Việt Nam Ơi là một trong những cộng đồng giúp lan tỏa hình ảnh đẹp về con người, ẩm thực, địa danh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong lịch sử Việt Nam, có rất nhiều công trình được thế hệ trước xây dựng đến nay vẫn giữ được nét đẹp của nó.
Những công trình đó đã khiến Việt Nam càng trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè trên khắp năm châu. Chùa Keo, ngôi chùa được coi là “bảo vật” ở Thái Bình cũng đã tồn tại gần 4 thế kỷ nhưng vẫn sống bền bỉ đến ngày nay.
Chùa Keo nằm tại Thái Bình. (Ảnh: Pinterest)
Chùa Keo – ngôi chùa được coi là “bảo vật quốc gia”
Ngôi chùa được coi là “bảo vật quốc gia” này là Chùa Keo tọa lạc tại Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình. Đây là ngôi chùa được xây dựng trong 2 năm, từ năm 160 đến 1632. Đến nay, ngôi chùa này đã tồn tại được gần 4 thế kỷ.
Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ của Việt Nam có khuôn viên rộng khoảng 58.000m vuông và có 3 cái hồ lớn. Sau hàng trăm năm tồn tại, ngôi chùa hiện chỉ còn 17 công trình với 128 gian được xây dựng theo kiến trúc “nội công, ngoại quốc”.
Hai dãy hành lang của chùa có tổng cộng 66 gian được gọi là “tả vu, hữu vu”. Đây là nơi chuẩn bị đồ cúng lễ, dâng hương. Khu thờ Phật của chùa gồm: Chùa ông Hộ, tòa thiêu hương và điện Phật. Chùa Keo còn là nơi bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế lễ từ thời Lê.
Chùa Keo đã tồn tại gần 4 thế kỷ (Ảnh: Vietnamnet)
Mái chùa Keo được lợp ngói vảy cá mềm mại. Các góc mái được xây dựng theo kiến trúc đao góc, uốn cong chạm trổ hình rồng, hình cá chép hóa… Đây cũng là những hình chạm trổ thường thấy ở các ngôi chùa cổ khác.
Chùa Keo còn có gác chuông 3 tầng cao hơn 11m và là điểm nhấn của ngôi chùa. Tầng 1 dùng để treo khánh đá và chuông đồng đúc thời Lê Hy Tông (1686). 2 tầng còn lại dùng để treo chuông nhỏ.
Khuôn viên chùa cũng là nơi thanh tịnh với con đường xanh mát, rộng rãi. Vào năm 2012, chùa Keo được xếp hàng là Di tích Quốc gia đặc biệt, đến năm 2017, ngôi chùa này lại tiếp tục được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Các kèo của chùa được chạm trổ hình rồng. (Ảnh: Vietnamnet)
Toàn bộ ngôi chùa được làm từ gỗ lim
Điều đáng nói, toàn bộ ngôi chùa đều được làm từ gỗ lim và không hề sử dụng đinh tán để ghép các thành gỗ lại với nhau. Cách để nối các thanh gỗ được người xưa dùng mộng gỗ để ghép lại, các cột gỗ, kèo đều được chạm khắc tỉ mỉ hình rồng quyện lấy nhau.
Dù không dùng đinh tán nhưng kết cấu của chùa rất chắc chắn. Chính vì thế mà ngôi chùa này vẫn sống bền bỉ suốt gần 4 thế kỷ qua.
Để có được số lượng gỗ lim dùng cho việc xây dựng chùa, người dân đã phải mất khoảng 19 năm để gom gỗ. Theo Đại Đức Thích Thanh Quang – trụ trì chùa Keo cho hay, từ lúc chuẩn bị gỗ cho đến khi ngôi chùa được hoàn thiện là 21 năm.
Chùa Keo có khuôn viên rộng. (Ảnh: KTCN)
Bên trong một gian của chùa Keo. (Ảnh: Vietnamnet)
Số lượng gỗ lim được lấy từ nhiều nơi như Lào Cai, Yên Bái,… người dân đã phải vận chuyển bằng cách đi thuyền, bè, thậm chí là dùng trâu, ngựa làm sức kéo gỗ, mỗi năm người dân vận chuyển vất vả cũng chỉ gom được một ít gỗ.
Chùa Keo luôn giữ được sự sạch sẽ bởi vì những người dân ở đây luôn có ý thức giữ gìn, thường xuyên thay phiên nhau quét dọn. Theo trụ trì của chùa Keo, mỗi năm chùa cũng thành lập ban từ thiện để giúp đỡ những người khó khăn tại địa phương trong cả nước. Từng năm, nhà chùa sẽ cùng nhân dân tổ chức 2 chuyến trao quà từ thiện, một chuyến sẽ trao cho những người ở gần và một chuyến trao cho những người ở xa hơn.
Chiếc thuyền rồng bày trong chùa Keo. (Ảnh: Vietnamnet)
Những ngôi chùa cổ như chùa Keo giống như một “bảo vật” vô giá, một sản phẩm được xây dựng bởi mồ hôi, công sức của cha ông nhiều đời trước. Và có lẽ, những di sản như vậy càng khiến Việt Nam đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế, khiến cho bất cứ người con nào của dân tộc Việt Nam cũng phải tự hào vì sự bền bỉ của nó.
Đất nước ta dù là thời trước hay thời nay thì vẫn có nhiều điều cần được khám phá. Chính vì thế mà những cộng đồng như Việt Nam Ơi mới là nơi giúp những người yêu lịch sử văn hóa, yêu con người, yêu ẩm thực Việt Nam tụ hội. Hãy tham gia Việt Nam Ơi ngay để cùng nhau khám phá dải đất hình chữ S đầy tự hào nhé.