Nam Định: Bất cập từ những barie hạn chế tải trọng trên đê hữu sông Đào

Những chiếc barie nhằm mục đích hạn chế xe có tải trọng từ 12 tấn trở lên chạy trên đê hữu sông Đào, đoạn qua huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định được thiết kế, xây dựng mà không tham khảo ý kiến của ngành giao thông nên gây cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế địa phương và đời sống người dân quanh khu vực nhiều năm nay.

Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi về xã Tân Thành, huyện Vụ Bản để tìm hiểu sự việc. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, đoạn đê hữu sông Đào dài khoảng 3km từ phía tiếp giáp với TP Nam Định đến UBND xã Tân Thành có 12 barie trên đê và đường gom dưới chân đê. Thế nhưng, cùng tuyến đê, đoạn chạy qua TP Nam Định lại không có các barie hạn chế tải trọng như trên.

Trao đổi với người dân sống dọc hai bên đê, chúng tôi nhận thấy, các ý kiến đều ủng hộ việc hạn chế xe tải trọng lớn từ 12 tấn trở lên để bảo vệ mặt đê. Tuy nhiên, người dân cũng cho biết, do chiều cao barie quá thấp (2,45m) nên các xe đúng tải trọng, xe thùng 1,5 tấn, xe khách 24 chỗ không thể qua được, ảnh hưởng lớn đến giao thương hàng hóa cũng như đời sống người dân. Trước đây, để xe có thể qua barie, người dân phải báo trước cho người cầm chìa khóa hoặc tới UBND xã Tân Thành báo trước 1-2 ngày, rất bất tiện. Vì thế, mấy năm nay, nhiều gia đình, doanh nghiệp kinh doanh, vận chuyển vật liệu xây dựng như gia đình ông Nguyễn Thanh Quang ở xóm 8, xã Tân Thành đã phải bán chiếc xe 6 tấn, chiều cao đăng kiểm là 2,7m do lưu thông khó khăn…

Bất cập từ những barie hạn chế tải trọng trên đê hữu sông Đào
Chiều cao barie quá thấp khiến các xe đúng tải trọng cũng không thể đi qua.

Ngoài những vấn đề trên, đáng lo hơn là khi có hỏa hoạn, xe chữa cháy cũng không thể vào ứng cứu kịp thời. Cho đến nay, người dân ở xóm 8 và xóm 7 (cùng ở xã Tân Thành) vẫn chưa thể quên 3 lần chập điện vào tháng 3, tháng 10-2021. “Chúng tôi vẫn nhớ hai vụ chập điện xảy ra vào khoảng từ 18 giờ 30 phút đến 19 giờ ngày 20 và 27-10-2021. Khi phát hiện chập cháy, chúng tôi nhanh chóng gọi điện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Thế nhưng cả hai lần xe chữa cháy đều không thể vào vì barie không mở do không tìm được người giữ chìa khóa. Vậy là người dân cùng lực lượng phòng cháy, chữa cháy đành bất lực nhìn đám cháy xảy ra. Vụ việc xảy ra ngày 5-3-2021 cũng tương tự”, gia đình anh Nguyễn Hữu Dần ở xóm 8, nhớ lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trần Quốc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Khoảng năm 2016-2017, sau khi sửa chữa, nâng cấp xong tuyến đê hữu sông Đào thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định xây dựng, lắp đặt các barie rồi bàn giao chìa khóa cho xã quản lý. Tuy nhiên do chiều cao các barie quá thấp nên có ảnh hưởng đến giao thông, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương…”.

Ông Nguyễn Mạnh Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-Đê điều (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định) thông tin với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: Tuyến đê hữu sông Đào dài 25km, đi qua TP Nam Định, huyện Vụ Bản và huyện Ý Yên; bảo vệ cho khoảng 45.000ha đất tại các địa phương trên cùng huyện Mỹ Lộc. Tuyến đê này hoàn toàn là tuyến đê chuyên dùng, không có quy hoạch giao thông nông thôn. Trước năm 2014, tuyến đê này xuống cấp nghiêm trọng do xe chở quá tải chạy nhiều.

Sau khi được sửa chữa, nâng cấp, chi cục xin ý kiến và tiến hành dựng các barie hạn chế tải trọng đối với các xe có tải trọng từ 12 tấn trở lên. Các barie hạn chế tải trọng được dựng nhiều nhất trên đoạn đê chạy qua huyện Vụ Bản với 20 barie. “Quá trình thiết kế barie, chúng tôi đã lấy ý kiến và căn cứ vào thiết kế barie hạn chế xe quá tải của Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để dựng barie với chiều cao là 2,45m. Hiện nay, các đầu dốc lên xuống đoạn đê qua TP Nam Định đã có lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát tải trọng nên chúng tôi đã tháo dỡ barie. Tại huyện Ý Yên, barie cũng đã được tháo dỡ. Nếu huyện Vụ Bản có lực lượng kiểm soát được tải trọng xe thì chúng tôi sẽ tháo dỡ”, ông Nguyễn Mạnh Trung cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Trần Công Tuyên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều cho rằng: “Những năm qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư kinh phí cho các địa phương duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đê trên cả nước nên chất lượng đê điều nói chung, mặt đê nói riêng đều được nâng lên. Vì thế, trước nhu cầu thực tế về phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích sử dụng đê vào mục tiêu đa chức năng, trong đó có làm đường giao thông, nhưng quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an toàn đê điều. Về mẫu barie nêu trên thì tôi khẳng định, Vụ Quản lý đê điều chưa ban hành nên không có mẫu áp dụng chung. Nếu cần dựng barie, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương nên tham khảo ý kiến ngành giao thông để có thiết kế phù hợp, đúng tiêu chuẩn với chiều cao, tải trọng các xe để không gây cản trở giao thông”.

Việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định hạn chế tải trọng xe nhằm bảo vệ đê hữu sông Đào là cần thiết. Tuy nhiên, do chiều cao barie quá thấp, không phù hợp với tải trọng xe sẽ là một cản trở, gây phiền toái cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vụ Bản, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, do đó cần phải nghiên cứu, xem xét lại để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn./.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN/ qdnd.vn

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *