Cơ quan chức năng tại Thái Bình yêu cầu người dân khẩn trương tự tháo dỡ, thậm chí yêu cầu chính quyền cưỡng chế tháo dỡ cầu dân sinh xây dựng không phép. Trong khi đó, người vi phạm lại liên tục kêu cứu bởi cho rằng cây cầu tạm là lối đi duy nhất dẫn vào nhà mình.
Dân tự ý xây cầu tạm, đấu nối trái phép vào đường tỉnh
Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (viết tắt là BQLDA ĐTXDCCTGT) tỉnh làm chủ đầu tư.
Trong quá trình kiểm tra hiện trạng trên toàn tuyến thuộc dự án, chủ đầu tư đã phát hiện hộ gia đình ông Lê Bá Nhiệm (45 tuổi, trú xã Song Lãng, huyện Vũ Thư) tự ý tháo dỡ hạng mục mái ta-luy nền đường và xây mố cầu để đấu nối trái phép vào đường tỉnh ĐT.454 (đường tỉnh ĐT.223 cũ), do đó đã lập biên bản hiện trường, yêu cầu dừng thi công và tháo dỡ trả lại hiện trạng.
Trong tháng 1, tháng 2.2022, BQLDA ĐTXDCCTGT tỉnh Thái Bình đã có 2 văn bản về việc thực hiện tháo dỡ hạng mục cầu dân sinh xây dựng trái phép trong phạm vi dự án, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Để đảm bảo quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, ngày 29.3 vừa qua, BQLDA ĐTXDCCTGT tỉnh Thái Bình có văn bản đề nghị UBND huyện Vũ Thư chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND xã Song Lãng bố trí lực lượng phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công đoạn tuyến là Công ty TNHH Nam Thái kiểm tra, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, hoàn trả lại hành lang an toàn giao thông cho dự án trước ngày 30.4.
Cùng ngày, Thường trực Huyện ủy Vũ Thư cũng có văn bản yêu cầu UBND huyện tổ chức thực hiện nội dung theo yêu cầu của BQLDA ĐTXDCCTGT tỉnh Thái Bình, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 3.5.
Chưa được cấp phép, vẫn cố tình xây cầu tạm kiên cố
Chiều ngày 19.4, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Đặng Hồng Kỳ – Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư – cho biết: “Ngày mai, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức họp về vấn đề này. Phương án là phải cưỡng chế tháo dỡ. Bởi vì Sở Giao thông Vận tải không đồng ý cho đấu nối. Anh tự ý đấu nối sai thì phải xử lý; còn việc lối đi như thế nào thì ngay khi mua bán đất, họ phải đàm phán, thương lượng với nhau. Hai việc khác nhau, không thể đổ tại vì không có lối đi mà vi phạm pháp luật được”.
Theo tìm hiểu, tháng 8.2021, sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Lê Bá Nhiệm về việc xin được xây cầu tạm qua kênh 223 Bắc tại thôn Trung (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư), UBND xã Song Lãng có tờ trình gửi Sở NNPTNT Thái Bình về việc xây dựng cầu tạm.
Tiếp đó, Sở NNPTNT Thái Bình đã có văn bản trả lời, nội dung nhất trí với đề nghị xây cầu tạm của UBND xã Song Lãng. Tuy nhiên, trước khi xây dựng, UBND xã Song Lãng phải hướng dẫn người dân hoàn tất các thủ tục gửi cơ quan chức năng xin chấp thuận được phép đấu nối vào đường tỉnh ĐT.454 (đường tỉnh ĐT.223 cũ) và một số nội dung khác có liên quan.
Vậy nhưng trước đó, ngay từ tháng 1.2021, Sở Giao thông Vận tải Thái Bình đã có văn bản số 32/SGTVT-QLKCHT về việc trả lời đơn đề nghị của ông Lê Bá Nhiệm với nội dung “không nhất trí việc xây dựng cầu dân sinh qua kênh 223 Bắc đấu nối tạm thời vào đường tỉnh ĐT.454 (đường tỉnh ĐT.223)”.
“Ngay từ đầu, Sở Giao thông Vận tải đã không chấp thuận cho phép đấu nối nhưng người dân vẫn cố tình vi phạm, xây cầu tạm để nhằm đấu nối vào đường tỉnh ĐT.454 nên chúng tôi buộc phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Bởi nếu không sẽ không thể nghiệm thu, bàn giao dự án được. Mặt khác, nếu để dân tự ý đấu nối như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu, phá vỡ quy hoạch, kết cấu hạ tầng giao thông, tăng nguy cơ tai nạn giao thông” – đại diện BQLDA ĐTXDCCTGT tỉnh Thái Bình, thông tin.
Nguồn: laodong.vn