Nhặt được tiền trên đường, người đàn ông đã trả lại ngay sau đó nhưng thứ anh nhận về không phải là lời cảm ơn, mà là giấy triệu tập của tòa án.
Nhặt được của rơi, trả lại cho người làm mất là một hành động rất đáng được biểu dương, nhân rộng. Thế nhưng không ít những việc làm ơn lại khiến người tốt bỗng dưng mắc oán. Trường hợp của anh nông dân dưới đây có thể xem là một ví dụ.
Làm việc tốt bỗng dưng “mang nợ”
Sự việc xảy ra ở thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Người nhặt được tiền là anh nông dân họ Hoàng. Theo lời kể, khi anh Hoàng đang đạp xe ra đồng làm việc, đoạn đi qua ngã 4 thì phát hiện rất nhiều tờ tiền mệnh giá 50 NDT (khoảng 165.000 đồng) nằm rải rác trên mặt đường.
Ban đầu, người đàn ông này nghĩ đó là tiền giả, nhưng sau khi cầm lên xem kỹ, anh xác nhận tất cả đều là tiền thật nên đã nhặt hết lên rồi cất vào túi. Vì không biết số tiền nhặt được của ai nên anh Hoàng tiếp tục đi làm rồi mang số tiền về nhà, tính hôm sau sẽ mang đến công an trình báo sự việc.
Tuy nhiên ngay sau đó, chủ sở hữu số tiền bị rơi đã tìm đến nhà anh Hoàng để nhận lại số tiền. Lúc này, anh Hoàng trả lại toàn bộ số tiền nhặt được là 5.350 NDT (hơn 17 triệu đồng) cho người làm mất. Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ kết thúc ở đó, thế nhưng tất cả chỉ mới là khởi đầu cho chuỗi ngày kiện tụng ở tòa sau này.
Theo Toutiao, vài ngày sau khi anh Hoàng trả lại của rơi cho người bị mất, người kia lại tìm đến yêu cầu anh trả thêm 14.650 NDT (hơn 48 triệu đồng) vì số tiền anh ta bị mất là 20.000 NDT (hơn 66 triệu đồng), chứ không phải chỉ 5.350 NDT được trả trước đó. Ngạc nhiên vì bị đòi số tiền “trên trời rơi xuống”, anh Hoàng khăng khăng bản thân chỉ nhặt được đúng số tiền đã trả. Đối phương không tin lời của anh Hoàng nên sau đó đã kiện anh ra tòa và yêu cầu nộp nốt 14.650 NDT còn lại.
Ngay sau đó, giấy triệu tập của tòa án được gửi tới nhà anh Hoàng. Theo thông tin tòa án nhân dân thành phố Tất Tiết cung cấp, tại tòa, chủ nhân số tiền cho biết hôm xảy ra vụ việc đánh rơi tiền, anh ta đã rút 40.000 NDT (hơn 132 triệu đồng) tiền mặt mệnh giá 50 NDT (khoảng 165 nghìn đồng) từ ngân hàng. Anh ta gói tiền thành 8 xấp, mỗi xấp 100 tờ. Rút tiền xong, anh bắt xe về nhà.
“Do trên xe đông người nên khi nhảy ra khỏi xe để nhường chỗ cho người khác xuống, tôi đã sơ ý làm rơi 4 xấp tiền. Lúc đó tôi không để ý, khi xe vừa rời đi, tôi bất giác nhìn xung quanh thì thấy anh Hoàng nhặt tiền và rời khỏi đó ”, chủ nhân số tiền kể lại.
Để chứng minh bản thân thực sự mất 20.000 NDT và anh Hoàng là người nhặt chúng, người đàn ông này còn gọi thêm ba người bạn đi cùng hôm đó ra làm chứng cho mình.
Sau khi xem xét các bằng chứng, tòa sơ thẩm cho rằng theo quy định của pháp luật Trung Quốc, chủ sở hữu có quyền lấy lại tài sản bị mất. Người tìm thấy tài sản bị mất phải trả lại cho người bị mất hoặc giao nộp cho cán bộ liên quan.
Một mặt, có nhiều nhân chứng chứng minh rằng người khởi kiện đã làm mất 20.000 NDT và anh Hoàng là người nhặt được. Mặt khác, anh Hoàng lại không có chứng cứ để phủ nhận hành vi đã nhặt 20.000 NDT nên tòa án phán quyết anh phải trả lại nốt 14.650 NDT còn lại cho chủ sở hữu trong một thời hạn nhất định.
Sau bản án sơ thẩm, anh Hoàng không chấp nhận và làm đơn kháng cáo. Trong đơn, anh Hoàng chỉ ra 3 điểm bất thường:
Đầu tiên, 3 nhân chứng được người mất tiền mời đến đều là bạn bè thân thiết của anh ta. Thứ hai, không phải trí nhớ của ai cũng giống nhau, vậy mà tất cả lời khai của nhân chứng tại đồn cảnh sát đều trùng khớp một cách vô lý, chẳng khác gì đã thông đồng với nhau từ trước. Và cuối cùng, ngay cả khi chủ sở hữu bị mất 20.000 NDT thì cũng không loại trừ khả năng người khác đã tìm thấy số tiền còn lại rồi lấy đi. Còn nếu đúng người làm rơi tiền mất 20.000 NDT thì lẽ ra phải lên tiếng ngay từ lần đầu tìm đến nhà anh Hoàng chứ không phải đợi mấy ngày sau mới đâm đơn kiện.
Quyết định của tòa án
Sau khi lật lại vụ án, tòa sơ thẩm đã xem xét kỹ lưỡng biên bản thẩm vấn các nhân chứng được mời đến. Họ nhận ra từ lời khai đến dấu chấm câu đều y hệt nhau nên cho rằng các nhân chứng ghi lại lời khai vào ngày thứ 9 kể từ khi sự việc xảy ra, đã qua một thời gian khá lâu thì ký ức của họ không thể trùng khớp với nhau như vậy.
Lúc này, các nhân chứng lại bối rối cho biết không biết anh Hoàng nhặt được bao nhiêu tiền. Tòa cho rằng lời khai của người làm chứng không phù hợp với thực tế khách quan nên không thể làm căn cứ để tuyên án. Nói cách khác, chủ sở hữu không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng số tiền bị mất là 20.000 NDT, không thể chứng minh tất cả số tiền bị mất là do anh Hoàng nhặt được, và cũng không biết thật sự số tiền anh Hoàng nhặt được là bao nhiêu.
Vì vậy, tòa án cho rằng bản án sơ thẩm xác định sai tình tiết, dẫn đến kết quả xét xử sai. Do đó, tòa đã ra phán quyết hủy bản án sơ thẩm, bác bỏ yêu cầu khởi kiện của người làm mất tiền vì không đủ bằng chứng.
Suy cho cùng, trong vụ việc này không thể biết được cả 2 bên có thật sự thành thật hay không. Thế nhưng khi làm việc tốt nhặt được của rơi trả cho người đánh mất lại bị kiện ngược lại thì cũng khó để người khác tiếp tục hành động đúng đắn, tử tế. Sau vụ việc này, trước việc bất bình, có chăng nhiều người sẽ tỏ ra thờ ơ, mặc kệ vì sợ “làm ơn mắc oán”, chẳng muốn dây dưa đến những chuyện không liên quan đến mình.
(Theo Toutiao)