Cây phượng “nửa xanh, nửa đỏ” tại Vũng Tàu tiếp tục gây tò mò với người dân và du khách. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng có thể lí giải bằng khoa học chứ không phải đột biến.
Vài ngày qua, cây hoa phượng: Nửa xanh ngắt màu lá, nửa đỏ rực màu hoa tại Vũng Tàu đang thu hút hàng trăm người dân, du khách hiếu kì tìm tới chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Nhìn từ trên cao, tán cây như đối xứng, tạo nên hai mảng màu tách biệt.
Nhìn từ trên cao, tán cây phượng gần như đối xứng hoàn toàn (Ảnh: Quang Thành)
Ngoại hình độc đáo của cây phượng này khiến người dân và du khách không khỏi tò mò. Nhiều người đồn thổi đây là “hiện tượng lạ, trăm năm có một, mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt”.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về thực vật, hiện tượng như trên không hề kì bí và hoàn toàn có thể lí giải theo khoa học.
Lí do đầu tiên được đưa ra để giải thích cho sự độc đáo của cây phượng này nằm ở việc cắt tỉa.
Cây phượng nằm trên đường Thùy Vân, Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một phần tán chĩa ra phía đường dành cho phương tiện giao thông; phía còn lại hướng về phần đường dành cho người đi bộ.
Để đảm bảo an toàn cho người tham giao thông nhất, tán cây phía đường dành cho phương tiện thường xuyên được cắt, tỉa, hay đốn cành trong mùa mưa bão.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh cho biết: “Cắt tỉa là một trong những biện pháp tác động, điều khiển khả năng sinh trưởng, ra hoa của cây trồng.
Cắt tỉa cây có tác dụng hạn chế việc sinh trưởng sinh thực (ra hoa, quả, hạt…), kích thích sự sinh trưởng dinh dưỡng (ra rễ, thân, lá…)Biện pháp đốn, cắt cành làm cho cây trẻ hóa).
Do đó, phần tán cây được cắt tỉa/đốn nhiều hơn sẽ tạo ra nhiều cành/nhánh mới. Chúng có tuổi sinh lý ít, non nớt nên chưa thể ra hoa.
Phần tán còn lại không bị cắt tỉa nhiều nên cành/nhánh già hơn, dễ dàng ra hoa”. Ông Tỉnh khẳng định, hiện tượng này không hề kì bí.
(Ảnh: Quang Thành)
Đồng quan điểm, ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc điều hành Công viên thực vật cảnh Việt Nam cho rằng việc cắt tỉa có ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng và là nguyên nhân hàng đầu tạo nên cây phượng “nửa xanh nửa đỏ”.
“Chuyện này rất dễ hiểu chứ không hề bất thường. Bây giờ mọi người cứ thấy cây gì độc đáo lại đồn thổi chúng đột biến”, ông Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, ông Hùng cũng nói thêm, phần rễ cây cũng có thể là nguyên nhân tạo nên cây phượng “nửa xanh, nửa đỏ” này. “Phần rễ cây chĩa về phía nào thì cung cấp dinh dưỡng cho cành ở phía đó.
Nếu phần rễ cây tiếp xúc nhiều lân thì kích thích tốt việc ra hoa, nếu phần rễ cây tiếp cận nhiều đạm thì kích thích ra cành, lá. Đó là chế độ dinh dưỡng của cây.
Tôi không biết cây phượng này được chăm sóc thế nào, điều kiện thực tế ra sao nên chỉ có thể dự đoán”, ông Hùng nói.
Nhiều du khách cũng phát hiện, ngay cạnh cây phượng có một cột đèn chiếu sáng.
Đèn này chiếu thẳng vào phần tán cây mọc nhiều lá xanh. Ông Tỉnh cho biết, các loại cây trồng có phản ứng ánh sáng, nếu thời gian chiếu sáng trong ngày quá dài thì cây không thể ra hoa.
Đây cũng có thể là nguyên nhân tạo nên “ngoại hình có một không hai” của cây phượng.