Sinh ra lớn lên ở Hà Nội, nhưng quê vẫn là Nam Định. Tôi khá bối rối trước câu hỏi “quê ở đâu”.

Tôi khá bối rối trước câu hỏi “quê ở đâu”.

“Quê cháu ở đâu?”, bác bán trái cây hỏi tôi, trong lúc bác chọn ra những trái xoài chín nhất để vào túi nylon cho tôi. Chúng tôi đang ở một góc khu phố cổ Hà Nội, ba ngày sau khi tôi trở lại Việt Nam.

“Quê cháu ở Nam Định”, vừa dứt lời, tôi chợt nhận ra đã lâu lắm rồi mình mới lại được nói câu ấy. Ở Mỹ, khi mọi người hỏi tôi là người nước nào, tôi luôn nói với họ rằng tôi đến từ Việt Nam với không chút do dự, như thể tiếng mẹ đẻ của tôi lúc ấy là tiếng Anh vậy.

Phần khó là khi mọi người hỏi tôi đến từ đâu ở Việt Nam. “Tôi đến từ Hà Nội”. Tôi thường trả lời, vì tôi biết hầu hết những ai bên Mỹ khi nhắc tới Việt Nam đều biết rằng Hà Nội là thủ đô của nước mình.

Tuy vậy, mặc dù tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố mẹ tôi đều quê ở Nam Định. Vì vậy, có thể nói rằng tôi cũng là một người quê ở Nam Định. Ông bà tôi hiện vẫn đang sinh sống ở Nam Định, cũng như nhiều cô, chú, bác và họ hàng tôi.

Gia đình tôi thường về thăm quê mỗi năm hai lần. Thú vị thay, sau khi nghe tôi trả lời rằng tôi quê Nam Định, bác bán trái cây tỏ vẻ hài lòng, quay ánh mắt trở lại vào túi xoài và bắt đầu hỏi tôi về trường học.

Cuộc nói chuyện giữa tôi và bác về quê tôi kết thúc ở đó, bởi vì tôi đã cho bác một câu trả lời bác mong đợi. Lý do cho điều này đến từ những giả định người Việt sẵn có về quê quán của nhau.

Điều tôi nhận thấy ở người Việt mình, đặc biệt là đối với những người thuộc thế hệ trước, là khi họ nghĩ về quê hương, hình ảnh thành phố thường không xuất hiện trong đầu họ.

Thay vào đó, những gì họ thường liên tưởng tới là cánh đồng lúa chín vàng, là cây đa nơi đầu làng, là những ngôi nhà cũ kỹ xây từ thời chiến, những đường mòn quanh co, hay đơn giản là những tiếng cười nói đầy ấm áp và chân thành.

Lý do cho điều này là vì các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn là nơi mà người dân từ các vùng miền khác nhau trên tổ quốc đến làm ăn, trong khi những vùng nông thôn, nơi vẫn còn ghi dấu chiến tranh, nơi họ sinh ra và lớn lên, mới thực sự là quê của họ.

Ở Nam Định, đường sá đều đã được trải bê tông và hầu hết các ngôi nhà từ ngày xưa đã được sửa sang lại, nhưng những tòa nhà mang kiến trúc Pháp và những chiếc xe máy cổ tràn ngập trên đường phố khiến dấu vết lịch sử không thể bị xóa nhòa.

Và mặc dù hình ảnh này không quá quen thuộc với lứa tuổi thuộc thế hệ trẻ như tôi, nó vẫn “sống” trong thế hệ cũ, trong tiềm thức ông bà và bố mẹ tôi, và trong cả bác bán trái cây tôi nói chuyện cùng ở phố cổ.

Hình ảnh quê hương dường như gợi lên trong lòng những người lớn tuổi một nỗi bâng khuâng khó tả. Bất cứ khi nào chúng tôi về Nam Định, bố tôi đều dẫn tôi đi thăm đường sá, thi thoảng lại chỉ xung quanh. “Ngày xưa bà hay bắt bố đi giặt quần áo ở con sông này. Hồi đấy sông này vừa trong vừa sạch, bố toàn mải bơi quên cả giặt đồ. Về kiểu gì cũng bị ăn chửi.” Trí nhớ bố tôi quả thực đáng kinh ngạc. “Ngày xưa lúc bố đang ngồi dưới cái cây này, thì có ông lão đi qua bảo lòng bàn chân bố phẳng quá, không làm nông dân được, sau này nên lên thành phố làm việc”.

Có khi, bố lại chỉ vào một nơi chẳng còn tồn tại. “Thấy cái nhà bỏ hoang kia không? Nó từng là tiệm bán bánh mì. Lần đầu tiên được bà cho tiền, bố đã mua một ổ bánh mì đen ở tiệm này. Nhưng vừa cắn thử miếng đã thấy vừa khô vừa nhạt. Đúng là không gì bằng được cơm gạo”.

Mặc dù cả bố và tôi đều quê Nam Định, trải nghiệm của chúng tôi ở quê rất khác nhau. Trong khi Nam Định nuôi nấng bố tôi và lưu giữ kỷ niệm thời thơ ấu của ông, nơi ấy đối với tôi chỉ đơn thuần là nhà ông bà và là nơi của các bữa ăn gia đình.

Mỗi khi tôi không về Việt Nam ăn Tết, Nam Định trong tôi lại vang vọng những tiếng nói đầy thất vọng của ông bà về việc tôi không thể về thăm họ thường xuyên. Chẳng bao lâu nữa, Nam Định sẽ chỉ còn tồn tại trong tôi qua những kỷ niệm. Tuy vậy, mặc dù tôi không sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nơi ấy đối với tôi vẫn là một nơi đầy quý giá. Hai lần trong năm tôi về thăm quê là Tết Nguyên đán và ngày giỗ ông cố.

Trong hai dịp đó, sự có mặt của mỗi thành viên trong gia đình quan trọng đến mức nó gần như là một quy luật của gia đình. Tuy vậy, đó là một quy luật tôi luôn vui vẻ tuân theo, bởi vì tôi luôn cảm thấy được là chính mình khi được vây quanh bởi gia đình và người thân. Tết và ngày giỗ ông cố luôn rộn ràng với khuôn mặt những người tôi mến yêu, tiếng cười nói rôm rả và tiếng đũa bát leng keng.

Tiếng leng keng đó đã ăn sâu vào trí não tôi đến nỗi một lần khi tôi nghe thấy tiếng đó trong một nhà hàng bên Mỹ, tôi đã dừng mọi việc đang làm và ngơ ngác nhìn xung quanh. Vì vậy, tôi biết rằng dù có xa Nam Định bao lâu, Nam Định vẫn luôn là nơi tôi tìm về mỗi khi lạc lối, bởi tôi biết rằng ở nơi đó sẽ luôn có những vòng tay sẵn sàng chào đón tôi.

Trong khi đó, thành phố Hà Nội mặc dù là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nhưng với tiếng ồn ào không ngớt và nhịp sống hối hả, Hà Nội có thể là người bạn tri kỷ của tôi nhưng chứ không bao giờ là điều gì đó ăn sâu vào trái tim tôi như cái cách mà Nam Định đã làm.

Ở bên Mỹ, nhiều người Mỹ gốc Á thường thấy khó xử khi được hỏi về quê hương mình: họ thường không biết nên trả lời rằng họ là người Mỹ, hay là người từ nước mà họ (hoặc bố mẹ họ) được sinh ra.

Tôi nhận ra rằng người trẻ Việt mình cũng thấy bối rối với câu hỏi này. Dường như câu trả lời “Cháu quê ở Hà Nội” nghe có vẻ xa lạ đối với những người lớn tuổi. Việc sinh ra và lớn lên ở những nơi nông thôn trong chiến tranh đã ăn quá sâu vào tâm trí họ khiến họ khó có thể chấp nhận rằng những người trẻ như tôi bây giờ đang được nuôi nấng ở các thành phố lớn sầm uất. Mặc dù điều đó là dễ hiểu, nhưng khi Việt Nam tiếp tục đô thị hóa, những nơi mang đậm chất quê hương sẽ sớm chỉ còn tồn tại trong những cuốn sách Lịch sử.

Nhưng nếu những người lớn tuổi không thể phai mờ hình ảnh quê hương xưa trong họ, thì thay vào đó, điều chúng ta có thể làm là giải nghĩa câu hỏi “Quê cháu ở đâu?” khác đi. Tôi nói với bác bán trái cây rằng tôi quê Nam Định không phải vì Nam Định có tên trong giấy tờ của tôi, cũng chẳng phải vì câu trả lời đó nghe “vừa tai” đối với bác.

Tôi nói với bác tôi quê Nam Định vì Nam Định là nơi tôi luôn được là chính mình, như thể việc nói rằng tôi đến từ Nam Định cũng giống như nói rằng tôi đến từ chính tôi. Nói cách khác, tôi đến từ những bữa cơm gia đình đầy tiếng nói cười, từ bếp lửa than cháy đỏ về đêm và tất cả những điều khiến tôi cảm thấy như đang ở nhà. Bởi vậy, câu hỏi “Quê cháu ở đâu” đối với tôi giờ đây không còn là câu hỏi mang tính địa lý nữa, thay vào đó, nó sẽ là “Cháu đi đến đâu để tìm lại chính mình?”.

Nguồn: https://vnexpress.net/sinh-ra-lon-len-o-ha-noi-nhung-que-van-la-nam-dinh-4532366.html

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *