Nam Định: Chùa Hổ Sơn – Dấu ấn cuộc đời Công chúa Huyền Trân

Từ xưa đến nay, khi nhắc đến lịch sử truyền thống xã Liên Minh, mọi người không chỉ nhắc đến đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là quê hương có truyền thống văn hóa. Dấu ấn văn hóa truyền thống của Liên Minh một mặt được thể hiện đậm nét qua các di tích đình, chùa. Trong đó Di tích lịch sử, văn hóa Chùa Hổ Sơn – nơi thờ công chúa Huyền Trân đã góp phần tô đâm truyền thống văn hóa xã Liên Minh đặc sắc hơn.

Cổng chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh

Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Đây là nơi công chúa Huyền Trân về lập am thờ phật. Công chúa Huyền Trân là em gái Vua Trần Anh Tông, con gái duy nhất của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Công chúa sinh ra và lớn lên trong cảnh nước Đại Việt vừa trải qua binh biến tàn khốc sau 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Theo sử sách, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm là Chế Mân để tỏ tình hoà hảo. Với lòng yêu nước thương dân và nghe lời vua cha, Công chúa Huyền Trân hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì sự hưng thịnh của đất nước, đã lên kiệu hoa về Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân năm 1306 để giữ mỗi hòa hiếu giữa hai nước. Đáp lại tấm thịnh tình của vua Trần Nhân Tông, vua nước chiêm Thành đã dâng hiến hai Châu Ô và châu Lý, tức từ đèo Hải Vân đến tỉnh Quảng Trị ngày nay cho nước Đại Việt. Sống ở đất Chiêm, Công chúa Huyền Trân đi du hành, vãn cảnh khắp nơi để tìm hiểu nền văn hoá Chăm Pa. Thấm nhuần tư tưởng “từ bi, bác ái” của vua cha, Huyền Trân đã cho xây dựng nhiều đền đài, chùa tháp và thường xuyên chăm lo cho cuộc sống người dân nên được nhiều người yêu mến. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi của Công chúa Huyền Trân chỉ kéo dài có hơn 1 năm do vua Chế Mân đột ngột mất vì b̼ạ̼o̼ ̼b̼ệ̼n̼h̼. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn h̼ỏ̼a̼ ̼t̼h̼i̼ê̼u̼. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa. Nghe tin đó, vua Trần Anh Tông là anh trai của công chúa Huyền Chân đã cử một đoàn sứ giả sang nước Chiêm Thành đón bà về. Trải qua 10 tháng lênh đênh trên biển, tháng 8 năm 1308, công chúa Huyền Trân cùng với đoàn mới về đến kinh thành Thăng Long. Đầu năm 1309, công chúa Huyền Trân đã xin thượng hoàng là cha Trần Nhân Tông – lúc đó đang tu ở Yên Tử cho bà xuống tóc xuất gia tu hành. Đến năm 1311, công chúa Huyền Trân về chân núi Hổ lập am thờ Phật cho đến khi qua đời vào ngày 9/4 năm Canh Thìn (1340). Thời điểm đó, ở làng Tiền,  xã Tam Thanh, phía tây núi Hổ có Công chúa Thụy Bảo là cô ruột của Công chúa Huyền Trân đang tạo vườn hoa An Lạc và lập chùa tu hành. Tại đây, hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, khai hoang lập ấp, dạy dân trồng cây lương thực để cuộc sống ấm no, trồng cây thuốc nam để chữa bênh và không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng. Sau khi hai bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn lập am thờ trên chùa Nộn Sơn để tri ân công đức. Ghi nhớ công ơn và tiếc thương người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước, Nhân dân làng Hổ Sơn đã lập đền thờ tại nơi bà tu hành. Hàng năm vào ngày 9/4 âm lịch là ngày kị của công chúa Huyền Trân, dân làng Hổ Sơn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức bà. Hiện chùa Hổ Sơn vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Căn cứ vào giá trị lịch sử của ngôi chùa, ngày 27/9/2006, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận Chùa Hổ Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngôi Tam Bảo – chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh

Đền thờ Huyền Chân Công chúa – chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh

Quần thể lăng tam tháp tổ – chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh

Chùa Hổ Sơn hay còn gọi là Hổ Linh Tự tọa lạc ở phía nam sườn núi Hổ, thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh với nhiều hạng mục công trình phục vụ cho việc phát huy truyền thống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước, Chùa Hổ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng.Thể theo nguyện vọng được trùng tu, tôn tạo để lưu giữ di tích lịch sử  của Nhân dân, các tín đồ phật tử và nhà chùa đang trông coi tại chùa, ngày 22/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định cho phép chùa Hổ Sơn được tu bổ tôn tạo. Đặc biệt là được sự hỗ trợ của tập đoàn BB Group và một số nhà đầu tư khác, đầu năm 2021, chùa Hổ Sơn chính thức được khởi công xây dựng với mong muốn được góp sức bảo tồn và phát huy các giá văn hóa đời nhà Trần. Công trình chùa Hồ Sơn được xây dựng trên nền đất chùa cũ và được qui hoạch mở rộng khuôn viên với tổng diện tích là 13 ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trong đó, khu thờ thự gồm có tòa Tam Bảo, Đền thờ Mẫu, Đền thờ Huyền Chân công chúa, nhà thờ tổ, lầu Cô, lầu Cậu, cùng Tượng thập bát vị la Hán, nhà bia, Quần thể lăng tam tháp tổ… Chùa và đền thờ Công chúa Huyền Trân được tôn tạo có hai cổng, bố trí đối xứng. Đi vào cổng bên trái, bước lên vài chục bậc thang lát đá là 2 dãy tượng với 18 vị la hán theo nguyên mẫu ở chùa Tây Phương. Nằm chính giữa cổng là ngôi Tam bảo khang trang; bên phải là đền thờ Huyền Chân công chúa. Cả chùa và đền đều được tôn tạo theo kiến trúc “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Toàn bộ tượng phật, tượng nhị vị công chúa, hoành phi câu đối, các hương án, các cấu kiện kiến trúc bên trong đều được chạm khắc tinh xảo, được sơn son thiếp vàng trên nền nâu đỏ truyền thống, thể hiện sự linh thiêng, uy nghiêm của chốn tâm linh. Bên cạnh chùa và đền còn được phục dựng Động Sơn Trang, Đàn tế thiên và hang hương trên sườn núi.

Thuyền rồng – Bảo tàng Huyền Trân công chúa – Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh

Tòa Bảo tháp 13 tầng, cao 26 mét – Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh

Từ trên chùa và đền nhìn ra là khuôn viên rộng lớn được quy hoạch, thiết kế khoa học hợp lý. Nằm trong khuôn viên chùa được dựng Bảo tháp 13 tầng, cao 26 mét, Tượng Phật Bà Quan Âm, cột cờ, giếng ngọc đá ong, nhà thuốc nam và nhất là Thuyền rồng – Bảo tàng Huyền Trân công chúa mô phỏng cảnh thuyền rồng đón Công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước. Đặc biệt hơn là trong khuôn viên chùa còn được dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sa – phia nguyên khối, cao 5,1 mét tượng trưng cho tuổi đời của Phật Hoàng. Cũng nằm trong khuôn viên chùa còn được xây dựng nhà khách, nhà khách ni, 12 cây tháp tăng, cùng nhiều công trình phụ cận, như vườn hoa cây cảnh, hồ sen, làm cho khuôn viên chùa hoàn chỉnh và đẹp hơn. Chính vì vậy, khi về với chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, Nhân dân và du khách thập phương không chỉ được thành tâm lễ phật cầu mong sức khoẻ, bình an, được tìm hiểu thêm về cuộc đời của công chúa Huyền Trân- người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước, mà còn được khám phá, vãn cảnh.

Giếng Ngọc – Chùa Hổ Sơn, xã liên Minh

Hiện nay, các hạng mục công trình chính nằm trong tổng thể Chùa Hổ Sơn đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến đến cuối năm 2022, công trình tôn tạo Chùa Hổ Sơn sẽ hoàn thành, tạo nên một khu di tích lưu lại cho muôn đời sau. Ngôi chùa hơn 700 tuổi này được xây dựng lại khang trang, bề thế không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về bảo tồn di tích lịch sử văn hóa của địa phương, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, tạo thuận lợi cho các tin đồ, phật tử và Nhân dân địa phương thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, thờ Thành hoàng làng, thờ phật được lưu truyền qua các thế hệ, mang tính nhân văn sâu sắc.

T/h: Hải Vân – Trung tâm VH – TT&TT huyện Vụ Bản/ vuban.namdinh.gov.vn

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *