Nông thôn mới Nam Định, hộ khá, giàu tăng thêm, nông dân muốn làng, xóm xanh, sạch, đẹp hơn

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Nam Định đã tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang.

Xây dựng môi trường nông thôn Nam Định sáng, xanh, sạch, đẹp

Xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nổi bật với những con đường làng xanh mát, những hàng cau thẳng tắp. Trong các khu vườn và trước sân nhà, cây đinh lăng, cây cảnh, cây ăn quả được trồng theo hàng lối đẹp mắt. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, phong quang.

Ông Hoàng Thanh Tuân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Hưng phấn khởi cho biết: Có được kết quả trên là do thời gian qua, Hội Nông dân xã đã phát động cán bộ, hội viên nông dân chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bằng những việc làm cụ thể.

Nông dân Nam Định xây dựng môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp - Ảnh 1.

Năm 2021, Hội Nông dân xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã phối hợp Đồn Biên phòng Ngọc Lâm trồng mới 120 chậu hoa giấy trên đoạn đường xóm Ân Tín trị giá hơn 60 triệu đồng. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm thăm mô hình tuyến đường hoa nông thôn mới kiểu mẫu của Hội Nông dân xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: Thu Hà

Trong đó, Hội Nông dân xã tham mưu với Đảng ủy, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các chi hội thôn, xóm xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình bằng phương pháp sử dụng thùng ủ, đào hố và các biện pháp khác. Đến nay, toàn xã đã có 1.582 hộ tham gia thực hiện, chiếm 82,3% số hộ của cả xã.

Ông Vũ Đình Yên – Trưởng thôn Lập Vũ, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản cho biết: Mô hình rất thiết thực với bà con nông dân. Trước đây mọi rác thải sinh hoạt, các gia đình thường đổ vào túi, bao tải để xóm thu gom chở đi xử lý. Từ khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, các hộ dân đã có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, thực hiện đúng theo kỹ thuật ủ rác hữu cơ.

Qua đó tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tơi xốp dùng để bón cho cây cảnh, các loại rau trong vườn nhà, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón. Cũng nhờ phân loại, xử lý rác thải ngay tại hộ mà lượng rác phải chở đi xử lý của xóm đã giảm đi đáng kể.

Tại huyện Nghĩa Hưng, bà Lê Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Thực hiện tiêu chí môi trường, các cấp Hội Nông dân trong huyện Nghĩa Hưng cũng đã vận động hội viên thu gom, phân loại, xử lý rác thải mềm tại hộ gia đình; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng; vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống thoát nước; đảm nhận trồng, bảo vệ, chăm sóc tuyến đường hoa, hàng cây do Hội Nông dân tự quản.

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn phát động cán bộ, hội viên hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Nông dân Nam Định xây dựng môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp - Ảnh 2.

Nông dân xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tích cực tham gia mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”

100% cơ sở Hội có mô hình về bảo vệ môi trường

Đặc biệt, để đảm bảo môi trường trong phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong huyện Nghĩa Hưng luôn chú trọng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, ban nông nghiệp xã tổ chức 65 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa, cây trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 9.500 lượt  hội viên.

Nông dân Nam Định xây dựng môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp - Ảnh 3.

Mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao của nông dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Ngọc Ánh

Nhiều xã, thị trấn đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho các hộ nông dân có nhu cầu mở rộng diện tích trang trại, đồng thời thuận tiện cho quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các gia trại, trang trại chăn nuôi thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua việc xử lý chất thải bằng hầm biogas và phun các hóa chất khử trùng thường xuyên.

“Nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, an toàn, được thị trường tin tưởng lựa chọn như hộ anh Trần Văn Khá, thị trấn Quỹ Nhất với mô hình trồng cà chua, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột baby Hà Lan theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà kính với hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của Israel” – bà Hà thông tin thêm.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết: Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, qua đó góp phần gìn giữ, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chú trọng thực hiện tiêu chí cảnh quan – môi trường bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực.

Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tổ chức 17 lớp tuyên truyền về vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 cho 2.100 cán bộ, hội viên, nông dân tại 10 huyện, thành phố.

Hội Nông dân các cơ sở đã phát động hội viên nông dân tích cực vệ sinh môi trường tại các tuyến đường tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình hình “thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, mô hình “Vườn kiểu mẫu”.

{keywords}
Nông thôn Nam Định có nhiều đổi mới

Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 80% số xã, thị trấn thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình ở 1.455 chi hội. 100% cơ sở Hội Nông dân có mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những hoạt động thiết thực của Hội Nông dân đã góp phần vào thành quả chung về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định. Năm 2022, tỉnh Nam Định đã công nhận 76 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, luỹ kế đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 182/204 (đạt 89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nguồn: https://danviet.vn/nong-thon-moi-nam-dinh-ho-kha-giau-tang-them-nong-dan-muon-lang-xom-xanh-sach-dep-hon-20221122164845425.htm

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *