Mùa quả ngọt
Với việc trồng thành công vườn nho Hạ Đen theo định hướng sản xuất hữu cơ cho năng suất, chất lượng cao, ông Trần Văn Tôn, hội viên nông dân thôn Vân Cát, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ dân trong và ngoài xã, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích khó canh tác, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Đầu đông, nắng vàng như mật trải ra mênh mông trên cánh đồng màu thôn Vân Cát. Giữa những thửa ruộng vừa gặt xong là vườn nho rộng trên 1.000m2 của gia đình ông Tôn đang vào mùa thu hoạch. Những luống nho chạy dài thẳng tắp, trĩu nặng những chùm quả đỏ tươi đang chuyển dần sang sắc đen căng mọng, lấm tấm phấn trắng nổi bật giữa màu lá xanh biêng biếc. Cánh đồng nơi gia đình ông Tôn đang canh tác vốn là khu vực ruộng cao, trước đây chỉ cấy lúa và trồng lạc, tuy nhiên năng suất, chất lượng, hiệu quả đều thấp. Với mong muốn nâng cao kinh tế gia đình, ông Tôn lặn lội lên Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tìm hiểu về cây nho Hạ Đen. Đây là giống nho không hạt có nguồn gốc Nhật Bản, thích hợp trồng ở nhiều vùng miền, quả to tròn đen bóng, khi ăn có vị ngọt đậm, giòn tan, thơm mát, đang được thị trường rất ưa chuộng. Nho Hạ Đen lại dễ trồng, nhanh cho ra quả, chất lượng hơn hẳn so với các giống nho bản địa; cây có tuổi thọ cao, thu hoạch được nhiều vụ mới phải trồng lại. Đầu năm 2021, sau khi mời các chuyên gia, kỹ thuật viên của trường về kiểm tra chất đất cho kết quả độ pH phù hợp, ông quyết định chuyển đổi đất canh tác của gia đình sang trồng nho Hạ Đen.
Để triển khai mô hình, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng, xây dựng giàn trồng nho kiên cố với các trụ đỡ bằng bê tông. Mỗi luống nho đều có mái che mưa nắng dạng vòm bằng nilon trong suốt, có độ bền dai, chịu lực, đồng thời làm giếng khoan, lắp đặt hệ thống giàn tưới nước tự động và rãnh thoát nước xung quanh vườn. Với định hướng trồng nho hữu cơ, gia đình ông sử dụng phân chuồng ủ hoai mục đã được xử lý mầm bệnh bằng men vi sinh kết hợp cùng các loại phân bón hữu cơ và vôi bột để bón lót. Trong quá trình sinh trưởng của cây, gia đình ông luôn tuân thủ các khâu bắt sâu, làm cỏ hoàn toàn thủ công. Ông Tôn nhớ lại, ban đầu khi mua về gặp đúng dịp trời mưa tầm tã, gần 100 triệu đồng tiền cây giống chưa trồng được khiến vợ chồng ông như ngồi trên đống lửa. Rồi khi mới trồng, suốt 2 tháng trời, các cây giống cứ trơ ra như những cành củi mục do thời tiết quá lạnh, cây ngủ đông. Cuối xuân, trời ấm dần lên, những cây giống bắt đầu nứt mắt, nảy ra những mầm trắng như hạt ngô, vợ chồng ông mới “thở phào” nhẹ nhõm. Vất vả mưa nắng ngoài đồng, sau thời gian khoảng 15 tháng chăm sóc, vườn nho trên 400 gốc bắt đầu ra hoa, bói lứa quả đầu tiên.
Mỗi năm cây nho cho thu hoạch vào khoảng Tháng 4 và tháng 10, khai thác trong khoảng 15-20 năm mới phải trồng lại nên hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng lúa và cây màu
Vừa trồng, vừa nghiên cứu áp dụng vào thực tế, ông Tôn dần tích lũy được những kinh nghiệm trồng nho Hạ Đen, trong đó chú ý khâu làm luống sao cho mặt luống cao khoảng 50cm, rãnh thoát nước tốt để cây không bị ngập úng khi trời mưa to. Cây nho vốn dễ nhiễm các bệnh như mốc sương, gỉ sắt, phấn trắng, nhất là thời kỳ ra hoa, do đó, ông đặc biệt tuân thủ việc sử dụng phòng trừ bệnh cho cây bằng các sản phẩm sinh học, đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch khi đến tay người tiêu dùng. Để tạo độ ngọt cao nhất, khi quả bắt đầu chuyển màu từ xanh sang hồng, ông sử dụng phân kali trắng (kali sulfat) loại dành riêng cho cây ăn quả để bón, kết hợp rắc vôi lên mặt luống. Do đó, quả nho khi chín có màu đen nhánh, căng phấn, có độ ngọt đậm.
Chịu khó tìm hiểu, học hỏi và tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, vườn nho của gia đình ông Tôn đã đạt năng suất khá cao, trả công xứng đáng cho người trồng. Ngay vụ đầu tiên, ông thu hoạch được gần 9 tạ nho. Nhiều khách khi biết về mô hình đã đến tham quan, check-in và mua ngay tại vườn giúp gia đình ông tiêu thụ hết sản phẩm, không phải lo đầu ra. Ông Tôn chia sẻ thêm, để trồng nho Hạ Đen, mặc dù ban đầu người dân phải đầu tư một số vốn để làm giàn, mái che, hệ thống tưới tiêu nước, nhưng bù lại, mỗi năm cây nho cho thu hoạch 2 vụ vào khoảng tháng 4 và tháng 10, khai thác trong khoảng 15-20 năm mới phải trồng lại nên hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng lúa và cây màu. Những ngày này, vườn nho của gia đình ông Tôn dù ở giữa cánh đồng, đường đi còn khó khăn nhưng đang thu hút rất nhiều khách tới tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ rất hào hứng khi có một địa điểm check-in mới. Với sự mến khách, nhiệt tình của gia chủ, khách tới thăm vườn có thể thoải mái chụp ảnh, tự tay cắt hái, thưởng thức tại chỗ những chùm nho căng mọng, tươi ngon khi có nhu cầu mua.
Từ thành công bước đầu của mô hình, thời gian tới, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm nho hữu cơ, ông Trần Văn Tôn đang hướng đến thị trường là một số siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch trên địa bàn tỉnh, đồng thời mong muốn được các cấp Hội Nông dân hỗ trợ quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm ở những vụ nho tiếp theo./.
Nguồn: http://baonamdinh.vn/channel/5092/202211/mua-qua-ngot-2553932/