Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San đều là học trò của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị.
Không chỉ nổi danh bởi là thầy của 2 vị Tam nguyên nổi tiếng, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị còn được biết tới là một nghĩa dũng sĩ phu sĩ khí ngút trời chống Pháp. Ông từng chiêu mộ 365 dũng sĩ vào Huế địch giặc, sau này lại chặn Pháp ở ngã ba Độc Bộ quê nhà – khi sắp bước sang tuổi thất thập.
Tượng thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị.
“Phạm Văn Nghị cùng với Doãn Khuê, được kẻ sĩ đương thời mến phục. Có lần Doãn vào bái yết vua, vua thong thả hỏi chuyện bệnh tình của Nghị rồi cho vàng và tiền để mua thuốc men, lại dụ rằng: “Không phải ta khen Nghị về sự tiến thoái nhanh nhẹn, mà là khen về sự khí tiết hơn người, gặp việc là hăng hái làm” – Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”.
Phạm Văn Nghị tự là Nghĩa Trai, sinh năm 1805 ở làng Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay thuộc thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, Ý Yên – Nam Định).
Xuất thân trong một gia đình thanh bạch, trọng chữ nghĩa, cha đỗ nhị trường và làm thầy đồ làng, Phạm Văn Nghị được đi học từ khi lên 8 tuổi, đỗ Tú tài (1826), Cử nhân (1837), Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838) – bởi vậy dân gian gọi ông là Hoàng Tam Đăng.
Sau khi đỗ Hoàng giáp, ông được bổ chức Hàn lâm viện Tu soạn, rồi Tri phủ Lý Nhân. Hễ dân có việc tranh tụng, ông thường lấy điều nhân nghĩa để khuyên bảo, nhưng vì thế mà có lúc ông bị giáng đến ba cấp.
Phạm Văn Nghị thường tự nhủ: “Trị dân quý ở chỗ chớ nhiễu dân”. Ông cấm các nha lại thuộc quyền hạch sách đòi dân đút lót. Mỗi khi dân đến phủ kiện cáo điều gì, ông đều tự mình xem xét, giải quyết sao cho hợp tình hợp lý – người đúng được an ủi, còn người sai cũng phải nể phục.
Nha lại dưới quyền vì thế phàn nàn “uống nước lã làm việc”. Ông an ủi: “Làm quan phụ mẫu là cha mẹ dân. Đã là cha mẹ, có khi nào còn tìm cách cướp đoạt gia sản của con!”. Cũng bởi thế, người dưới kẻ trên đều hết sức kính phục một người thanh liêm.
Trong thời gian giữ chức ở Nam Định, ông thường qua lại vùng Giao Thủy, Xuân Trường, thấy mùa màng thất bát, dân tình đói khổ ly tán. Ông vận động hào phú trong vùng và học trò đóng góp tiền, thóc lập kho nghĩa thương để dân nghèo được vay lãi nhẹ vượt qua cơn túng quẫn. Bản thân ông cũng bỏ ra 1.000 quan tiền mua ruộng giao cho dân địa phương cày cấy – gọi là nghĩa điền.
Năm 1845, ông cáo bệnh từ quan về nhà mở trường dạy học. Ở gần cửa biển Đại An, thấy đất bị bỏ hoang, ông bèn chiêu tập người cùng làng đến khai khẩn lập ấp, đặt tên mới là trại Sĩ Lâm (sau thành tổng Sĩ Lâm, nay là ba xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải thuộc huyện Nghĩa Hưng).
Bia Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838) tại Văn miếu Huế ghi danh Hoàng giáp Phạm Văn Nghị.
Các con Hoàng giáp Phạm Văn Nghị là Phạm Văn Giảng – thi Hội đỗ Phó bảng, các con thứ đều đỗ Cử nhân. Khi Phạm Văn Giảng được bổ làm tri huyện ở một nơi xa xôi nghèo nàn – Phạm Văn Nghị lấy làm mừng vì cho rằng “dân nghèo quan mới dễ liêm”.
Năm Tự Đức thứ 11 (1858), ông lại được triều đình triệu ra giữ chức Đốc học Nam Định. Dạy học từ khi chưa đỗ đạt (năm 16 tuổi), Phạm Văn Nghị gắn bó với nghề dạy học trong suốt cuộc đời kể cả khi đang làm quan. Đơn cử như thời gian làm việc ở Quốc sử quán trong kinh thành Huế, ông vẫn dành thời gian dạy học.
Từ khi cáo bệnh về quê mở trường Tam Đăng, trong 12 năm từ Thanh Nghệ trở ra, người bốn phương cắp sách tới học có tới hàng ngàn. Từ khi làm Đốc học Nam Định, ông mở trường dạy học ở Hoành Nha (nay thuộc xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy) – một trường học đặc biệt, vừa dạy văn vừa luyện võ.
Phạm Văn Nghị có cách dạy học khá độc đáo, khi sáng tác thơ gắn với môn học – bài học để học trò dễ thuộc, dễ nhớ. Ông quan niệm rằng: “Báo ơn nước, chỉ còn có việc dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước”.
Lịch sử khoa bảng nước ta dưới các triều đại phong kiến trải dài 845 năm, từ khoa thi đầu tiên Minh Kinh bác học năm Ất Mão (1075) dưới triều Lý Nhân Tông tới khoa cuối cùng năm Mậu Ngọ (1918) dưới triều Khải Định, có 5 bậc hiền tài mang danh Tam nguyên – nghĩa là người đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.
Đó là Trạng nguyên Đào Sư Tích triều Trần Duệ Tông, Bảng nhãn Lê Quý Đôn triều Lê Hiển Tông, Hoàng giáp Trần Bích San và Hoàng giáp Nguyễn Khuyến triều Tự Đức, Thám hoa Vũ Phạm Hàm triều Thành Thái. Trong số 3 vị Tam nguyên triều Nguyễn ấy thì đã có 2 người là học trò của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị: Trần Bích San và Nguyễn Khuyến.
Cuộc đời làm thầy của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị có giai thoại rằng, trong buổi học chót, trước ngày học trò từ biệt thầy lên đường về quê để dự khoa thi Hương năm Giáp Tý (1864), thầy Hoàng giáp dặn học trò rằng: “Năm nay anh Yên Đổ (chỉ Nguyễn Khuyến) lấy cho thầy cái thủ khoa trường Hà (Hà Nam), còn anh Vị Xuyên (chỉ Trần Bích San) thì lấy cho thầy cái thủ khoa trường Nam (Nam Định), rồi đến kỳ thi Hội cố giật nốt cái Tam nguyên”.
Tan buổi học, Yên Đổ ra vẻ không được vui, nói với Vị Xuyên: “Thầy cho tôi chỉ đỗ được Hương nguyên là cùng, thật thầy coi thường tôi quá!”. Vị Xuyên trả lời: “Không phải thế đâu, bình nhật tôi vẫn kém anh, ý thầy là muốn khuyên tôi cố gắng cho bằng anh đấy thôi”.
Quả nhiên, khoa thi đó, cả hai người đều đỗ đầu thi Hương tại 2 trường thi Hà Nam và Nam Định. Nhưng vào thi Hội năm Ất Sửu (1865), Trần Bích San đậu đầu luôn cả thi Hội và thi Đình, còn Nguyễn Khuyến bị rớt, mãi đến khoa thi năm Tân Mùi (1871) mới đậu Đình nguyên.
Khi Yên Đổ về thăm thầy, Hoàng giáp hội các môn sinh lại và giải thích cho biết văn thơ của Vị Xuyên hàm xúc nghiêm mật, còn của Yên Đổ thì tài hoa phóng khoáng, mỗi người một vẻ nhưng văn cử nghiệp cần nghiêm mật, vì thế mà Vị Xuyên đỗ sớm hơn Yên Đổ.
Ngoài 2 vị Tam nguyên, trong số học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao, trở thành những nhân sĩ yêu nước, làm nên sự nghiệp nổi tiếng như: Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, Phó bảng Đặng Ngọc Cầu, Phó bảng Lã Xuân Oai, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Thủ khoa Nguyễn Cao, Đại thần Cơ mật viện Phạm Thận Duật…
Nhiều học trò của ông trở thành những lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp mà chí khí và sự nghiệp của họ còn lẫy lừng trong lịch sử. Nhiều học trò được Hoàng giáp Phạm Văn Nghị nuôi dạy trong nhà như con đẻ như Phạm Thận Duật, Tống Duy Tân…
Bởi vậy khi qua đời, câu đối của học trò Tống Duy Tân viếng thầy đã thể hiện tình nghĩa của trò đối với một người thầy tận tụy: Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thế nổi chìm ôi mấy độ/ Đệ tử coi thầy như thân phụ, mất còn chung thủy mãi trăm năm.
Đền Độc Bộ nơi ngã ba sông Đào và sông Đáy – nơi Phạm Văn Nghị chặn đánh quân Pháp.
Tháng năm Tự Đức thứ 11 (1858), Pháp nổ súng đánh phá Sơn Trà (Đà Nẵng). Dù đang có bệnh, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị vẫn quyết tạm giao công việc cho bạn đồng khoa là Tiến sĩ Doãn Khuê. Ông dâng lên vua “Trà Sơn kháng sớ” (Sớ kháng nghị việc Sơn Trà), rồi cùng học trò và một số sĩ phu Nam Định lập ngay một đội quân nghĩa dũng gồm 365 người rồi xin vua cho vào Đà Nẵng đánh Pháp.
Nhưng khi đội quân nghĩa dũng tới Huế, thì quân Pháp đã rút khỏi nơi đó để vào đánh Gia Định. Vua Tự Đức không chuẩn y sớ của ông xin tiếp tục được vào Nam đánh đuổi ngoại xâm, mà chỉ ban lời khen ngợi nên ông đành phải quay về.
Về tới đất Bắc, ông tiếp tục làm chức vụ cũ. Khi ấy, có nhóm thổ phỉ người Trung Quốc tràn sang quấy nhiễu ở vùng Đông Bắc, ông đem ngay số nghĩa dũng vừa chiêu mộ được, đến đóng đồn phòng giữ khi yên mới thôi. Triều đình thăng ông làm Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ, nhưng vì bệnh nên ông lại xin nghỉ.
Năm 1866, ông được sung chức Thương biện, đóng quân ở Hà Cát để trông coi vùng biển. Năm Tự Đức thứ 26 (1873), triều đình thăng ông làm Thị độc học sĩ, ban cho thẻ bài bằng vàng.
Mùa đông năm ấy, Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội, rồi đánh luôn Nam Định. Bấy giờ tuy đã 68 tuổi, Phạm Văn Nghị vẫn tổ chức dân binh chặn đánh quân Pháp ở ngã ba Độc Bộ. Do quân ít, chống không nổi, ông cho rút nghĩa quân về lập căn cứ ở Yên Hàn (Ý Yên).
Hiệp ước Giáp Tuất được ký vào ngày 15/3/1874 giao đứt toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp. Phạm Văn Nghị buồn bực, viện cớ tuổi cao, xin về dưỡng lão dù vừa được sung làm Thương biện Nam Định.
Sau triều đình truy xét việc thất thủ thành Nam Định, Phạm Văn Nghị bị tước hết mọi chức tước, bổng lộc. Về ở ẩn, ông sống đạm bạc nơi động Hoa Lư (Ninh Bình) lấy hiệu là “Liên Hoa động chủ”.
Năm 1884, ông qua đời và được vua Tự Đức chuẩn cho khôi phục nguyên chức hàm cũ là Thị độc học sĩ.
Theo các nhà nghiên cứu, khối lượng tác phẩm của Phạm Văn Nghị hiện còn được bảo lưu đến nay khá nhiều với gần 600 bài, gồm nhiều thể loại. Riêng thơ khoảng 250 bài, được tập hợp trong “Tùng Viên văn tập”.
Khi ông qua đời, nhiều xã ở miền Nghĩa Hưng đã lập đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Còn tại xã Nghĩa Lâm, dân lập đền thờ ngay lúc ông còn sống để tỏ lòng kính trọng và biết ơn.
Ngôi đền hiện nằm ở đầu làng Sĩ Lâm Đông – chính trên vùng đất trại Sĩ Lâm xưa. Phía bên trong còn vàng son câu đối: Nhất ấp quy mô giang hải đại/ Đa công ăn trạch đẩu sơn cao (Quy mô của một ấp lớn như sông biển/ Công ơn của các ông cao như núi như sao bắc đẩu).
Nguồn: https://danviet.vn/si-khi-cua-vi-hoang-giap-lam-thay-cua-2-tam-nguyen-noi-tieng-20221130132648768.htm?fbclid=IwAR2FGfEB7f1eV_iTVFKxcWRfbbLk-lF1LmHb3y40L_I-6QUiNKqrUQuapyY