Ông Phạm Xuân Thủy (thôn 6, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) với hơn 10 năm trồng đào phai bán Tết. Nhờ bí quyết chăm sóc, tuốt lá đào đúng thời điểm mà năm nào gia đình ông Thủy cũng có những cành, cây đào phai nở đúng dịp Tết, bán đắt tiền đem lại thu nhập cho gia đình từ 200-250 triệu đồng.
Kỹ thuật chăm sóc cây đào phai
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm vườn đào phai với diện tích rộng 6.000 m2, ở đó có hơn 2.000 gốc đào từ 3-5 năm đang được các thành viên trong gia đình thực hiện các bước chăm sóc đào cuối cùng để chuẩn bị cho ngày xuất bán vào dịp Tết.
Ông Phạm Xuân Thủy (thôn 6, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) chia sẻ cách chăm sóc cây đào phai nở hoa đúng dịp Tết
Ông Phạm Xuân Thủy (61 tuổi, thôn 6, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) chia sẻ: “Để có những cây đào phai đẹp, trước tiên phải lựa chọn giống cây ở những nhà vườn có uy tín, hoặc tự nhà mình ươm được. Cây đào thường trồng vào đầu năm là tốt nhất. Do cây trồng còn nhỏ, hay bị đổ nên bên cạnh mỗi gốc đào thì bà con nên cắm một cái que để giữ cây cho thẳng”.
“Đối với kỹ thuật chăm sóc cây đào phai, 1 năm bón phân cho cây đào 2 đợt, vào những tháng đầu năm và tháng 7-8 trong năm. Ngoài ra, còn tưới nước, làm cỏ, vun gốc…để cây đào phát triển tốt nhất. Riêng các cây đào từ 3 năm trở đi có thể xuất bán được, thời điểm thích hợp nhất để tuốt lá là trước Tết khoảng trên dưới 45 ngày”, ông Thủy mách.
Đối với người trồng đào xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp), 1 năm chỉ trông chờ vào duy nhất một vụ Tết. Thành bại phụ thuộc vào việc có điều chỉnh được cây đào ra hoa đẹp nhất khi Tết đến hay không.
Vì thế, bà con nơi đây phải cực kỳ thận trọng, tỉ mỉ, căn ke từng ngày, từng giờ mỗi biến chuyển về nhiệt độ, độ ẩm để quyết định biện pháp xử lý cây đào phai nở hoa cho phù hợp.
Để cây đào phai nở hoa đúng dịp Tết
Tuốt lá là một trong những công đoạn quan trọng nhất, nó quyết định đến việc cây đào phai nở hoa đúng dịp Tết, bán mới đắt tiền. Chính vì thế những ngày này người dân làng nghề trồng đào phai (thôn 6, xã Đông Sơn) quên ăn, quên ngủ, dành cả ngày để tuốt lá đào.
Ông Đỗ Quốc Hùng (thôn 6, xã Đông Sơn) cho biết: “Gia đình có 500 gốc đào phai hơn 3 năm, việc tuốt lá đào gia đình đã thực hiện hơn 1 tuần nay, bình quân mỗi người tuốt khoảng 10 cây đào/ngày. Với thời tiết đang ủng hộ thế này hi vọng năm nay sẽ mang lại mùa đào bội thu”.
Cũng theo ông Hùng, trong vườn đào của gia đình vẫn có một số cây hiện đã đơm nụ lớn và thậm trí nở hoa nhưng đó chỉ là số ít. Bên cạnh đó, nhiều nhà tuốt lá đào sớm, cây bị bật lộc tới đây phải mất công tuốt lá lại một lần nữa.
Khi gần đến ngày Tết thấy cây đào nở hoa chậm có xử lý như: Phủ nilon, thắp điện, siết hoặc tăng nước, sử dụng các loại phân bón phù hợp…để có đào đẹp bán vào dịp Tết.
Qua tìm hiểu nhiều hộ dân tại “thủ phủ” trồng đào phai Đông Sơn, thời điểm đầu tháng 12 âm lịch, khi cây có hoa, có nụ, thị trường đào mới trở nên sôi động. Tuy nhiên, với diễn biến thất thường của thời tiết năm nay, họ vừa tất bật chăm sóc đào vừa thấp thỏm trông chờ “ông trời”.
Xã Đông Sơn có truyền thống trồng đào phai từ 30-40 năm trước. Không giống đào ở các vùng khác, đào phai trồng tại đây có vẻ đẹp rất tự nhiên, cành lá thanh thoát, nhiều lộc, cánh hoa to, dày, màu phớt hồng nên được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa thích, lựa chọn để chơi Tết.
Hiện nay, toàn xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) có 10 làng nghề trồng đào phai với hơn 1.600 hộ trồng đào, tổng diện tích hơn 150 ha. Ngoài hoa đào chơi Tết, hiện nay, người dân nơi đây còn phát triển thêm sản phẩm rượu ngâm quả đào, đã được cấp chứng nhận Ocop.
Theo: danviet.vn