Những lời đồn đoán ngày một lan xa rằng trong hầm cổ ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam này có chôn giấu vàng và kho báu của phú hào thời xưa, cách hiện tại tới hàng trăm năm.
Hơn 20 năm phát hiện ra hầm cổ
Hỏi về những lời đồn đại xung quanh “hầm thần của” ngay dưới núi Trà Trâu khi đến thôn Thong 1, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam thì không ai là không biết.
Thế nhưng nếu hỏi về tính xác thực của lời đồn đó, ai cũng lắc đầu, kể cả ông Lê Đình Bảng (SN 1964), gia chủ ngôi nhà nằm sát cửa hầm cũng không thể khẳng định.
Ông Bảng nhớ lại về giai đoạn phát hiện ra căn hầm bí ẩn cạnh nhà mình là vào năm 1994, khi ông thuê người đến đào đất ở ngọn núi cạnh nhà để xây nhà. Khi đào vào cách mặt đường khoảng 20m thì bất ngờ cửa hầm hình cánh cung xuất hiện.
Ông Bảng lệnh cho đội đào bới dừng lại để xem xét kỹ lưỡng đó là hầm gì thì nhận thấy cửa hầm bí ẩn này được ngăn chặn bởi những viên gạch có hoa văn hình lưỡi búa, dày từ 3-5cm được xếp khéo léo vừa khít với nhau. Điều kì lạ là những viên gạch này không hề có chất kết dính ở giữa.
Ông Bảng cho báo Dân Trí hay: “Từ khi tôi sinh sống tại mảnh đất này, không thấy có chuyện kỳ lạ gì xảy ra, từ sức khoẻ cho đến việc làm ăn của gia đình tôi thấy đều tốt. Dù đã hơn 20 năm phát hiện ra hầm cổ, nhưng tôi vẫn luôn cho rằng đây là hầm mộ cổ chứ không nghĩ nó là hầm thần của. Nghĩ như vậy cũng là cách cho đầu óc nhẹ nhàng, chứ lỡ đào ra không có gì lại phạm vào tâm linh mà có đào ra thì phần đất dư tôi cũng không biết đổ đi đâu. Phần hầm mộ nằm trong sổ đỏ nhà tôi nên tôi sẽ cố gắng bảo vệ”.
Từng đoàn người săn lùng kho báu
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, kể từ sau ngày phát hiện ra căn hầm bí ẩn, gia đình ông Bảng thường xuyên phải đón tiếp những vị khách không mời mà đến, từ nhà khảo cổ, đến nhà địa lý, nhà sưu tầm đồ cổ,… Ai cũng khẳng định chắc nịch trong đó có kho báu cả tấn vàng, họ sẽ chia kho báu cho ông Bảng nếu ông cho họ vào tìm.
Dù ông cương quyết đuổi những kẻ hiếu kì đó đi nhưng lợi dụng đêm đến, họ sẽ mang theo máy dò tìm âm thầm mò xuống hang nhưng tất cả đều bất lực, không tài nào vượt qua được cửa hầm.
Ngay tại cửa hầm có một lỗ nhỏ rộng đủ thò được cả cánh tay vào, nhiều người thử sử dụng que dài cả 10m đưa vào trong mà vẫn không chạm tới đáy của hầm cổ này.
Những người làm thuê công việc đào đất xây nhà cho nhà ông Bảng lúc đó cũng từng tò mò đào sâu vào ngọn núi nơi phát hiện cửa hầm nhưng không có gì. Những điều này làm cho căn hầm trở nên bí ẩn, khiến lời đồn về “hầm thần của” ngày càng vang xa.
Một cao niên của làng Thong là cụ Bùi Ngọc Sách cũng cho hay, khi còn nhỏ từng nghe cha ông kể rằng trước đây người Trung Quốc đã đưa sang cả một đội quân tìm kiếm kho báu. Rồi đến những năm 1967, cũng có một đoàn người Trung Quốc đến “hầm thần của” nhưng do chiến tranh nên người dân thôn Thong không ai quan tâm đến việc họ làm.
Giải mã hầm thần?
Trước tình trạng lộn xộn khi nhiều người lạ tìm đến làng để thâm nhập vào “hầm thầm”, ngày 15/4/2009, UBND xã Thanh Tâm đã lập đoàn kiểm tra để bảo vệ di tích, chờ kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ Trung ương nên từ đó trở đi, ông Lê Đình Bảng bảo vệ hầm rất nghiêm ngặt.
Chuyện lạ về “hầm thần của” cũng đến tai PGS.TS Lâm Mỹ Dung, giám đốc Bảo tàng Nhân học, trường Đại học KHXH&NV lúc bấy giờ nên vào ngày 12/4/2009, bà đã tìm hiểu căn hầm và đưa ra nhận định được Dân Trí thuật lại như sau:
Đây là mộ Hán cổ, có kết cấu mộ gạch cuốn vòm, xếp bằng gạch múi bưởi, hoa văn ô trám, quy mô vào loại trung bình trong phức hợp mộ gạch cuốn vòm, có niên đại khoảng 2000 năm.
Hầm cổ tại thôn Thong chỉ là hầm mộ cổ chứ không phải là “hầm thần của” cất giấu nhiều vàng, châu báu mà nhiều người đồn đoán bởi “hầm thần của” thường được xây dựng bằng loại gạch đỏ tươi rất đẹp mắt, trên mỗi viên gạch có các hình hoa văn chữ A, chứ không phải là hoạ tiết hình búa hay ô vuông trám như hầm ở thôn Thong.
Nhiều năm trôi qua, câu chuyện “hầm thần của” ở Hà Nam đã lắng xuống, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân thôn Thong.
Nguồn: https://soha.vn/ha-nam-bi-an-ham-than-cua-chua-ca-tan-vang-28-nam-khong-tim-duoc-loi-vao-20220420165506236.htm