Một phân vàng (1/10 chỉ) chỉ là mức thu trung bình, còn những cây có buồng quả đẹp phải thu gấp đôi, gấp ba.
Kỳ lạ loại cây mỗi năm “ăn” vài nắm muối, trả vài phân vàng
Ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định ), sau mỗi mùa thu hoạch cau nhiều hộ dân có nguồn thu lên tới cả trăm triệu đồng và cách mà nhiều người già tích lũy kiểu “ăn chắc, mặc bền” chính là rủ nhau đi mua vàng.
Chia sẻ với tờ Nông nghiệp Việt Nam, vợ ông Nguyễn Văn Ất ở làng Hoành Đồn nói: “Cứ 4, 5 năm cau đắt mới có 1 năm cau rẻ nhưng dù rẻ mấy nó vẫn còn hơn nhiều trồng lúa. Trung bình mỗi gốc cau mỗi năm cho thu 7 – 8 kg quả, năm ngoái giá bán 40.000 – 50.000 đồng/kg tôi thu cỡ 200 triệu, năm nay giá bán 80.000 – 90.000 đồng/kg tôi ước thu cỡ 300 triệu.
Ngoài bán cau quả tôi còn bán cỡ 10.000 cây cau giống mỗi vụ, với giá 20.000 đồng/cây cũng thu khoảng 200 triệu nữa…
Hai đứa con trai tôi sau bao năm đi làm thuê bên ngoài giờ cũng về nhà trồng cau cùng bố. Chúng vừa làm 2 cái nhà, hơn tỷ và tỷ rưỡi. Giờ với chúng tôi, dù có giãn cách xã hội cả năm nữa cũng không thành vấn đề bởi rau sẵn trong vườn, gà sẵn trong chuồng, cá sẵn dưới ao, còn gạo sẵn ở trên những ngọn cau cao 9 – 10m”…
Sau mỗi mùa thu hoạch cau, nhiều hộ dân tại Hải Đường – Nam Định có nguồn thu lên tới cả trăm triệu đồng
Theo chia sẻ của người phụ nữ này, hiếm có loại cây nào mà đầu tư chỉ 1 đồng lại lãi 100 đồng như cây cau ở Hải Hậu quê mình hiện nay.
Vườn cau nhà ông Ất nhiều cây đã 60 – 70 năm tuổi do tay bố mẹ ông trồng, cây 40 – 50 tuổi do tay vợ chồng ông trồng, cây 10 – 20 tuổi do tay các con ông trồng. Cau trồng 2 năm, khi cao cỡ 1,5m là phải hạ thấp 1 lần bằng cách đào bầu, trồng lại, sâu hơn cũ 20 – 30cm để cho dóng ngắn, lớn chậm, có nhiều quả. Cau là giống trồng một lần “ăn” cả một đời, người sống đến 80, 90 tuổi mà cây vẫn cho thu hoạch.
Hơn 500 gốc cau của nhà bà đang thời kỳ cho quả, mỗi năm phải cho chúng “ăn” muối 2 lần, vào tháng 2 và tháng 9 âm lịch, lúc trời đã hết mùa mưa. Ngoài muối sẽ bón thêm chút phân lân. Tính ra hàng năm đầu tư chỉ 3 tạ muối, 3 tạ lân hết cỡ trên 2 triệu mà thu hoạch cả bạc triệu.
Về việc bón muối cho cau, ông Ất cho biết, giống cau vốn thích hợp với thổ nhưỡng vùng lấn biển đất hãy còn chất mặn. Hàng trăm năm trước, khi Hải Đường là đất mới thì trồng cau rất sai quả nhưng theo thời gian nó được ngọt hóa nên phải bón thêm muối, còn các xã gần biển như Hải Châu, Hải Hòa… thì không cần.
Đường làng ở Hải Đường. Ảnh: Dương Đình Tường
Hay như ông Nguyễn Văn Bình hơn 90 tuổi nhưng đã chứng kiến hai đợt cau đắt: “Đắt nhất là hơn 40 năm trước khi 1kg cau khô đổi được 1 chỉ vàng. Đắt nhì là 2 năm gần đây, khi 1kg cau khô bán đổi được xấp xỉ 1 phân vàng (1/10 chỉ)”, ông nói.
Cây trồng bất bại, quả khô xuất ngoại, quả tươi giá cao ngất ngưởng
Dù giá cau tươi đang neo cao ở mức 70.000- 100.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà vườn ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) không còn cau để bán. Cau tươi thu hái đến đâu được thương lái mua hết đến đó.
Thời điểm đầu vụ cau tươi được bán với giá 70.000 đồng/kg, thời gian sau đó giá tiếp tục tăng, đỉnh điểm có lúc giá cau lên đến 100.000 đồng/kg.
Cau tươi giữ giá ở mức 100.000 đồng/kg được khoảng nửa tháng thì bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, hiện giảm xuống còn 80.000 – 85.000 đồng/kg. Song, ở mức giá như thế này, người trồng cau vẫn có lãi.
Người dân xã Hải Đường cho hay, chưa bao giờ, giá cau tươi lại tăng giá đột ngột như năm nay, cao gấp nhiều lần so với cùng kì năm ngoái. Thời gian qua, thương lái đua nhau về các vườn để thu mua, đặt cọc tiền với các nhà vườn…
Được biết, cau Hải Đường bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 12 âm lịch. Trung bình, cứ 15 ngày thương lái đến thu hoạch 1 đợt, mỗi gia đình tại đây bán được từ 4 – 5 tạ quả cau tươi.
Ngoài việc sản xuất cau thương phẩm, nhiều hộ dân ở xã Hải Đường còn có kinh nghiệm ươm cau giống phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như hộ gia đình ông Đỗ Thanh Minh, ông Phạm Ngọc Thạch… cùng ở xóm 6 (xã Hải Đường) có khả năng cung ứng hàng chục vạn cây giống mỗi năm.
Riêng, gia đình nhà ông Phạm Văn Nhưỡng, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 3.000 cây cau giống với giá bán dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/cây cao khoảng 15cm. Năm nay, giá cây giống cũng tăng cao, từ 15.000 – 20.000 đồng/cây.
Ông Đỗ Thanh Minh – Xóm trưởng xóm 6 bên những cây cau giống. Ảnh: Dương Đình Tường
Đặc biệt, bên cạnh cau tươi đắt khách, vào chính vụ (tháng 9 đến tháng 12 âm lịch) cau sau khi thu hái được hấp làm chín để giữ nguyên dưỡng chất và loại bỏ ký sinh trùng rồi sấy khô, xuất bán.
Do áp dụng công nghệ hấp sấy hiện đại nên sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, giảm hao hụt, độc hại so với sấy thủ công nên được ưa chuộng, hiện cung tại chỗ không đủ cầu, đơn đặt hàng ngày càng nhiều.
Người dân Hải Đường phải đi mua gom cau ở các nơi khác về sơ chế. Hải Đường trở thành trung tâm sơ chế, xuất khẩu cau. Vụ cau năm 2020, 26 cơ sở thu mua chế biến cau sấy khô theo công nghệ lò hơi với công suất 20 tấn/mẻ của xã đã cung ứng ra thị trường 5.200 tấn cau khô, tương đương gần 30 nghìn tấn cau tươi.
Chỉ tính riêng mỗi lò sấy đã mang lại thu nhập từ một đến hàng chục tỷ đồng/năm. Nhiều hộ tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Điện (xóm 19); ông Hoàng Văn Tập (xóm 21); anh Phạm Tuấn Hiệp, Nguyễn Văn Long đều ở xóm 7… Xưởng sấy cau của gia đình ông Bùi Văn Thịnh (xóm 8B) là một trong những cơ sở sấy cau lớn và hoạt động lâu năm trong xã với 3 lò luộc, 200 ô sấy.
Cau sấy. Ảnh: Dương Đình Tường
Vào vụ thu hoạch, xưởng của gia đình ông sản xuất 70-80 tấn cau khô, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu trung bình của xưởng đạt từ 12-14 tỷ đồng/năm.
Ông Phạm Thế Doanh- Bí thư Đảng ủy xã Hải Đường cho biết, theo thống kê, năm 2020 toàn xã thu về trên 60 tỷ đồng từ cây cau. Hiện nay, toàn xã có hơn 20 lò sấy cau, sản lượng mỗi lò sấy đạt trên dưới 300 tấn cau mỗi năm.
Năm nay, thị trường cau khô thiếu hụt nên Trung Quốc thu mua nhiều, vì vậy giá cau khô tăng, cao gấp nhiều lần so với năm ngoái. Hiện cau khô đang được bán với giá khoảng 500.000 đồng/kg.
Cau sau khi sấy khô sẽ được lựa chọn, phân loại sau đó đóng bao để xuất sang Trung Quốc. Theo các chủ đại lý thu mua, phía Trung Quốc mua cau khô về để làm kẹo.
Nguồn: https://cafebiz.vn/nam-dinh-trong-loai-cay-moi-nam-an-vai-nam-muoi-tra-vai-phan-vang-20211016124827665.chn