Xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Nam Định, đường làng sạch tinh tươm, hàng cau đẹp như phim

Bộ mặt xã Giao Phong – xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định đang giàu đẹp hẳn lên. Đường làng, ngõ xóm sạch tinh tươm, hàng cau trồng ven đường nông thôn mới đẹp như mơ, nhiều người thích chụp ảnh, quay phim…

Từ xã nghèo trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Nam Định

Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Giao Phong đã thực sự trở thành miền quê đáng sống…

Mặc dù điểm xuất phát thấp, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của lãnh đạo các cấp; sự đồng lòng của người dân, nên xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã nhanh chóng bứt phá, lột xác và chuyển mình mạnh mẽ. Từ một xã nghèo ven biển, Giao Phong trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định.

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong chia sẻ, năm 2011, địa phương bắt đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM. Thời điểm đó, địa phương mới chỉ có 7 tiêu chí đạt, các tiêu chí còn lại vẫn dở dang.

Năm 2022, xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Ảnh: Mai Chiến.

Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, xã Giao Phong từng bước tháo gỡ những khó khăn, hoàn thiện dần các tiêu chí chưa đạt.

Nhờ vậy, chỉ sau 4 năm tham gia Chương trình MTQG về xây dựng NTM, xã Giao Phong đã cán đích NTM trong niềm vui phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể bà con nhân dân địa phương.

Xác định rõ, thống nhất, quán triệt quan điểm “xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, chặng đường dài, chỉ có điểm khởi đầu mà không có đểm kết thúc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao Phong tiếp tục tập trung, nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

“Có được những kết quả nêu trên, địa phương đã xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp và đưa ra các giải pháp cụ thể; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân…”, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong bộc bạch

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Mai Chiến.

Chủ tịch UBND xã Giao Phong bộc bạch: Năm 2018, địa phương tiếp tục được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Giao Thủy tin tưởng, lựa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2018 – 2020.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng này, lãnh đạo địa phương đã ngồi lại với nhau để định hướng đường đi, ban hành Nghị quyết chuyên đề, kế hoạch xây dựng…

“Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài, nhằm huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia. Do đó, địa phương đã lựa chọn được những giải pháp mang lại hiệu quả cao, phù hợp với đặc điểm của địa phương và đã đạt được những kết quả đáng mừng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2018 – 2020”, ông Sơn nói.

Theo đó, đến hết năm 2020, tỉ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt gần 100%. Thu nhập bình quân đạt 54,6 triệu đồng/người/năm; toàn xã có 95,04% số hộ dân được sử dụng nước sạch.

Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội là 0%. Trường học các cấp đều đạt chuẩn quốc gia; 99,7% số hộ dân hài lòng đối với kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao…

Ông Sơn nhấn mạnh, sau khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, để tiếp tục duy trì, từng bước nâng cao các tiêu chí để hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 và phân công cán bộ, công chức các ngành phụ trách các tiêu chí trực tiếp làm hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022.

“Phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, địa phương tiếp tục dốc sức triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2022, xã Giao Phong vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định”, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong vui mừng cho biết.

Xã Giao Phong xác định mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu

Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) thông tin, trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương đã lựa chọn tiêu chí nổi trội về lĩnh vực Giáo dục.

“Đối với lĩnh vực giáo dục, địa phương luôn xác định mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục xã Giao Phong luôn được các cấp công nhận là lá cờ đầu của ngành giáo dục của tỉnh, của huyện”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, năm 2019, trường Mần non Giao Phong được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương lao động hạng III; UBND tỉnh Nam Định tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2015 – 2016 và 2016 – 2017. Từ năm 2014 – 2021, đều được tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc của UBND tỉnh Nam Định.

Năm học 2019 – 2020, trường Tiểu học Giao Phong được Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.

Năm học 2016 – 2017 và 2021 – 2022 được UBND tỉnh Nam Định tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và nhiều năm liên tục được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Nam Định.

Ngoài ra, Trường THCS Giao Phong nhiều năm liền được công nhận đơn vị lao động tiên tiến và lao động xuất sắc. Năm học 2020 – 2021, trường được UBND tỉnh Nam Định tặng đơn vị lao động xuất sắc.

“Nhiều năm qua, xã Giao Phong luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học của các nhà trường. Các cơ sở giáo dục đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”, ông Sơn thổ lộ.

Về Giao Phong không khó bắt gặp những hàng cau xanh mướt, thẳng tắp, đẹp mê hồn. Ảnh: Mai Chiến.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm xây dựng NTM, ông Phạm Văn Sơn bộc bạch: Chương trình xây dựng NTM đã đem đến luồng gió mới, làm thay đổi bộ mặt làng quê xã Giao Phong.

Nhiều con đường đường liên xã, liên huyện được nhựa hóa, hai bên đường có hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng vào ban đêm; nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; trường học, nhà văn hóa được tu sửa, nâng cấp và xây mới…

Bên cạnh đó, đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập ổn định; quang cảnh, môi trường làng quê thôn, xóm “Xanh, sạch, đẹp”.

Trước đây, đường giao thông chủ yếu là nền đường đất, rải đá dăm; sau khi xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông đã được nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa và đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông. Nhiều bà con đi làm ăn xa, lâu không về quê, nay trở về quê mà không hình dung được đường về nhà, bởi đường sá thay đổi quá nhanh”, ông Sơn tâm sự.

Quả thực, rảo quanh 1 vòng xã Giao Phong, đi đến đâu chúng tôi choáng ngợp đến đó; bởi bộ mặt nông thôn xã Giao Phong đã thay đổi rõ rệt, khoác lên mình “chiếc áo mới”, những ngôi nhà cao tầng nối nhau san sát; đường sá rộng rãi, sạch sẽ.

Dọc các tuyến đường, cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng tung bay phất phới. Nhân dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM của xã.

Trong Nhà văn hóa xóm Lâm Hồ (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có tủ sách pháp luật để cho người dân tìm đọc. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Ngụy Văn Đông, Trưởng xóm Lâm Hồ (xã Giao Phong) chia sẻ, có được kết quả như ngày hôm nay là sự đồng lòng, chung sức của bà con nhân dân xóm Lâm Hồ nói riêng, cả xã nói chung.

Mỗi cá nhân là 1 viên gạch, khi các viên gạch được ghép lại với nhau sẽ tạo thành ngôi nhà vững chắc. Điều đó thể hiện sự đoàn kết; sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân cấp cơ sở.

Theo ông Đông, trước đây trục đường chính vào xóm dài gần 1km chủ yếu là mặt nền đất; trời mưa thì lụt lội, bẩn thỉu, trời nắng thì bụi bay mù mịt; điện đường thì không có, bà con nhân dân đi lại vất vả… Sau khi có chủ trương xây dựng NTM, cán bộ cơ sở đã đứng lên kêu gọi bà con trong xóm hiến đất mở rộng đường, đóng góp ngày công, tiền bạc để tu tạo, làm đẹp con đường.

“Từ chỗ mặt đường chỉ rộng 2m, đến nay đã được mở rộng tới 5m, xe cộ đi lại thoải mái. Mặt đường được đổ bê tông chắc chắn, dày tới 10cm; 1 bên đường trồng hàng cau cảnh trông rất đẹp mắt, điện đường chiếu sáng cả 1 góc trời, còn gì vui hơn nữa”, ông Đông cười.

Xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; 100% số xóm (11/11 xóm) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn…

Theo: danviet.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *