cho trẻ em đường phố học tiếng Anh và bóng đá. Duy Vị chia sẻ về cuộc trò chuyện đầu tiên với Michael Brosowski: “Michael hỏi quê mình ở đâu, cho mình một cái bánh rồi hỏi có muốn học tiếng Anh không. Nếu muốn đến học thì Chủ nhật đến chỗ này, cũng có các bạn trẻ lang thang đến học chung.” Lúc đó, Vị chỉ có suy nghĩ duy nhất trong đầu là học tiếng Anh sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền vì đánh được giày cho người nước ngoài.

 Cuộc gặp gỡ với chàng trai ngoại quốc đã giúp Đỗ Duy Vị thay đổi cuộc đời. (Ảnh: Dân Trí)
Cuộc gặp gỡ với chàng trai ngoại quốc đã giúp Đỗ Duy Vị thay đổi cuộc đời. (Ảnh: Dân Trí)

Sau khi học tiếng Anh 1 thời gian, Michael hỏi Vị có muốn được đi học bài bản không. Tổ chức Rồng Xanh sau đó đã thuê một căn nhà trọ để làm lớp học tiếng Anh, lập trình web, nghề nhà hàng – khách sạn… dạy cho Đỗ Duy Vị và nhiều trẻ em, thanh thiếu niên đường phố khác. Sau khi học xong, Vị làm việc cho 1 cửa hàng nổi tiếng ở Hà Nội về pha chế với mức thu nhập khá ổn định. Mới 20 tuổi nhưng cậu đã là giám sát của khách sạn 5 sao và vẫn thường xuyên dành thời gian về Rồng Xanh làm tình nguyện. Năm 2009, khách sạn nơi Vị làm việc xảy ra khủng hoảng nên Vị cho mình thời gian nghỉ ngơi và muốn về lại Rồng Xanh để trả ơn ngày xưa.

Cuối cùng, cậu đã trở về nơi mình bắt đầu để làm việc và giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Cậu chia sẻ: “Trẻ lang thang ở thời điểm đó rất nhiều, các vấn đề của trẻ ở thời điểm đấy cũng rất khác so với mình ngày xưa. Ngày xưa, nhiều trẻ đánh giày, bán báo vì nghèo. Nhưng thời điểm mình gặp, bọn trẻ bỏ nhà đi là chính, bởi vì gia đình chúng có rất nhiều vấn đề. 

Những đứa trẻ ấy không phải ai cũng làm việc được. Cũng từng là một đứa trẻ đường phố, có lẽ mình dễ dàng kết nối với chúng hơn người khác. Mình không biết nếu mình nghỉ thì chúng sẽ như thế nào, ai sẽ là người đêm hôm đi tìm chúng. Khi đó Rồng Xanh không có nhiều nhân viên và nhân viên cũng không có nhiều kỹ năng tốt như bây giờ. Chỉ có duy nhất một mình mình đi làm trên đường phố thôi. Và cả Hà Nội lúc ấy cũng chỉ có mỗi Rồng Xanh là tổ chức hỗ trợ đối tượng trẻ em ấy.”

 Hiện, chàng trai trẻ năm đó đã trở thành Giám đốc của Rồng Xanh. (Ảnh: Dân Trí)
Hiện, chàng trai trẻ năm đó đã trở thành Giám đốc của Rồng Xanh. (Ảnh: Dân Trí)

Hiện tại, anh đã là Giám đốc điều hành của Rồng Xanh với hàng trăm nhân viên toàn thời gian. Tính đến nay, Rồng Xanh đã và đang giúp đỡ cho hàng nghìn trẻ em với những hoàn cảnh khác nhau. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, số lượng trẻ em cần giúp đỡ ngày càng tăng, đây cũng chính là thách thức mà Rồng Xanh cần phải tìm cách đáp ứng.

Không riêng Vị mà có rất nhiều đứa trẻ khác dù nghèo khó nhưng vẫn nỗ lực cố gắng từng ngày để có tương lai sáng lạn hơn. Tuổi Trẻ từng đưa tin về N. – cô gái có hoàn cảnh khó khăn chân ướt chân ráo lên thành phố nhập học. Lúc mới là sinh viên, trong khi bạn bè được bố mẹ chu cấp thì N. không dám đòi hỏi do hoàn cảnh gia đình quá nghèo.

 Dù khó khăn nhưng N. vẫn nỗ lực để thay đổi cuộc đời. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Dù khó khăn nhưng N. vẫn nỗ lực để thay đổi cuộc đời. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Để lo việc học, cô chấp nhận chịu khổ, hàng ngày bữa ăn phổ biến là mì gói. Cô chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Cũng chỉ dám mua mì, mà mua ở đây cũng đắt hơn trên quê nên mình không dám ăn nhiều, chỉ ăn nửa gói thôi.” Cuộc sống khó khăn nhưng N. chưa bao giờ từ bỏ, cô lúc nào cũng cố gắng học tập, ấp ủ ước mơ trở thành thẩm phán giỏi.

Từ những câu chuyện của các nhân vật trên, chúng ta càng khâm phục nghị lực vượt khó, học tập của họ. Chỉ cần cố gắng, chúng ta nhất định sẽ được đền đáp xứng đáng.

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *