Ngôi “làng số” ở Ninh Bình khiến thế giới phải học tập

Mới đây 1 ngôi làng thuần nông ở Yên Mô (Ninh Bình) được vinh danh trong chương trình Vinh Quang Việt Nam nhờ thành tựu trong chuyển đổi số, đồng thời cũng được Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc giới thiệu là mô hình điểm “Làng số – Digital village” để giới thiệu cho các nước trên thế giới tham khảo.

Làng số – ngôi làng cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiện lợi nhờ chuyển đổi số

Xã Yên Hòa, là 1 xã thuần nông đồng chiêm trũng nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Mô, có diện tích tự nhiên 6,2 km2 với tổng dân số 7.693 người (trong đó đồng bào công giáo chiếm 30%). Năm 2015, Yên Hòa được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Đoàn Trung Nam – Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, tháng 9/2020, xã Yên Hòa được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là một trong 12 địa phương trong toàn quốc triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã nhằm hướng tới xây dựng mô hình “xã thông minh”.

Đến nay, sau 2 năm triển khai chương trình thí điểm chuyển đổi số, xã Yên Hòa đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện 100% cán bộ, công chức của xã triển khai ứng dụng chữ ký số và được cấp tài khoản cá nhân để sử dụng trên hệ thống phần mềm quản lý; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình.

 làng chuyển đổi số

Thực hiện chuyển đổi số trong khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn xã. Ảnh: Đ.T.N

Ngoài ra, nhờ chuyển đổi số xã cũng tạo thêm nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân như: Hệ thống tin nhắn SMS do Viettel cung cấp, hệ thống thông báo qua nền tảng app “Công dân số”… đã giúp người dân tiếp nhận các thông tin đồng thời có thể gửi phản ánh, kiến nghị đến trang thông tin của cơ quan, đơn vị trên Zalo page với đa dạng thông tin tuyên truyền cũng như nắm bắt kịp thời các nội dung, tinh thần chỉ đạo của xã.

Cùng với đó, hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại 72 điểm, phủ 100% địa bàn xã. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã xử lý văn bản điện tử, chữ ký số và đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Từ đó, giúp cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Về trụ cột kinh tế số, nền tảng địa chỉ số, phần mềm Vpostcode được xây dựng và triển khai đến 100% hộ gia đình, các điểm thanh toán điện tử bằng cách quét mã QR-code bước đầu được triển khai. Xã đã thực hiện đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Kết quả sản lượng bán ra tăng 5 lần, thu nhập người dân tăng 3 lần so với trước đây.

Làng số – Thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, xã đã thực hiện đưa nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Có thể kể đến như các sản phẩm: Cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo… lên sàn thương mại điện tử; triển khai hệ thống thanh toán điện tử thông qua chuyển khoản tài khoản ngân hàng.

Ông Mai Quang Kìn – Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa là một trong những người dân cảm nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của cuộc sống làng quê từ ngày xã áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất.

Ông Kìn nói: “Việc áp dụng chuyển đổi số không chỉ giúp làng xã được đảm bảo an ninh trật tự, làng quê đổi mới mà còn gián tiếp góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Nhờ có chuyển đổi số, bà con nông dân được làm quen với hoạt động buôn bán thương mại, biết đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử gia tăng thu nhập cho bà con”, ông Kìn nói.

làng chuyển đổi số

Nhờ có chuyển đổi số mà những niêu cá chạch sụn của Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: N.T

6 tháng đầu năm 2022, Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa đã bán ra thị trường khoảng 300 niêu cá kho, 6 tấn cá chạch sụn đông lạnh. Trước đó, năm 2021 ước tính 90 tấn cá chạch sụn được tiêu thụ. Đồng thời, HTX đã kết nối cho các thành viên ký kết, bao tiêu sản phẩm với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Con nuôi mới đã thay đổi một vùng quê thuần nông, đời sống nông dân khấm khá.

Để hỗ trợ bà con tiếp cận mạnh hơn với thương mại điện tử, “làng số” cũng xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn xã qua nền tảng bản đồ số gắn liền với phát triển thương mại điện tử. Từ đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…

Những thành công bước đầu cùng những kinh nghiệm trong thí điểm chuyển đổi số là động lực để Yên Hòa tạo ra những đột phá trong cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách, đem lại những tiện ích cho người dân và cộng đồng.

làng chuyển đổi số

Giờ đây người dân ở xã Yên Hòa đã biết quét QR để tải phần mềm, hoặc thanh toán tiền. Ảnh: N.N

Việc thí điểm chuyển đổi số xã ở Yên Hòa là mô hình thí điểm thành công. Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc đã có bài viết về mô hình chuyển đổi số của xã Yên Hòa và coi đây là một trong các mô hình về “Làng số – Digital village” để các nước trên thế giới tham khảo.

Sáng kiến “Làng kỹ thuật số” của FAO nhằm mục tiêu thúc đẩy CĐS tại các khu vực nông thôn để chống lại đói, nghèo và bất bình đẳng. Bước đầu tiên, theo yêu cầu của Tổng Giám đốc FAO, Văn phòng FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã phát triển một khuôn khổ thí điểm cho các nước thành viên để xác định và hỗ trợ các làng kỹ thuật số hiện có và tiềm năng trong thúc đẩy và cải thiện sinh kế, nông nghiệp, dinh dưỡng, sức khỏe và hạnh phúc của người dân.

Đây là một trong những dấu ấn của chương trình thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở Yên Hòa, trở thành bài học kinh nghiệm quý để rút nghiệm, nhân rộng, lan tỏa ra các địa phương khác trong tỉnh và trong toàn quốc và nước ngoài.

Theo: danviet.vn

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *