Những người dân làng Du Hiếu đã tự đóng góp tiền và công sức để làm công trình cổng làng và con đường dẫn vào giáo xứ vô cùng hoàng tráng.
Cổng làng vốn là hình ảnh quen thuộc với miền châu thổ Bắc bộ như một biểu tượng văn hóa làng quê. Ðây cũng là điểm đầu tiên người ta nhìn thấy khi đặt chân đến làng và cũng là ranh giới giữa các làng với nhau. Trong cái nhìn của nhiều người thì dù chưa đi vào trong, chưa đặt chân tới từng con đường nhưng đứng trước cổng, cũng có thể cảm nhận được phần nào cốt cách của làng.
Cổng làng Du Hiếu. |
Giáo xứ Du Hiếu thuộc xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh, là một miền quê thuần nông ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 2.000 bà con Công giáo. Họ đạo này có lịch sử gần 120 năm. Tên gọi làng Du Hiếu thực chất cũng để chỉ về một làng Công giáo toàn tòng.
Cổng làng và con đường đi vào giáo xứ. |
Theo cha chánh xứ Vinhsơn Mai Văn Bảo, sau những ngày tháng ấp ủ và chuẩn bị, từ cuối tháng 6/2019 sau thánh lễ đặt viên đá đầu tiên đến nay, cả hai công trình cổng làng và con đường dẫn vào giáo xứ đã hoàn thiện và bắt đầu sử dụng. Ðể có được kết quả tốt đẹp này là từ nỗ lực và công sức, tiền bạc của con dân làng Du Hiếu, bao gồm cả những người xa quê, đồng hương đang sống và làm việc ở các vùng miền khác nhau.
Những bức tranh mang nhiều ý nghĩa được chạm khắc trên cổng làng. |
Có thể thấy điểm nổi bật ở đây ngoài sự to lớn về kích cỡ thì kiểu dáng cổng làng mới là tâm điểm của sự chú ý khi dáng vẻ mang nhiều đường nét giống Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp) và phần chạm khắc các bức phù điêu khắc họa một số câu chuyện trong Kinh Thánh.
Cổng có chiều cao 15m, rộng 8m, có tất cả 16 bức phù điêu được chia bố cục đều 4 mặt của cổng. Nét kiến trúc kiểu Âu khiến nhiều người ví von đây là “Khải Hoàn Môn Du Hiếu”… Riêng con đường mới làm có chiều dài là 340m, rộng 9m.
Cổng làng Du Hiếu bề thế, tráng lệ tại Nam Định. |
Những ý nghĩa sâu xa về nguyên cớ xây dựng cổng làng được chính các đại diện xóm đạo Du Hiếu bày tỏ khi lý giải: “Quan niệm truyền thống xưa nay bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình là cái cổng làng. Cổng làng vốn có ý nghĩa như một sự chào đón của người địa phương dành cho khách thập phương. Nhiều dân làng dù đi đâu xa, bao nhiêu năm trở về vẫn có thể nhìn thấy cổng đứng đó, vẫn cảm nhận được những gì thân quen ấm áp của quê nhà…”
Nguồn: https://baophapluat.vn/giao-thuy-nam-dinh-nguoi-dan-tu-xay-cong-lang-be-the-trang-le-nhu-chau-au-post430130.html