Thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững.
Trong thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở Nam Định tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là sự vào cuộc của người dân nên đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 106/204 (52%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, vượt 4 năm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, huyện Hải Hậu 34 xã, Nghĩa Hưng 17 xã, Nam Trực 11 xã, Trực Ninh 10 xã, Vụ Bản 10 xã, Ý Yên 9 xã, Xuân Trường 7 xã, Giao Thủy 6 xã và Mỹ Lộc 2 xã.
Đã có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 255 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, hiện nay phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu chưa đồng đều, tiến độ thực hiện ở một số xã còn chậm, huy động nguồn lực còn hạn chế. Từ thực tế đó, ngày 18/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2023, Nam Định có khoảng 184 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có khoảng 20 xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có ít nhất 280 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu, 300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
UBND tỉnh Nam Định cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tổ chức triển khai thực hiện tốt phong trào “Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đồng thời, tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa.
Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 – 2030 theo quy định đảm bảo kết nối và phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 và triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo và an sinh xã hội. Phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, các chính sách về việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân. Xây dựng các mô hình thôn, xóm thông minh, xã thông minh.
Củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.
Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn bình yên, đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi pháp luật để người dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/giai-phap-trong-tam-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-o-nam-dinh-2051415.html