Chùa Keo Thái Bình nổi tiếng bên trong cất giữ bảo vật quốc gia độc bản, có bao nhiêu người biết đó là vật gì?

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã lựa chọn Hương án chùa Keo, giao Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Ngày 25/12/2021, Hương án chùa Keo Thái Bình cùng với 22 hiện vật thuộc các tỉnh, thành khác trên cả nước đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2189/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia (Đợt 10).

Chùa Keo Thái Bình nổi tiếng, nhưng bên trong có một bảo vật quốc gia độc bản, có bao nhiêu người biết là vật gì? - Ảnh 1.

Hương án chùa Keo Thái Bình-bảo vật quốc gia.

Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một công trình vĩ đại về mặt kiến trúc và mỹ thuật; được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1962 (đợt xếp hạng di tích quốc gia đầu tiên); năm 2012, chùa Keo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; năm 2017, lễ hội chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chùa Keo do Dương Không Lộ, một vị quốc sư thời Lý xây dựng từ thế kỷ XI. Vào đầu thế kỷ XVII, sau một cơn đại hồng thủy, toàn bộ làng Keo bị nước nhấn chìm, dân làng Keo phải vớt tượng Phật, tượng Thánh, đồ thờ và dạt sang hai bên bờ sông Hồng lập nên làng Keo Hành Thiện (Nam Định) và làng Keo Dũng Nghĩa (Thái Bình); sau đó mỗi làng xây lại một chùa Keo để thờ Phật và thờ Thánh Dương Không Lộ.

Chùa Keo Thái Bình được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XVII với lối kiến trúc nội nhị chữ công, ngoại chữ quốc với rất nhiều công trình: Tam quan ngoại, Tam quan nội, chùa thờ Phật (Tiền đường – tòa Ông Hộ, Ống muống, Phật điện), đền thờ Thánh (Giá roi, Siêu hương, Ống muống – tòa Phục Quốc, Hậu cung), hai dãy hành lang Đông, Tây; gác chuông, nhà tạo soạn và 04 công trình mới xây dựng bổ sung ở phía sau di tích gồm nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và tăng xá (tổng cộng 18 tòa, trong đó công trình kiến trúc cổ là 14 tòa, 134 gian). 

Tượng pháp và đồ thờ trong chùa Keo có rất nhiều, một số có niên đại cùng với thời gian xây dựng lại chùa (thế kỷ XVII), đa phần có niên đại thời Nguyễn, chỉ có rất ít hiện vật mới được bổ sung trong những năm gần đây, hiện đang được bài trí tại các công trình mới xây dựng bổ sung. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo; năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã lựa chọn Hương án chùa Keo, giao Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Hương án chùa Keo có dạng hình hộp chữ nhật được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân, được tạo tác từ chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng. 

Hiện vật có kích thước lớn: Dài 227,0 cm; rộng 156,0 cm; cao 153,0 cm; có hình dáng đặc biệt (chân quỳ dạ cá), được trang trí hoa văn dầy đặc với các họa tiết “ lưỡng long chầu nguyệt”, “long ẩn vân’, “long giáng” cùng 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu…; người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, trổ thủng để tạo khối nổi, khối chìm,tạo ra tầng tầng, lớp lớp hoa văn, sau đó sơn son, thếp vàngđể tạo ra một Hương án sang trọng,đặt ở nơi thờ tự tôn nghiêm – đền thờ Thánh chùa Keo Thái Bình.

Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, có kích thước lớn và nặng lên dưới chân Hương án có gắn hệ thống bánh xe để khi cần có thể đẩy để di chuyển. 

Sự sáng tạo này vừa bảo vệ Hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác gây ra vừa tránh được việc hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên. Có lẽ chính nhờ sự sáng tạo này mà trải qua thời gian mấy trăm năm (từ thế kỷ XVII đến nay) Hương án chùa Keo Thái Bình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Với các giá trị về lịch sử, khoa học và thẩm mỹ đó, ngày 25 tháng 12 năm 2021 Hương án chùa Keo Thái Bình cùng với 22 hiện vật thuộc các tỉnh khác đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2189/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia (Đợt 10)…

Đây là hiện vật thứ hai của tỉnh Thái Bình được công nhận là bảo vật quốc gia, trước đó Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng, niên đại thế kỷ XVII là hiện vật thuộc Bảo tàng tỉnh Thái Bình đã được công nhận là bảo vật quốc gia (Đợt 8) năm 2019.

Nguồn: danviet.vn

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *