Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng… về gốc

(Dân trí) – Theo quy luật, những chiếc lá già sẽ rụng về gốc để nuôi cây. Ở vùng đất cố đô Hoa Lư có một nghề độc lạ, đó là không cho lá rụng về gốc mà “bắt” chúng “lên tiếng” tạo ra nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 1
Vùng đất cố đô Hoa Lư – Ninh Bình nổi tiếng với các điểm du lịch hấp dẫn, trong đó có con đường hai bên trồng toàn cây bồ đề dài nhiều cây số mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, chụp ảnh.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 2
Ngoài con đường cây bồ đề, ở chùa Bái Đính – ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam cũng là nơi có số lượng cây bồ đề “khủng”. Từ những chiếc lá bồ đề già, ở Ninh Bình nhiều năm qua đã có thêm nghề độc lạ “thổi hồn” để cho những chiếc lá bồ đề “biết nói”.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 3
Những chiếc lá bồ đề già khi sắp rụng được bà con xã viên ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thu hái để làm nguyên liệu làm tranh lá bồ đề, hay các sản phẩm quà lưu niệm từ những chiếc lá mang đậm nét Phật giáo.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 4
Anh Hoàng Thanh Phương – Chủ phòng tranh Bồ Đề Tây Phương (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, những chiếc lá bồ đề già to, đẹp sẽ được bà con xã viên thu hái, sau đó về ngâm trong nước vôi 60 ngày để lấy xương lá. Xương lá được đem phơi khô, nhuộm màu làm nguyên liệu chính tạo ra những bức tranh lá bồ đề.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 5
Nghề độc lạ “bắt” những chiếc lá bồ đề “lên tiếng” ở Ninh Bình hiện nay có gần 100 người tham gia. Từ việc thu hái lá bồ đề cho đến sơ chế, nhuộm màu, làm ra các sản phẩm lưu niệm… được những người trong nghề ví von là nghề “không cho lá rụng về gốc”.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 6
Anh Hoàng Hoài Nam chia sẻ, để làm ra một bức tranh lá bồ đề là hành trình khá dài. Vào tháng 7, tháng 8, các xã viên HTX Sinh dược sẽ tham gia thu hái lá trên cây, bởi đây là thời điểm xương lá dày dặn, thời tiết thuận lợi cho việc ngâm, chải lá. Lá được phơi khô, nhuộm màu sau đó mới có thể làm tranh.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 7
Theo anh Lương Thanh Tùng, mỗi bức tranh lá bồ đề được làm từ 7 – 10 ngày, hoặc có thể lâu hơn, tùy vào kích thước hay độ khó khác nhau. Đối với những bức tranh dát vàng, pha trộn thêm chất liệu khác thời gian lâu đến cả tháng bởi quy trình chế tác rất khắt khe, tỷ mỉ, người thợ không thể làm nhanh được.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 8
Anh Nam tâm sự, nghề “thổi hồn” cho lá bồ đề “biết nói” cần những người có đôi bàn tay khéo léo, tính tình thật kiên trì, quá trình sáng tác không được nóng vội. Bởi tranh lá bồ đề ngoài mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ còn có ý nghĩa sâu sắc liên quan đến Phật giáo, giúp con người giác ngộ.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 9
Đa phần các sản phẩm làm từ tranh lá bồ đề mà các nghệ nhân ở vùng đất cố đô Hoa Lư đang làm để phục vụ cho du khách đều liên quan đến các câu chuyện về Đức Phật. Dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật đã giác ngộ.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 10
Mỗi bức tranh lá bồ đề được bán với giá tiền triệu, có những bức giá hàng chục triệu đồng. Nhờ nghề làm tranh lá, hiện nay có khoảng 40-50 người ở Ninh Bình đang có thu nhập ổn định với các công việc liên quan đến các công đoạn làm ra những bức tranh nổi tiếng này.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 11
Anh Hoàng Hoài Nam làm việc tại xưởng tranh Bồ đề Tây phương với công đoạn điêu khắc và sắp đặt tranh lá bồ đề chia sẻ: “Mình làm việc ở đây thu nhập theo doanh số. Gắn bó với công việc làm tranh lá bồ đề, mình không chỉ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn được thỏa mãn niềm đam mê. Mỗi tác phẩm làm ra đến tay mọi người sẽ lan tỏa được ý nghĩa sâu xa của cây, lá bồ đề. Đây cũng chính là làm cho những điều tốt đẹp được lan tỏa”.
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Không cho lá rụng... về gốc - 12
Anh Hoàng Thanh Phương cho biết, dịp cuối năm và đầu năm mới du khách đến Ninh Bình du lịch tăng cao, các sản phẩm từ tranh lá bồ đề làm ra đến đâu khách mua hết đến đó. Để đủ nguyên liệu làm tranh, hiện phòng tranh của anh cùng Hợp tác xã Sinh Dược đang nghiên cứu để trồng thêm nhiều diện tích cây bồ đề hơn nữa để thu hái lá phục vụ làm tranh. Anh Phương hy vọng, năm mới sẽ tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động địa phương khi dòng tranh lá bồ đề của Ninh Bình đang được nhiều khách hàng tin dùng.

Theo: dantri.com.vn

Advertisement

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *