Thôn Xương Điền thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định) là xóm đạo Công giáo. Xóm đạo xưa kia được biết đến là một làng chài nghèo rớt mồng tơi và có nhà thờ đổ hoang sơ đẹp đến hút hồn. Nhưng ngày nay, với sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của bà con giáo dân, nơi đây đã trở thành vùng đất giàu có, trù phú.
Nhà thờ đổ ở Hải Hậu tên thật là gì?
Chúng tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường đê bao ven biển thuộc huyện Hải Hậu, biển hôm nay xanh biếc, gió nhẹ nhẹ thổi mang lại một trạng thái thư thái, khoáng đạt, sự bình yên trong tâm hồn khi nhịp sống đâu đó nơi phố xá dường như đang trở nên vội vã, gấp gáp lên…
Tới xã Hải Lý, chúng tôi không thể rời mắt được nhà thờ đổ sát mép biển. Ngay từ xa, dưới những tia nắng yếu lúc bình minh, nhà thờ đổ hiện lên đẹp như điểm xuyết lôi cuốn mắt nhìn nơi tít tắp đường chân trời mặt biển.
Khung cảnh nhà thờ đổ ở một vùng biển nơi thôn quê bình yên đến lạ thường.
Nhà thờ đổ Nam Định nằm ở thôn Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km và cách TP Nam Định khoảng 40km.
Được sự giới thiệu của một vị cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà cụ Đỗ Văn Huân (82 tuổi – người cao tuổi nhất thôn Xương Điền), người đang nắm rõ nhất về gốc tích nhà thờ đổ.
Cụ cho biết, năm 1877 thành lập giáo họ Lái Tim và bà con giáo dân cùng nhau xây dựng lên một nhà thờ nhỏ. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp hoàn toàn bằng cỏ tranh nên được gọi là nhà thờ “chay”.
Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, làng chài Xương Điền là xóm đạo Công giáo bị biển xâm thực và nhanh chóng bị xói mòn. Nhà thờ sau đó được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng hơn 10km so với vị trí cũ.
Năm 1917, nhà thờ họ Lái Tim được xây dựng lần thứ 2 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay (tức là nhà thờ đổ). Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m.
Tháp chuông nhà thờ cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu cổ điển rất công phu, đẹp mắt. Ngoài ra, nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.
Cụ Đỗ Văn Huân (82 tuổi – người cao tuổi nhất thôn Xương Điền) chia sẻ về gốc tích của nhà thờ đổ Nam Định.
Nhưng với sự xâm thực không ngừng của biển và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ lại một lần nữa phải di chuyển vào sâu trong đất liền và được xây dựng lần thứ ba, cách vị trí cũ 2.500m và có tên gọi khác là nhà thờ họ Thánh Tâm.
“Trải qua hơn 140 năm (từ năm 1877 đến nay), do bị biển xâm thực, nhà thờ xưa đã bị sụp đổ gần như hoàn toàn. Dấu tích còn sót lại chỉ là một phần của tháp chuông nhà thờ trên bãi biển. Cũng vì thế mà nhiều người dân trong vùng vẫn quen gọi bằng cái tên dân dã: “Nhà thờ đổ” và giờ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Nam Định” – ông Huân cho biết thêm.
Sau 140 năm, nhà thờ đổ Nam Định vẫn giữ được tháp chuông, nền và một phần tường phía Bắc như hiện nay.
Theo ông Huân, năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, “xóa sổ” ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền – Văn Lý đồng thời “cuốn” theo cả các nhà thờ ven biển khác. Nhưng kỳ lạ, nhà thờ đổ vẫn trụ vững vượt qua cơn bão biển hung dữ…
Chỉ còn lại duy nhất nhà thờ họ Lái tim vẫn giữ được tháp chuông, nền và một phần tường phía Bắc như hiện nay. Để bảo vệ những dấu tích cuối cùng của nhà thờ, tỉnh Nam Định đã xây dựng hệ thống kè chắn sóng, tôn nền cùng hệ thống tường rào bảo vệ xung quanh di tích nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và góp phần gia cố cho nhà thờ đổ.
Kinh doanh sầm uất, nhà hàng, khách sạn ….mọc lên như nấm quanh nhà thờ đổ ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Nhà thờ đổ làm thay đổi một vùng quê nghèo
Khi đến thôn Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, điều khiến mọi người phải “lác mắt” là cứ cách vài mét lại có một biệt thự, ngôi nhà cao tầng.
Nhà cao tầng ở xóm đạo Xương Điền mọc lên san sát, hoạt động kinh doanh sôi động, cộng thêm đường sá rộng rãi…khiến vùng đất này ngày càng giàu có, trù phú.
Đặc biệt, thời gian gần đây nhà thờ đổ trở thành địa điểm nổi tiếng và ngày càng có nhiều du khách kéo về đây tham quan, chụp ảnh, khám phá. Chính vì vậy bà con giáo dân trở nên năng động, các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… mọc lên rất nhiều.
Xóm đạo nghèo năm nao giờ đây như bừng tỉnh trong công cuộc đổi mới…Người làm dịch vụ du lịch, người tiếp tục đánh bắt hải sản ngoài biển và bán cho khách du lịch…
Một góc nhỏ của thôn Xương Điền, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá khang trang rộng rãi.
Giá đất ở thôn Xương Điền vì vậy tăng vọt, thậm chí nhiều người cho biết có tiền cũng không dễ mua đất mặt tiền ở đây. Theo chia sẻ của một người dân trong xã, đất mặt tiền thôn này đều tăng cao trong 2 năm nay, trung bình mỗi mảnh có giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên ở đây, thôn lại có hơn 70% hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, chỉ có 30% số hộ còn lại là làm ngành nghề khác. Cái chuyện chồng đi ra biển bắt tôm cá, vợ ra phụ mà xây nhà tầng ở đây là chuyện quá bình thường…
Nhà thờ đổ đơn sơ mộc mạc, bình yên… đây chính là những điều mà du khách thích nhất.
Hơn 70 % hộ dân ở xóm đạo Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định làm nghề đánh bắt thủy sản.
Theo những người dân ở đây cho biết, khoảng 7-8 năm trở lại đây, khách du lịch kéo về đây ngày càng đông. Công việc buôn bán ở xóm đạo trở lên thuận lợi hơn trước rất nhiều. Mọi người không còn phải đi chợ xa như ngày trước để bán cá, tôm nữa.
Bây giờ thuyền chỉ mới vào bờ là khách du lịch túm đến xem và mua cá, tôm, cua biển, nghẹ biển, bề bề về làm quà.
Gia đình anh Phạm Văn Tung ở thôn Xương Điền, làm nghề bám biển mấy chục năm nay, cả gia đình bao năm nay cũng chỉ trông chờ vào cái nghề này. Nhờ được thiên nhiên ban cho nguồn hải sản phong phú, gia đình anh có thu nhập ổn định, có tiền xây nhà cửa, lo cho các con ăn học.
Anh Phạm Văn Tung làm nghề đánh bắt cá đã mấy chục năm nay, công việc này giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định.
Vừa gỡ cá gần nhà thờ đổ, anh Tung vui vẻ chia sẻ, nghề này thu nhập tuy không cao nhưng ổn định, chỉ cần thuyền ra khơi là hai vợ chồng có thể kiếm được tiền triệu. Ngày nào may mắn thì cũng kiếm được vài triệu, ngày ít cũng phải có vài trăm ngàn trở lên.
“Tôm, cua, cá …sau khi bắt lên thì phần lớn là bán cho khách du lịch, vừa bán được giá cao hơn mà không phải đi xa như trước. Để được như vậy là bà con chúng tôi nhờ vào cả nhà thờ đổ này, thôn Xương Điền phát triển hơn trước cũng nhờ cả vào đây”- anh Tung tâm sự.
Hải sản, trong đó có những con tôm tít to bự, tươi roi rói sau khi được đánh bắt lên bờ, phần lớn sẽ được bà con ở đây bán cho khách du lịch.
Trò chuyện với DANVIET.VN ông Nguyễn Văn Hòa, trưởng thôn Xương Điền vui vẻ cho biết, thôn Xương Điền và xã Hải Lý của chúng tôi đã vinh dự được nhận danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Nam Định. Nói về nhà cao tầng thì thôn chúng tôi nhiều nhất xã, thậm chí đi dọc ven biển của huyện Hải Hậu không có thôn nào nhiều nhà cao tầng hơn thôn Xương Điền.
Nói về sự phát triển của thôn Xương Điền, ông Hòa cho hay, khoảng bảy năm về trước thì thôn Xương Điền vẫn nghèo như bao làng chài ven biển khác, cuộc sống vất vả lam lũ. Nhà thờ đổ chỉ là cái bến bãi cho bà con mỗi lần đi đánh bắt hải sản về.
Ông Nguyễn Văn Hòa, trưởng thôn Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, (tỉnh Nam Định) dẫn phóng viên đi thăm quan nhà thờ đổ và chia sẻ về sự phát triển của thôn Xương Điền.
Nhưng từ 7 năm đổ về đây, khách du lịch ở khắp mọi nơi về đây thăm quan, chiêm ngưỡng nhà thờ đổ ngày càng đông.
Cũng từ đó đời sống nhân dân trong xóm đạo Xương Điền thay đổi hẳn. Nhân dân nói chung và bà con giáo dân đạo Công giáo thôn Xương Điền có của ăn của để, xây nhà tầng san sát, nhiều hộ khá giả hơn thì mở nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh phục vụ khách du lịch.
“Nhìn chung, thôn Xương Điền giàu có, phát triển như ngày hôm nay cũng một phần nhờ vào nhà thờ đổ. Ngoài ra cũng nhờ sự chịu thương, chịu khó của bà con, trong đó có bà con giáo dân cùng nhau tập trung phát triển kinh tế,và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn”- vị trưởng thôn này cho hay.
Nguồn: https://danviet.vn/nam-dinh-xom-dao-tru-phu-dan-giau-o-nha-lau-dep-noi-co-nha-tho-do-noi-tieng-nhat-viet-nam-20210414230205642.htm