Nam Định có nguồn gốc tên gọi từ năm 1822, khi triều Nguyễn đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định, chữ Nam có từ thời Lê nghĩa là phía Nam, chữ Định nghĩa là bình định là chữ nhà Nguyễn đặt cho nhiều vùng đất. Năm 1832 đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định.
Thông qua bản đồ Việt Nam ta được biết Nam Định là một tỉnh nằm ở phía nam châu thổ sông Hồng, giáp biển Đông. Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa là tỉnh thành phố Nam Định, cách thủ đô Hà Nội 90km. Nơi đây có bờ biển dài 72km, nối tiếp hai cửa biển và hai dòng sông lớn là sông Hồng và sông Đáy. Vì vậy, Nam Định có tầm quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch.
Những bức ảnh về Nam Định được nhắc đến dưới đây là của Charles Edouard Hocquard (1853 – 1911). Ông là bác sĩ Quân y đi cùng đội quân viễn chinh Pháp sang Đông Dương khoảng những năm 1884. Ông cũng là một nhà nhiếp ảnh, chụp rất nhiều ảnh về An Nam xưa.
Đôi nét về tác giả
Charles Édouard Hocquard đã tình nguyện tham gia lực lượng viễn chinh Pháp sang Bắc Kỳ vào năm 1883; với tư cách y sĩ cứu thương bậc 2. Ông tham gia nhiều chuyến khám phá Đông Dương từ biên giới Trung Quốc đến vùng châu thổ sông Sài Gòn.
Bên cạnh nhiệm vụ chính thức là một y sĩ, ông còn làm nhiệm vụ một nhiếp ảnh gia. Ông chụp rất nhiều ảnh xã hội Việt Nam đương thời: nông dân, thợ thủ công, các học giả. Ông đi nhiều nơi, ghi nhận nhiều hình ảnh tư liệu quý giá. Khi trở về Pháp, ông cho trưng bày các tác phẩm của mình (117 bức ảnh) tại Hội chợ triển lãm Antwerp năm 1885 và nó đã giành được huy chương vàng.
Cuốn sách Một Chiến Dịch Ở Bắc Kỳ của ông do NXB Văn Học in ấn vào năm 2020. Nó đã khắc họa lại qua những câu chuyện lý thú với hàng trăm bức ảnh đặc sắc. Cuốn sách đưa chúng ta theo hành trình rong ruổi trên khắp các nẻo đường Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế của Hocquard.
Những bức ảnh về Nam Định trong cuốn sách không chỉ là áng văn du ký hấp dẫn mà còn là nguồn tư liệu quý giá về xã hội Bắc Kỳ và Trung Kỳ cuối thế kỷ XIX với toàn cảnh địa dư, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lối sống, nghề nghiệp, nếp sinh hoạt cùng những đền chùa, thành quách hay những di sản mà nay đã trở thành quá khứ.
Ảnh của Bác sĩ Charles Hocquard chụp Nam Định năm 1884
Biểu tượng của người dân Nam Định
Ngoài những bức ảnh quý hiếm ở trên, Nam Định còn được biết đến là cái lôi của ngành dệt may. Nhà máy Dệt may cũng từng là nhà máy lớn nhất của Đông Dương lúc bấy giờ. Sự ra đời của nhà máy đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân hình thành và lớn mạnh không ngừng.
Ông Louis Léon Anthyme Dupré (1860 – 1940), người lập nhà máy dệt Nam Định. Ông đã đến Đông Dương vào năm 1890, làm việc 7 năm tại Ngân hàng Đông Dương, đầu tiên tại Hà Nội và sau đó là Hải Phòng.
Năm 1900, ông sáng lập Công ty Cotton Tonkin (Sợi bông Bắc Kỳ) lúc 35 tuổi, tiền thân của Nhà máy Dệt Nam Định sau này. Vốn của công ty là 5.000.000 franc mà được thêm 2 triệu trái phiếu.
Ông chọn Nam Định để đặt nhà máy dệt sau nhiều cân nhắc kỹ lưỡng: Dân số rất lớn, lao động dồi dào và ít việc, nguyên liệu rẻ tiền của địa phương, truyền thống dệt trước đây, cơ sở hạ tầng phát triển toàn diện (đường xá, sắt, giao thông sông ..) mà còn gần với các mỏ than của Cẩm Phả.
Trên thực tế, nồi hơi và sản xuất điện năng đòi hỏi phải có gần 40 tấn than mỗi ngày (những năm 1930). Nhà máy Nam Định có nhà máy luyện kim riêng, bến tàu trên kênh, đội tàu thuyền và sà lan.
Hình ảnh Nhà máy Dệt Nam Định được xem là một biểu tượng của người dân nơi đây. Hơn 1 thế kỷ tồn tại trong lòng thành phố Nam Định, Nhà máy Dệt đã không chỉ đơn thuần là một cái tên, một nhà máy sản xuất mà còn là ký ức yêu thương trong lòng người dân Nam Định.
Cùng với Nhà máy dệt Nam Định, hình ảnh của tháp Phổ Minh (nằm trong khu di tích đền Trần – Chùa tháp) – đều là hai địa danh của tỉnh Nam Định được in trên đồng tiền mệnh giá 100 đồng và 2000 đồng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Đây là những ký ức yêu thương và là niềm tự hào trong lòng người dân Nam Định.
Thông qua những bức ảnh về Nam Định trên ngày nay, Nam Định được biết đến là một tỉnh giàu tiềm năng về du lịch. Bởi những di tích lịch sử đồng thời cũng là danh lam thắng cảnh. Đến Nam Định các bạn nên tham quan khu di tích đời Trần, tháp Phổ Minh, chùa Cổ Lễ, di tích Phủ Giày. Ngoài ra, còn có khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Giao Thủy với nhiều loài chim quý hiếm. Hoặc hòa mình với biển tại bãi tắm Thịnh Long đầy hoang sơ và thú vị.
Nam Định còn được biết đến là nơi có nhiều nhà thờ; và số đông giáo dân sinh sống nhất cả nước. Với hàng trăm nhà thờ, giáo họ nổi tiếng với kiến trúc Gothic cổ kính đẹp lung linh với nhiều đường nét, hoa văn, màu sắc,…
Tổng hợp: Nguyễn Quốc Tuấn – Ảnh theo tintucnamdinh.vn