Ở nơi này của Thái Bình, nông dân rủ nhau ra đồng, cuốc các ụ đất bất ngờ lộ ra thứ củ mọc từng chùm

Những ngày này, nhiều hộ dân xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đang tấp nập thu hoạch củ sắn dây. Cây sắn dây là cây trồng được các hộ dân liên kết thành tổ hợp tác để sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sắn dây vừa là thực phẩm vừa là loại cây dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Lá sắn dây, thân cây sắn dây và củ sắn dây có thể dùng để giải rượu, trị rắn cắn, điều trị nhiệt miệng, sốt, đái tháo đường, tăng huyết áp, đau mỏi vai gáy nên từ lâu nhiều gia đình đã sử dụng sắn dây, bột sắn dây như một thực phẩm không thể thiếu.

Ở nơi này của Thái Bình, nông dân rủ nhau ra đồng, cuốc các ụ đất bất ngờ lộ ra thứ củ mọc từng chùm - Ảnh 1.

Mô hình trồng sắn dây của anh Phạm Văn Toản, thôn Bắc Dũng, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho thu nhập cao.

Tại xã An Đồng, anh Phạm Văn Toản, thôn Bắc Dũng là một trong những người đầu tiên ở địa phương đưa cây sắn dây vào trồng với quy mô lớn.

Năm 2018, sau khi nghiên cứu, học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn dây tại Hải Dương, anh Toản đã thuê lại gần 4ha của 40 hộ dân để cải tạo, chuyển đổi trồng cây sắn dây.

Vụ đầu tiên anh trồng 400 gốc sắn dây, sau 10 tháng cho thu hoạch trên 40 tấn củ, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Đến năm 2019, gia đình anh mở rộng quy mô, trồng gần 1.000 gốc sắn dây, năng suất trên 100 tấn củ, với giá bán tại vườn 9.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về gần 500 triệu đồng.

Anh Toản chia sẻ: Sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, muốn có năng suất cao, ngoài khâu chăm sóc thì khâu đắp ụ, làm giàn cần phải đặc biệt quan tâm.

“Theo đó, tôi phải đắp đất thành ụ nổi cao trên 1m, đất được trộn đều với phân lân và phân NPK với liều lượng 9 – 12kg/ụ; trên ụ làm cọc tre và dây thép để làm giàn cho dây sắn leo. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, ụ trồng sắn dây phải to, bảo đảm cho củ sắn phát triển, đất phải mới, càng tơi xốp thì củ sắn dây càng to; giàn phải đủ cho dây sắn leo và đủ khỏe, tránh dây sắn leo trên giàn quá dày dẫn đến quang hợp kém…”, anh Toản hé lộ.

Đặc biệt, anh Toảng không để dây sắn chạm đất, sẽ đâm rễ tạo gốc mới dẫn đến giảm năng suất. Với cách trồng này, cây sắn do anh trồng không chỉ cho củ to, đều mà còn dễ thu hoạch.

Về thời vụ trồng, nên trồng từ tháng 3, tháng 4 âm lịch để cây có thời gian tích lũy tinh bột cao nhất, sau 9 – 10 tháng cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi cây chuẩn bị rụng lá, đây là thời điểm cây tích lũy hàm lượng tinh bột rất cao.

Ở nơi này của Thái Bình, nông dân rủ nhau ra đồng, cuốc các ụ đất bất ngờ lộ ra thứ củ mọc từng chùm - Ảnh 3.

Các thành viên trong tổ hợp tác thu hoạch cây sắn dây của thôn Bắc Dũng, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Hiện nay, ngoài 4ha trồng sắn dây anh Toản còn tích tụ gần 6ha nữa để làm trang trại tổng hợp nuôi gà, vịt đẻ, nuôi 25 con trâu, gần 200 lợn thịt, mỗi năm sau khi trừ chi phí anh “bỏ túi” gần 2 tỷ đồng.

“Ngoài ra, mô hình của tôi tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên, lao động thời vụ với thu nhập bình quân 5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng…”, anh Toản chia sẻ.

Từ hiệu quả mô hình trồng sắn dây của anh Toản, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã An Đồng đã học tập kinh nghiệm, liên kết với gia đình anh Toản làm tổ hợp tác sản xuất sắn dây với 12 hộ tham gia.

Ông Nguyễn Văn Tú, thôn Vũ Xá chia sẻ: Năm nay sắn dây đẹp, hàm lượng tinh bột cao và bán được giá hơn những năm trước. Sản lượng sắn dây hiện tại của gia đình tôi không đủ cung ứng cho các thương lái từ các nơi về thu mua.

Gia đình ông Tú trồng 2 mẫu sắn dây, ông không bán củ tươi cho thương lái mà thu hoạch chế biến bột sắn dây để bán, làm như vậy mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ít bị thương lái ép giá. Cứ 6kg củ sắn dây sẽ chế biến được 1kg bột sắn dây, 1kg bột sắn dây có giá bán từ 90.000 – 120.000 đồng. Với diện tích 2 mẫu, trừ chi phí gia đình ông thu gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cho biết: Tổ hợp tác trồng sắn dây được thành lập năm 2020 với 12 hộ hội viên nông dân tham gia, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, kỹ thuật trồng sắn dây hiệu quả. Các thành viên trong tổ hợp tác còn hỗ trợ nhau về đầu ra, nguồn vốn, giống cây chất lượng để cùng nhau phát triển sản xuất.

Không chỉ có tổ hợp tác trồng sắn dây, Hội Nông dân xã An Đồng hiện còn quản lý 52 mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã dược liệu. Tổ chức hội đứng ra tín chấp với các ngân hàng trên 14 tỷ đồng giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất.

Hàng năm, Hội phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; năm 2020 phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng trên 25 tấn phân bón trả chậm giúp hội viên yên tâm sản xuất.

Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã thành lập, Hội Nông dân xã An Đồng sẽ chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng mọi nguồn lực đất đai để trồng những loại cây đem lại hiệu quả cao, trong đó có cây sắn dây nhằm giúp hội viên nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Nguồn: Dân Việt

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *