Người “truyền lửa” đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh

“Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm” là nhận xét của đồng nghiệp và học sinh về cô giáo Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định). Được giao giảng dạy môn Sinh học, Công nghệ; bồi dưỡng học sinh giỏi môn Khoa học kỹ thuật (KHKT) bằng tiếng Anh; Chủ nhiệm câu lạc bộ Tình nguyện Ngọn lửa xanh của trường; Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học… ở lĩnh vực nào, cô cũng làm việc hết mình với lòng đam mê, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Cô giáo Trần Thị Lan Dung và học sinh trong một giờ học.

Với mong muốn đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Dung đã tích cực tìm hiểu tài liệu, học hỏi từ đồng nghiệp, nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng tính lôi cuốn, hiệu quả cho mỗi bài giảng trên lớp. Cô theo dõi sát thông tin trên các phương tiện đại chúng nhằm đưa được những vấn đề mới nhất vào bài giảng. Khai thác tối đa tính năng, hiệu quả của các dụng cụ, thiết bị trong dạy học; tự học nâng cao trình độ tin học, công nghệ thông tin để áp dụng vào công tác giảng dạy. Nhờ đó, phương pháp giảng dạy của cô Dung luôn có nhiều đổi mới, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn học sinh trong từng bài giảng. Với kiến thức chuyên môn vững vàng, cô được đánh giá là giáo viên giỏi cốt cán của trường và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô chia sẻ: “Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phát động, bản thân tôi luôn ý thức chủ động tích cực tham gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả cao và có ảnh hưởng tích cực, lan tỏa trong tổ chuyên môn cũng như trong nhà trường. Để đổi mới trong dạy học, điều đầu tiên là tôi thực hiện đổi mới tư duy, nhận thức, từ đó đổi mới trong kế hoạch, phương pháp làm việc, và cách tiếp cận vấn đề… Có như thế mới đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của khoa học công nghệ và mục tiêu của giáo dục hiện đại”.

Không chỉ giỏi trong giảng dạy, cô Dung còn có niềm đam mê rất lớn với nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào việc giáo dục trong nhà trường đạt kết quả, được đồng nghiệp học tập và đánh giá cao như: Sáng kiến kinh nghiệm “Rèn kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh THPT” được Sở GD và ĐT xếp loại Xuất sắc; sáng kiến “Xây dựng văn hóa nhà trường THPT theo hướng tổ chức biết học hỏi đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” được Sở GD và ĐT công nhận là sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong ngành giáo dục tỉnh…

Đặc biệt, cô đã giúp đỡ, hướng dẫn cặn kẽ để học sinh có những phương pháp và tự tin hơn với việc nghiên cứu, sáng tạo KHKT với những đề tài có giá trị ứng dụng cao trong đời sống và đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Từ năm học 2018-2019 đến nay, cô đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu nhiều đề tài, dự án khoa học cho đạt giải cao như: Đề tài “Chế tạo màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện với môi trường thay thế túi nilon từ vật liệu 3D – Nano – Cellulose – Berberin” đạt giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, giải Nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm học 2018-2019, lĩnh vực Hóa – Sinh, đồng thời đạt giải Nhất hội thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Nam Định lần thứ VI”, lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường; Đề tài “Chế tạo vật liệu thông minh nano biocellulose – chitosan – cốt nghệ tươi – nano bạc từ nguyên liệu thân thiện với môi trường dùng làm màng bọc và bảo quản thực phẩm thay thế túi nilon” đạt giải Nhất lĩnh vực Hóa – Sinh, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông tỉnh Nam Định; đạt giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh phổ thông.

Kết quả nghiên cứu của dự án là một giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm trắng, ô nhiễm các làng nghề và an toàn vệ sinh thực phẩm đang rất cấp bách; đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu an toàn với môi trường và sinh vật – xu thế tất yếu của nhân loại; Đề tài “Chế tạo vật liệu thông minh nano biocellulose – chitosan – cốt nghệ tươi – nano bạc thay thế túi nilon và ứng dụng trong y tế” đạt giải Nhất lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường, cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Nam Định năm 2020”, đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia năm 2021; Đề tài “Chế tạo bột huỳnh quang không đất hiếm phát xạ đỏ, đỏ xa ứng dụng chế tạo LED góp phần nâng cao phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững” đạt giải Nhất cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” tỉnh và tham gia vòng chung kết quốc gia, đồng thời đạt giải Ba cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Nam Định năm 2021”… Các đề tài nghiên cứu đều gắn với việc đổi mới đào tạo hoặc đón đầu các vấn đề đổi mới giáo dục ở trường phổ thông, các vấn đề toàn cầu như sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhân quyền. Đặc biệt là tham gia thúc đẩy nghiên cứu, tạo sản phẩm góp phần “xanh hóa” nền y tế.

Bên cạnh việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, cô còn tiên phong thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh trong thời gian học tập tại nhà trường, làm “cầu nối” giữa nhà trường, học sinh với các Viện Nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ học sinh hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, kết quả nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp.

Năm học 2019-2020, cô đã hướng dẫn học sinh thực hiện dự án tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đạt giải Nhì quốc gia với dự án “Chế tạo, sản xuất màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện với môi trường từ vật liệu 3D-Nano-Cellulose và Berberine”; hướng dẫn học sinh thực hiện dự án tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đạt giải Nhất cấp tỉnh với dự án “Vật liệu thông minh góp phần xanh hóa nền y tế toàn cầu và đã được chọn tham gia vòng chung kết quốc gia…

Những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác giảng dạy cộng với tinh thần làm việc khoa học, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, cô Trần Thị Lan Dung đã được Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định, Sở Khoa học Công nghệ, Sở GD và ĐT ghi nhận và tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Chứng nhận, Bằng lao động sáng tạo.

Cô đã đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thực sự trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương./.

Nguồn: http://baonamdinh.vn/xa-hoi/202212/nguoi-truyen-lua-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-cho-hoc-sinh-4684b9e/

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *