Nhà khoa học không tai quê Thái Bình: “Hãy xem tôi là người bình thường, đừng nghĩ tôi là người khuyết tật vươn lên”

Kể từ khi sinh ra anh Chinh đã mang nhiều dị dạng, từ khuôn mặt không có xương gò má, 2 vành tai gần như biến mất, cho đến miệng bị hở hàm ếch, đôi mắt trũng sâu to bất thường… nhưng nhờ tình yêu thương vô bờ của cha mẹ và nỗ lực của bản thân, giờ đây anh đã đạt được nhiều thành công khiến mọi người phải ngưỡng mộ.

Phạm Đức Chinh sinh ra với những gì đau đớn nhất mà một đứa trẻ phải gánh chịu. (Ảnh qua Zing)

Chàng trai 26 tuổi Phạm Đức Chinh đến từ xã Đông Vinh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Hằng ngày anh Chinh đều bắt đầu công việc tại phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội từ sớm.

Thông thường, cứ đúng 7h, anh sẽ đến phòng lab để kiểm tra tình trạng vận hành máy móc, sau đó hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp hoặc làm các thí nghiệm nghiên cứu.

Nhìn chàng trai dị dạng sọ mặt, không có gò má, không vành tai và ống tai, hở hàm ếch, ít người nghĩ rằng anh là một người tài giỏi nằm trong top 20 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đang đảm nhiệm vai trò là trợ lý nghiên cứu tại Viện. Đây là công việc mơ ước của nhiều người, nhưng con đường anh đến với nhiệm vụ này khó hơn rất nhiều so với những người khác.

Ngay từ khi mới sinh ra anh đã bị dị dạng khác hẳn những đứa trẻ bình thường khác. Thương con, bố mẹ cũng đã mang anh đến khắp các bệnh viện lớn, nhỏ để phẫu thuật, tìm lại cuộc đời cho con. Anh Chinh đã phải phẫu thật hở hàm ếch để có thể nói được, phẫu thuật tái tạo lỗ tai, cấy ghép vành tai. Các y bác sĩ cũng đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể giúp anh có được đôi tai như ước muốn.

Thế rồi căn bệnh dị tật bẩm sinh theo anh từ khi còn nhỏ, chính vì thế nên thính giác của anh không tốt, việc nghe gặp nhiều khó khăn. Năm 7 tuổi, khi bắt đầu có nhận thức về thế giới bên ngoài, anh bắt đầu cảm nhận rõ sự khác biệt của mình với mọi người.

Tuy nhiên, dường như trời sinh anh đã có sức mạnh tinh thần mãnh liệt, anh nhanh chóng thích nghi và nỗ lực để tiếp tục đến trường. Lên lớp 8, Đức Chinh được làm quen với môn Hoá học, từ đó anh nhận ra “tương lai của mình đây rồi”. Mỗi ngày được học hóa chính là niềm vui để anh đến trường. Nhờ vậy mà thành tích học tập của anh Chinh cải thiện rõ rệt, từ học sinh trung bình, anh vươn lên thành học sinh khá, giỏi.

Khoảng thời gian đi học này, mặc dù luôn phải đối mặt với ánh mắt kỳ thị, những lời trêu đùa ác ý của bạn bè, song, không vì thế mà anh mặc cảm, tự ti. “Mọi người đều nghĩ mình không thể đi học, thậm chí còn có lời đồn ‘vì khuyết tật nên được thầy cô nâng đỡ’. Lời xúc phạm nhiều đến nỗi không thể kể ra hết trong một ngày”, anh Chinh tâm sự.

Và cứ thế, năm tháng dài lặng lẽ trôi qua, chẳng mấy chốc anh Chinh đã trở thành sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, anh cống hiến hết tinh thần, sức lực cho việc học. Đến năm 2017, anh vinh dự tốt nghiệp loại giỏi top 20 của trường và được giữ lại làm việc tại Viện nghiên cứu và phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên của trường.

Năm năm đi học Đại học, anh Chinh đều đặn đạp xe đến trường, không nghỉ buổi nào, bất kể thời tiết nắng mưa. (Ảnh qua Vnexpress)

Hai năm sau, anh tiếp tục học lên cao học và trở thành trợ lý nghiên cứu, phát triển các ứng dụng hợp chất thiên nhiên của trường. Hiện, anh đã viết được 3 bài báo nghiên cứu khoa học, trong đó có một bài báo quốc tế.

Anh Chinh chia sẻ rằng công việc nghiên cứu rất bận và phải đầu tư nhiều thời gian. Thế nhưng, việc được làm nghiên cứu khoa học, chìm đắm trong các thí nghiệm giúp anh quên hết mọi muộn phiền và khó khăn trong cuộc sống.

Cũng chính vì thế mà trong thời gian rảnh, anh rất thích đọc sách để trau dồi thêm kiến thức cho mình. Những cuốn sách nghiên cứu được anh gối đầu giường, “thích là với tay lấy đọc”.

Chinh làm việc tại phòng thí nghiệm. (Ảnh qua Vnexpress)
Đức Chinh cho biết, mình không khác gì người bình thường, làm những công việc bình thường chứ không phải là một người “khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.” (Ảnh qua 24H)

Tự nhận mình là người lạc quan, anh Chinh cho biết chưa bao giờ thấy tủi thân vì sinh ra khác biệt. Anh luôn dặn mình phải thích nghi và đi lên bằng chính khả năng của mình. Anh cho biết bản thân rất tâm đắc với câu nói: ‘Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn và học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau.’

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Chinh cho biết mình sẽ tiếp tục nghiên cứu khoa học để phát triển năng lực bộ môn mà bản thân đang theo học. Và giờ đây, tâm nguyện lớn nhất của anh chỉ gói gọn trong một câu: “Hãy xem tôi là một người bình thường, đừng nghĩ tôi là người khuyết tật vươn lên.”

Yên Yên (t/h)

Nguồn: https://tinhhoa.net/nha-khoa-hoc-pham-duc-chinh-hay-xem-toi-la-nguoi-binh-thuong-dung-nghi-toi-la-nguoi-khuyet-tat-vuon-len.html

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *