Nam Định: Người phụ nữ “nương tựa” biển khơi tạo thu nhập 20 tỷ/năm

Từng bị cho là gàn dở khi phản đối việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi ngao, nuôi tôm công nghiệp, người phụ nữ trẻ vùng đất ven biển vẫn kiên trì, bền bỉ, thuyết phục người dân phủ xanh những cánh rừng ngập mặn, “nương tựa” biển khơi, sống hòa thuận với thiên nhiên.

Bỏ lương nghìn đô “nương tựa” biển khơi kiếm thu nhập tiền tỷ mỗi tháng

Năm 2018, một lần về quê chơi, chị Doãn Thị Thoa, 41 tuổi (Giao An, huyện Giao Thủy) tỉnh Nam Định đã bị sốc khi những cánh rừng ngập mặn hàng trăm năm tuổi ở quê mình bị thay thế bằng những đầm nuôi ngao, nuôi tôm trơ trụi, ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái.

Chị Thoa chia sẻ: “Trong tuổi thơ của tôi, hình ảnh quê hương gắn liền với những đầm sú, vẹt  tự nhiên cao vút nhiều tôm, cua, cá, hến, dạm… gắn liền với cuộc sống mưu sinh của bố mẹ. Ngày bé, 4 anh em chúng tôi vẫn theo cha mẹ đi bắt tôm, cua, cá dưới tán rừng. Khi nhìn những đầm ngao giống trơ trụi, trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Tôi lặng người đi và trăn trở”.

thu nhập từ trồng rừng ngập mặn

Chị Doãn Thị Thoa (bên phải ảnh) cùng bạn bè tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: M.N

Nỗi trăn trở ấy cũng chính là lý do khiến chị Thoa khi quay lại Hà Nội đã quyết định từ bỏ mức lương 25 triệu đồng/ tháng ở một công ty thiết bị y tế ở Hà Nội và trở về quê hương, bắt đầu hành trình “nương tựa” biển khơi.

Thời gian đầu, khi trở về quê, chị Thoa bắt đầu công việc kinh doanh online thủy hải sản khai thác tự nhiên ở khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Theo chị Thoa, khởi đầu này sẽ giúp cho chị vừa có thêm thu nhập, vừa ý thức được nguồn lợi tự nhiên từ rừng ngập mặn quan trọng như thế nào. Từ đó, mới có thể vận động người dân không chặt phá rừng ngập mặn và trồng rừng thay thế.

Chị Thoa trải lòng: “Tôi đọc được một bài báo ở đất nước Thái Lan, khi sóng thần xảy ra, ở ngôi làng trồng rừng ngập mặn, 100 hộ dân đã sống sót và bình an. Tôi trăn trở tại sao Đan Mạch, một đất nước xa xôi vậy họ đã đến quê hương tôi để trồng rừng ngập mặn. Trong khi, tôi sinh ra và lớn lên ở đây tôi lại không trồng rừng? Dù biế rằng, suy nghĩ về trồng rừng của tôi, hay việc trồng rừng tôi làm sẽ chỉ như vết dầu loang nhưng tôi cứ từ từ làm thôi”.

Trích lợi nhuận từ thu nhập trông rừng ngập mặn

Nói là làm, khi công việc kinh doanh thủy hải sản bắt đầu thuận lợi, chị Thoa đã trích ngay lợi nhuận, góp quỹ trồng rừng ngập mặn. Thông qua trang facebook, những bạn bè, khách hàng của chị đã tin tưởng thậm chí cùng chị chung tay, góp sức để trồng lại rừng ngập mặn ở những đầm nuôi ngao, nuôi tôm.

Chị Thoa chia sẻ: “Tôi bắt đầu dựa vào sinh kế từ biển khi trở về quê, lúc đấy tôi lấy slogan “Nương tựa biển khơi” làm tôn chỉ kinh doanh. Tôi nghĩ rằng mình được ân huệ từ thiên nhiên quá nhiều, mình phải làm cái gì đó trả lại thiên nhiên. Mỗi tháng tôi trích lợi nhuận 2 triệu, 5 triệu rồi cả năm tôi gom vài chục triệu, kêu gọi bạn bè trồng cây ở đầm, bờ sông, kênh lạch, cồn ngoài biển. Đó là cái lúc đầu tôi đem hết tiền ra được mà cân đối lợi nhuận, dù lãi hay không tôi vẫn trích ra”.

Chị Thoa chia sẻ thêm , mỗi một cái cây được trồng xuống là lòng chị sung sướng. Mỗi năm cái cây lớn lên chị hạnh phúc vô cùng. Sau này chị có thể tự hào với con cháu xưa chị đã trồng cây sú, cây vẹt, cây bần chua này đấy, thì cứ nghĩ như thế là tôi sung sướng, hạnh phúc”.

thu nhập trồng rừng ngập mặn

Những cánh rừng ngập mặn dần được phủ xanh. Ảnh: M.N

Năm 2020 chị Thoa đã trích lợi nhuận 20 triệu đồng để trồng rừng. Năm 2021 là 38 triệu đồng. Trước đó, hàng chục dự án trồng cây chắn sóng, phi lao kết hợp cùng các Đoàn thể, các em học sinh ở khắp các địa phương trồng lại hàng chục nghìn cây xanh với mong muốn phủ xanh những cánh rừng ngập mặn đã bị chặt phá.

Kế bên khu đầm rộng 5ha mà chị Thoa đang sở hữu là một đầm nuôi ngao giống đang nhận lại hậu quả nặng nề từ việc chặt phá rừng. Cách đây 5 năm, khu đầm rừng tự nhiên này đã bị chặt phá để nuôi ngao giống. Việc nuôi, rửa bãi ngao đã khiến nguồn lợi tự nhiên bị rửa trôi, không có loài sinh vật nào có thể sống sót trong khu đầm và đi kèm với đó là ô nhiễm môi trường khiến các loài rong rêu tự nhiên hỏng sạch.

10 tháng trước, chị Thoa đã vận động chủ đầm là chị Trần Thị Ngọt thử trồng rừng, phục hồi lại hệ sinh thái của khu đầm này. Chị Thoa hỗ trợ giống là những cây sú, vẹt bên dưới, bên trên là những cây dừa, cây bần chua, cây so đũa…. Không chỉ tạo sinh thái cảnh quan, rễ của những loại cây này khi bén đất sẽ làm nơi trú ngụ cho tôm, cua, cá mỗi khi nước triều lên. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, những cây sú, cây vẹt đã bắt đầu  bén rễ, cao từ 50 – 80 cm. Những dấu vết của cua, cáy, của các loài chim di cư đã xuất hiện. Đó cũng là lúc, chị Thoa càng vững tin khi mong muốn xây dựng làng sinh thái đã bắt đầu nhen nhóm và được ủng hộ.

“Tôi động viên các chủ đầm phải trồng rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn không cho ta giàu ngay, nhưng cho ta giá trị sau này. Ai cũng nói đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhưng mọi người đâu có biết giữ rừng chúng ta mới khiến quá trình  biến đổi khí hậu chậm lại. Chưa kể, rừng còn cho ta sinh kế bền vững, cứ đều đều sống qua ngày và an vui”, chị Thoa say xưa nói.

Tiếng lành đồn xa, từ 5ha trồng rừng ngập mặn chị Thoa đang phủ xanh, chị tiếp tục được tin tưởng để hỗ trợ cho 5 đầm ngao giống trồng lại rừng. Bất cứ ai có nhu cầu về trồng rừng ngập mặn, chị đều đón tiếp và sẵn sàng hỗ trợ. Mới đây, dự án về “Làng sinh thái ven biển” của chị đã lọt vào chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” năm 2022 và được Ban tổ chức đánh giá cao.

Lập hợp tác xã thu mua thủy sản khai thác tự nhiên cao hơn giá chợ

Trở về quê hương, với tôn chỉ mục đích “Nương tựa biển khơi”, kinh doanh các mặt hàng được đánh bắt tự nhiên. Năm 2019, chị Thoa đứng lên thành lập Hợp tác xã Khang Tường với 10 thành viên.

Hiện nay, chị Thoa đang liên kết với những đầm tự nhiên thu mua thủy hải sản đánh bắt được với giá trị cao hơn từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/kg. Từ ngày có đầu ra cho sản phẩm, giá trị thu mua cao hơn là động lực để những chủ đầm thêm niềm tin giữ rừng.

thu nhập từ nuôi hải sản

Người dân hợp tác xã Khang Tường tham gia chế biến hải sản trước khi nhập bán. Ảnh: M.N

Chị Thoa cho biết: “Ở đây có mấy trăm hộ theo tự nhiên. Dựa tự nhiên nó là sinh kế bền vững, cuộc sống sẽ đều đều chứ không lo được mùa mất giá. Nuôi theo công nghiệp lúc được rất được nhưng lúc lỗ thì rất nhiều. Hiện tại nuôi công nghiệp không thể kiểm soát được lượng kháng sinh vì nuôi trồng tự phát”

Hiện tại, Hợp tác xã Khang Tường đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn thông qua việc liên kết với các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Năm 2021 dù ảnh hưởng  bởi cv, HTX vẫn đạt doanh thu 20 tỉ/năm, lợi nhuận từ 5 – 7%. Thu nhập của lao động trong hợp tác xã tăng gấp 5-7 lần.

Từ phần lợi nhuận này, năm nào chị Thoa cũng trích ra để ủng hộ cho việc trồng rừng ngập mặn. Chị cho biết, chị vẫn sẽ làm tiếp công việc này tới khi nào không còn nữa.

Nguồn: Danviet.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *