Thái Bình: Kỳ bí ngôi đền ngự trên đầu rồng không bao giờ cạn nước tại quê lúa Thái Bình

Đền Vua Rộc còn được gọi là đền “đầu rồng” vì theo thuật phong thủy, đó là vùng đất đắc địa với mũi rồng không bao giờ cạn nước.

Đền Vua Rộc ở thôn An Điềm, xã Vũ An (Kiến Xương, Thái Bình) còn chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ lạ liên quan đến một vị tướng thời nhà Lý.

Đền lạ trên đất thiêng

Đền Vua Rộc được coi là tứ linh từ (bốn ngôi đền thiêng) nổi tiếng của huyện Kiến Xương. Đền thờ Vua Rộc, một vị tướng phương Bắc nhưng theo gia phả còn giữ lại tại xã Vũ An thì Vua Rộc chính là Đoàn Thượng Công, một vị tướng tài năng thời nhà Lý đã ra sức giết giặc. Sau này được nhà Lý phong tước là Đông Hải và Tây Hải Đại Vương.

Đền nằm trên cánh đồng Rộc của thôn An Điềm, theo như các cao niên thì đây là đất long mạch, tức “đầu rồng”. Vùng đất dựng đền cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Khí hậu ở đây rất lạ lùng, mùa đông thì ấm áp, mùa hè lại rất mát mẻ.

Hiện tại, đền Vua Rộc còn tồn tại dấu tích được xác định là “đầu rồng”. Phía trước đền có hai cái ao nhỏ được gọi là mũi rồng. Ông Vũ Thượng Đốc, Thủ từ đền Vua Rộc cho hay: “Hai cái mũi rồng không bao giờ cạn nước. Còn phía trên có hai tai rồng lại không bao giờ ngập nước, dù có mưa to hay bão lụt lớn như thế nào”.

Cổng Hạ Mã của đền cao 27m. 

Phía trước cổng đền có gò đất “hình nhân bái tướng”, phía Nam lại nổi lên gò đất hình voi phục. Phía Bắc là gò con phượng (người dân gọi là Đồng Xuân, mùa xuân xuất hiện một con phượng từ gò đất này – PV). Trênhậu cung là gò hậu chẩm, tức là gối của vua. Đây là vùng đất cấm kỵ nên dân địa phương không ai dám làm mồ mả quanh đây.

Việc xây dựng đền Vua Rộc tại đây có liên quan đến truyền thuyết lạ lùng. Khi Đoàn Thượng Công bị địch chém đứt đầu nhưng không chết, vua Rộc một tay giữ đầu, một tay thúc ngựa giết giặc. Đến cánh đồng Rộc, vua gặp một bà lão bán nước đã hỏi, liệungười đứt đầu thì sống được không? Bà lão trả lời, người đứt đầu thì chỉ có chết. Tức thì vua Rộc chịu chết và được an táng tại gò đất cao nhất.

Mộ Vua Rộc ngày càng đùn to lên, chính vì vậy dân làng đã xây đền thờ tụng. Nhiều hiện tượng lạ xảy ra tại đây khiến người dân khiếp sợ không dám bén mảng. Chính vì vậy, giữa vùng đất lúa đã còn sót lại một cánh rừng già với các loại gỗ quý và cổ thụ bao quanh đền.

Chuông đồng cổ trong đền. 

Chuyện đôi rắn mào khổng lồ

Đền Vua Rộc lúc nào cũng thâm u bởi được phủ bởi những cây cổ thụ quý hiếm, qua cổng đền là ngũ môn đồ sộ cao tới 27m là thế giới của rừng nguyên sinh còn sót lại với Thiều Hoa, Bẹ Vàng, Móc, Màng Rề…

Chính vì vậy mà đền Vua Rộc không bao giờ thiếu vắng những con rắn hổ mang cực độc. Rắn ở đây nhiều đến nỗi xác da rắn lúc nào cũng la liệt khắp các cành cây. Tuy nhiên, ông Đốc khẳng định, rắn ở đây chưa bao giờ cắn ai.

Điều đặc biệt mà nhiều người ở Vũ An khẳng định là đôi rắn mào to như cái phích màu hồng đỏ thường xuyên leo trên mái đền. Chính ông Đốc đã từng hai lần nhìn thấy. Ông Đốc bảo: “Cả hai lần tôi đều nhìn tận mắt, mỗi con một bên mái đình nằm vắt vẻo trông rất khiếp sợ. Tôi còn từng thất kinh khi thấy một con rắn khổng lồ vào tận trong đền để lột xác”.

Đem chuyện này đến hỏi ông Phạm Văn Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ An, ông Khiêm cho hay: “Đúng là đền Vua Rộc có rất nhiều rắn, vì là rừng nguyên sinh nên rắn đến cư trú. Nhiều loại rắn to lớn mà không ai dám bắt, cũng không ai dám đánh đuổi chúng đi vì người dân quan niệm là rắn tu”.

Cây sanh ôm cây cọ cạnh mũi rồng bên phải. 

Phía cạnh hậu cung đền Vua Rộc còn một rừng tre lạ lùng vài trăm năm tuổi. Mỗi cây tre đều to hơn bình thường, thẳng tắp và dài đến 30m. Đặc biệt, gai tre to như chiếc đũa và cứng như đinh sắt. Tre mọc độc lập không thành bụi quanh một cái hố nhỏ.

Phía cạnh “mũi rồng” bên phải còn một cây sanh ôm chặt và bao quanh cây cọ trông rất kỳ lạ. Thậm chí cây sung cổ thụ cũng có bộ rễ rồng uốn lượn đẹp mắt. Trên thân cây xuất hiện những u bướu hình người với đủ mọi tư thế.

Ao mũi rồng không bao giờ cạn nước. 

Xâm phạm là bị trừng phạt

Vốn là một ngôi đền thiêng nhưng vẫn có trường hợp bị người dân xâm phạm. Theo lời ông Đốc, trước đây đền có 2 cây hoa ngọc lan và nhiều cây gỗ cổ thụ bị hai người dân hạ xuống. Sau một thời gian thì một người chết, người còn lại nằm liệt giường đến 7 năm trời.

Hay chẳng nói đâu xa, ngay trận bão số 8 vừa qua tràn vào Thái Bình khiến nhiều cây lớn trong đền bị đổ. Có người đã tự ý đem gỗ về nhà, nhưng chuyện chẳng lành xảy ra khi đôi mắt tự nhiên cứ mờ dần đi rồi mù hẳn. Đi bệnh viện chữa trị cũng không khỏi, cuối cùng phải lên đền làm lễ thì 3 ngày sau trở lại bình thường.

Thậm chí có người đi chợ qua cổng đền, vì trời nắng nên mới vào đền hái lá sen làm mũ. Chẳng ngờ, tâm trí cứ bị lú lẫn, ngồi mãi trong đền mà không cách nào ra ngoài được. “Chính vì sự linh thiêng của đền Vua Rộc nên bọn nghiện hút không bao giờ dám bén mảng vào đền hút chích hay trộm cắp gì”, ông Đốc cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những tin đồn tâm linh, đền Vua Rộc từ xa xưa đã trở thành nơi cầu duyên của các đôi trai gái. Chính vì vậy, vào ngày 5, 6 tháng Giêng hằng năm người dân đều tổ chức lễ hội rất trang trọng. Đền Vua Rộc từng là nơi sơ tán và hoạt động bí mật của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 2002, UBND tỉnh Thái Bình đã công nhận đền Vua Rộc là di tích lịch sử văn hóa.

“Đền Vua Rộc có giá trị tâm linh quan trọng đối với nhân dân địa phương, hằng năm vào ngày lễ hội, nhân dân thường tham dự để cầu cho quốc thái dân an. Chuyện tâm linh lạ lùng tại đền thì chúng tôi cũng có được nghe, nhưng thực tế thì không phải do thần thánh quở phạt. Tư liệu quý nhất về đền Vua Rộc còn lại mà chúng tôi đang giữ là bộ gia phả với những dòng ghi chép rất đầy đủ và tỉ mỉ”. Ông Phạm Văn Khiêm (Phó Chủ tịch UBND xã Vũ An)
PV / kienthuc.net.vn

Nguồn: https://kienthuc.net.vn/di-san/den-dau-rong-ky-la-o-thai-binh-187635.html

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *