Nam Định: Làng nghề làm bánh đa nem nức tiếng gần xa

Từ lâu, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như: Sản xuất cơ khí, đúc đồng, làm bún, điêu khắc tượng, đặc biệt là nghề làm bánh đa nem… Ghé thăm làng nghề xã Xuân Tiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của địa phương, đường làng ngõ xóm được xây dựng khang trang, sạch sẽ, nhà cao tầng mọc lên san sát nhau, đời sống người dân sung túc. Sự phát triển của làng nghề đã góp phần làm cho bộ mặt làng quê nông thôn nơi đây đang ngày càng đổi mới.

Những năm gần đây, nghề làm  bánh đa nem là một trong những nghề truyền thống  phát triển mạnh  tại Xuân Tiến. Theo giới thiệu của cán bộ địa phương, chúng tôi đến thăm cơ sở làm bánh đa nem của nhà ông Nguyễn Văn T (xóm 1, xã Xuân Tiến). Ông T cho biết, nghề làm bánh đa nem đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây, được truyền từ đời này sang đời khác. Từ bé ông đã được bố mẹ dạy, cứ thế học theo và biết làm thành thạo.

Ông T, chủ làm bánh đa nem cho biết, nghề này ngày nay đỡ vất vả hơn nhiều so với làm bánh thủ công trước kia, nguyên liệu làm bánh phải chọn loại gạo khô sau đó nghiền thành bột, ngâm 1 ngày một đêm rồi mới đem đi tráng, hàng ngày xưởng thường bắt đầu làm từ 2 giờ sáng thì mới kịp thời gian để đem đi phơi. Ông cho biết có những ngày xưởng sản xuất với số lượng lớn lên tới 10 vạn chiếc bánh.

Người dân phơi bánh đa nem.

Bánh tráng xong đến đâu phải được trải đều ra các phên đan bằng tre, nứa để phơi cho khô. Bánh được phơi trong thời tiết râm mát sẽ ngon hơn là trời nắng. Bánh được sản xuất với số lượng lớn nên khi sản phẩm được tráng ra các phên thì sẽ được khoán cho người địa phương mang về phơi. Sau khi phơi xong, người thợ sẽ lột bánh sau đó cho vào máy cắt thành các đoạn nhỏ vừa tầm.

Phát huy thế mạnh của địa phương có nghề cơ khí, các hộ dân làm bánh tráng đã áp dụng máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ước tính của UBND xã Xuân Tiến: Tổng số hộ tham gia trong làng nghề: 130 hộ; Tổng số lao động tham gia làng nghề khoảng 1.000 lao động;  Doanh thu trong  năm 2017 đạt 50 tỷ đồng; Thu nhập bình quân của người lao động tham gia làng nghề từ 120 – 150 nghìn đồng/người/ngày.

Nghề làm bánh đa nem đang  phát triển mạnh tại địa phương, thu hút nhiều hộ dân tham gia. Cùng với đó là các loại máy móc hỗ trợ làm nghề đã được chế tạo, phát minh và đưa vào sử dụng ngay tại địa phương. Hầu hết các công đoạn nặng nhọc trước đây của nghề làm bánh đa nem đã được máy móc thay thế từ xay bột đến tráng bánh. Từ đó, nghề của làng có đổi thay đáng kể, cường độ lao động giảm nhưng năng suất, sản lượng tăng vượt trội, giúp người lao động địa phương có thu nhập nuôi con cái học hành, đời sống nhân dân địa phương cũng được cải thiện và nâng cao.

Người lao động thoăn thoắt gỡ bánh đã phơi xong từ phên tre.

Bánh đa nem tại làng nghề xã Xuân Tiến là sản phẩm làm từ gạo, giữ được hương vị của gạo nên được thị trường ưa chuộng, sản phẩm đã được xuất bán trên khắp các miền của đất nước và đã được xuất khẩu sang các nước thuộc khối Đông Âu.

Bên cạnh mặt tích cực mà Làng nghề làm bánh đa nem mang lại như tạo việc làm cho một lượng lớn lao động , góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ thì cũng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của làng nghề. Như các cơ sở sản xuất đều nằm trong khu dân cư, sản xuất ngay tại gia đình,vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, nước thải, không khí, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các hộ sản xuất kinh doanh và người dân trong vùng. Trong khi đó,  các cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý lại chưa quyết liệt đầu tư giải quyết các hệ quả gây ra cho môi trường làng nghề.

Nguồn: https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-nghe-nhan/lang-nghe-lam-banh-da-nem-xuan-tien-nuc-tieng-gan-xa.html23757

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *