Nam Định: Thợ dệt bất ngờ ‘gặp lại’ mình trên báo 52 năm trước

Ở tuổi 81, bà lão từng là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, xúc động khi được tặng tờ báo Nhân Dân có đăng tấm ảnh chụp mình 52 năm trước.

Ngày 3/8, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, ông Nguyễn Phi Dũng, doanh nhân, nhà sưu tầm báo cũ nổi tiếng ở TP Nam Định (Nam Định) cho biết, qua thông tin, kết nối của cộng đồng mạng, trước đó một ngày ông đã tìm được địa chỉ của bà Vũ Thị Bích Liên, nguyên là công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định – một trong số 4 nữ công nhân của nhà máy có mặt trong tấm ảnh được đăng trên trang nhất Báo Nhân dân, số ra ngày thứ Tư, 11/11/1970.

Trước đó, nhà sưu tầm đăng thông tin trên trang Facebook cá nhân, nhờ cộng đồng mạng ở địa phương tìm người trong ảnh.

Nhà sưu tầm báo cũ Nguyễn Phi Dũng trao tặng bà Vũ Thị Bích Liên, nguyên là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định tờ báo Nhân Dân có đăng hình bà và 3 nữ công nhân khác khi đang làm việc tại nhà máy 52 năm trước. 

Ảnh chụp 4 nữ công nhân dệt đang trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Tác giả tấm ảnh là Ngọc Quán/VNTTX.

Dưới tấm ảnh là đoạn chú thích: “Các công nhân trẻ của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định: Vũ Thị Lưu, Trần Thị Nga, Vũ Thị Bích Liên và Trần Thị Thanh (từ trái sang phải), thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất tiên tiến. Chín tháng đầu năm nay, các chị đã dệt vượt mức gần 24.000 mét vải, đạt 4 chỉ tiêu tiên tiến và được được tặng danh hiệu “Những con thoi nhanh nhất ” của nhà máy”.

Theo ông Nguyễn Phi Dũng: “Bà Vũ Thị Bích Liên năm nay đã 81 tuổi, nhà ở đường Phan Bội Châu, cùng thành phố với tôi. Sau khi biết địa chỉ, ngay chiều 2/8 tôi đã đến nhà thăm bà, trao tặng bà tờ báo có đăng hình các bà 52 năm trước khi đang làm việc ở Nhà máy Dệt”.

Ông kể thêm rằng: “Trước khi tặng bà tờ báo, tôi hỏi bà có nhớ ngày xưa bà được đăng ảnh trên Báo Nhân Dân không? Bà nói bà không biết, vì ngày xưa, trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, để cầm được một tờ báo rất khó”.

Theo nhà sưu tầm: “Khi tôi đưa tờ báo ra, chỉ vào ảnh và hỏi bà có nhận ra ai trong ảnh không thì bà Liên chỉ ngay vào người thứ 2, từ phải qua trong ảnh nói ‘tôi đây’ và cười rất tươi, rạng rỡ”.

Trò chuyện với nhà sưu tầm báo cũ ở cùng thành phố, bà Liên nhớ lại bức ảnh này bà được chụp năm 1970, khi bà mới 29 tuổi, ảnh chụp trước kỳ thi chọn thợ giỏi Miền Bắc năm 1971. Người đạt danh hiệu “Những con thoi nhanh nhất” cũng chia sẻ cảm thấy trăn trở vì hiện tại không biết 3 chị công nhân được chụp ảnh cùng bây giờ ở đâu, còn sống hay đã mất?

Người từng gắn bó với Nhà máy Dệt Nam Định cũng chia sẻ rằng cả 3 lần Bác Hồ về thăm Nhà máy, bà đều có vinh dự được gặp Bác. Hiện tại trong nhà, bà dành vị trí trang trọng để treo tấm ảnh bà được chụp ảnh cùng Bác Hồ.

Bức ảnh chụp 4 nữ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định 52 năm trước, bà Vũ Thị Bích Liên là người đứng thứ 2 từ phải sang trái, khi đó bà mới 29 tuổi.  

Theo các tài liệu, Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra.

Sau năm 1954, Nhà máy Dệt Nam Định được Nhà nước tiếp quản từ thực dân Pháp.

Dưới thời bao cấp, lúc cao điểm, Nhà máy có hàng vạn cán bộ, công nhân làm việc. Khi đó, đa số các gia đình ở TP Nam Định đều có người làm việc tại Nhà máy này. Vào những năm 1980, vải lụa Nam Định – sản phẩm của Nhà máy – là một thương hiệu nổi tiếng.

Hình thành, đứng chân, phát triển ở TP Nam Định hàng trăm năm, Nhà máy Dệt Nam Định đã để lại nhiều dấu ấn ở thành phố này. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy…

Nhà máy Dệt Nam Định từng 3 lần được đón Bác Hồ về thăm. Cả 3 lần Bác về thăm, bà Vũ Thị Bích Liên đều được gặp Bác. Trong ảnh, bà Liên là người cầm hoa.

Tiếng còi tầm của Nhà máy Dệt Nam Định là âm thanh quen thuộc của nhiều thế hệ người dân Thành Nam. Hình ảnh nữ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đang đứng máy cũng rất quen thuộc, từng được in trên tờ tiền Việt Nam, mệnh giá 2000 đồng…

Cùng với nhiều nhà máy khác trên địa bàn, quy mô to lớn của Nhà máy Dệt Nam Định đã đưa TP Nam Định trong một thời kỳ dài được xem là thành phố công nghiệp, thành phố lớn thứ 3 ở miền Bắc sau Hà Nội, Hải Phòng; được người dân cả nước gọi thân mật là “Thành phố Dệt”.

Hình ảnh quen thuộc của Nhà máy Dệt Nam Định trên đường Trần Phú (TP Nam Định) trước khi được di dời. Ảnh do PV Đại Đoàn Kết ghi lại năm 2016.

Tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại khá dài của mình, Nhà máy Dệt Nam Định cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn.

Sau 118 năm đứng chân ở nội thành TP Nam Định, từ năm 2016, Nhà máy Dệt Nam Định đã  từng bước được di dời ra KCN Hòa Xá, nằm ở ngoại ô TP Nam Định.

Hiện tại vị trí Nhà máy Dệt Nam Định trước đây đã nhường chỗ cho Khu đô thị dệt may.

Theo: đaioanket.vn

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *